Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chiều 20-5, ngôi nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ tại thôn Bích La Hậu, xã Triệu Tài của em Phạm Huy (học sinh lớp 11A3 Trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) ngập tràn trong niềm hạnh phúc vô bờ.
Huy đứng trên bục lãnh giải cuộc thi ở Mỹ ngày 20-5-2017 - Ảnh: Gia đình cung cấp
Hàng xóm, người thân liên tục ghé qua chúc mừng cha mẹ Phạm Huy. Những cuộc điện thoại cũng liên tục đến.
Xóm nhỏ này như đang trải qua những ngày tết, bởi rạng sáng cùng ngày nhận tin Huy đã đoạt giải ba Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế 2017 (Intel ISEF) tổ chức tại California (Mỹ).
Xóm nghèo vui như tết
Ngay từ tờ mờ sáng, nhiều người trong xóm đã chạy qua nhà Huy chúc mừng cha mẹ Huy. Ông Phạm Xuân Đính, cha Huy, nhận được thông tin về lễ công bố giải thưởng của con từ những người bạn của Huy từ lúc 0h.
Vợ chồng ông mở máy tính ra ngồi xem truyền hình trực tiếp qua mạng xã hội và cùng nín thở chờ tên con được xướng lên.
“Khi công bố đến giải tư, thấy các nhóm bạn của Huy lần lượt được xướng tên tui cũng nóng ruột lắm. Có thể nói là hồi hộp đến nín thở luôn. Đến khi công bố giải ba, hai vợ chồng không nghe được tiếng Anh nhưng chỉ cần nghe đến hai chữ “Triệu Phong, Quảng Trị” là đã trân cả người. Mừng đến rơi nước mắt” - ông Đính nhớ lại.
Khoảnh khắc từ lúc xướng tên đến khi Huy lên bục vinh danh kéo dài khoảng 2 phút.
“Đến 3h sáng, Huy mới có thời gian gọi về cho cha mẹ khoe thành tích của mình thì ở nhà đã rộn ràng không khí chiến thắng rồi. Suốt đêm, vợ chồng tui không thể chợp mắt được vì quá sung sướng” - bà Niềm, mẹ Huy, nói.
Về phần Huy, khỏi phải nói em vui đến nhường nào. Bởi từ một người tưởng chừng như phải ngồi ở nhà xem các bạn đi thi, em được sự giúp đỡ âm thầm để qua khe cửa rất hẹp đến được nước Mỹ trong những giờ cuối cùng.
Qua đến Mỹ, Huy phải đối chọi với 1.700 thí sinh đến từ hơn 70 quốc gia trên thế giới, trong đó có những cường quốc về công nghệ như Mỹ, Nhật, Đức, Ấn Độ.
“Em nghe đến tên mình là run lên. Vừa đi lên vừa rươm rướm nước mắt. Đến khi xuống khỏi bục vinh danh, em đã khóc òa vì không thể kìm được” - Huy nói.
Niềm đam mê kỳ lạ
Người dân xóm Bích La Hậu chủ yếu làm nghề nông. Quanh nhà Huy cũng toàn ruộng đồng vừa qua mùa gặt. Riêng cha Huy làm nghề sửa xe máy gần làng. Mẹ Huy bán vải ở chợ.
Tuy thuần nông nhưng người dân nơi đây rất quan tâm đến chuyện học hành của con cháu trong làng.
Bà Phạm Thị Luyện - 73 tuổi, bà nội Huy - kể mấy hôm trước khi Huy đi phỏng vấn cấp visa lần hai ở Hà Nội về thất bại, bà con lối xóm buồn thiu.
Bà Luyện là người gần gũi nhất với Huy. Bà nói Huy có niềm đam mê kỳ lạ với các sáng chế kỹ thuật.
Phòng của Huy mấy năm qua la liệt dụng cụ chế tạo, đồ phế liệu, các chi tiết, linh kiện điện tử. Niềm đam mê này bắt đầu ngay từ khi Huy mới là học sinh cấp II. Huy vẫn thường lén cha mẹ xin bà nội tiền mua linh kiện điện tử về chế tạo, lắp ráp. Cánh tay robot này cũng ra đời từ đó.
Bà Luyện kể “số phận” của cánh tay robot này cũng lắm thăng trầm. Ban đầu, khi Huy đưa về nhà một mớ chi tiết lắp ráp rồi cả ngày lẫn đêm cắm mắt vào hàn, gắn các chi tiết, cha mẹ Huy cũng lo lắm vì sợ Huy sao nhãng việc học ở lớp.
Thậm chí có lúc đỉnh điểm, cha Huy phải ngăn cấm Huy đụng đến mớ chi tiết điện tử này để tập trung vào việc học ở trường.
Ông Đính nói: “Người làm cha làm mẹ ai cũng sẽ thấy nóng ruột khi con mình quá đam mê những việc ngoài học hành như thế. Tui cấm dữ lắm mà Huy vẫn cứ đam mê”.
Theo đại diện Bộ GD-ĐT đi theo đoàn, đoàn Việt Nam tham dự cuộc thi này với 8 dự án. Trong đó sản phẩm cánh tay robot cho người khuyết tật nghèo của Phạm Huy giành giải cao nhất. Bốn dự án khác trong đoàn cũng được trao giải tư.
Cánh tay robot của Huy được chế tạo gần giống như tay người bình thường với khả năng cầm nắm, co duỗi.
Như Tuổi Trẻ đã nhiều lần đưa tin trước đó, Huy là người đã bị Lãnh sự quán Mỹ tại Hà Nội hai lần từ chối cấp visa đi Mỹ dự thi.
Đến lần thứ ba, sau khi có sự lên tiếng của báo Tuổi Trẻ và sự giúp đỡ của một số bạn đọc, Huy được cấp visa đi Mỹ khi thời hạn lên máy bay chỉ còn tính bằng giờ.
Nguồn TTO