Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện của các “đối tác”
Chủ nhật: 23:45 ngày 16/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chào Bàn Dân, tôi thường xuyên đọc báo tỉnh nhà, xin lỗi nghen, tôi cảm thấy có vẻ như ông hay… “ăn cơm mới nói chuyện cũ” lắm hả?!

- Lỗi phải gì ông ơi! Nhưng nếu như ông bảo Bàn Dân hay “ôn cố tri tân” thì chắc mình thích hơn.

- Vâng, vậy bữa nay ông “ôn cố” giúp tôi chuyện này cái coi!

- Có lẽ được thôi, nếu như cái chuyện cũ mà ông nói Bàn Dân ít nhiều cũng có biết. Đó là chuyện gì nào?

- Số là qua theo dõi quý báo, tôi thấy dạo gần đây ông thường hay bàn về chuyện các đoàn khách Hoa Kỳ nối nhau đến thăm Việt Nam, nào là quan chức Đại diện Thương mại Mỹ, nào là đoàn hơn năm chục “doanh nghiệp đại bàng”, rồi tới đoàn các vị nghị sĩ lưỡng viện…

- Chắc ông cũng sẽ nói tiếp đến sự kiện Ngoại trưởng Hoa Kỳ mới vừa sang Việt Nam nữa chớ gì. Đâu có gì lạ đâu, ông cũng biết là từ sau khi Tổng Bí thư Đảng ta điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ thì có nhiều đoàn khách Mỹ sang Việt Nam, vì năm nay là năm kỷ niệm 10 năm hai nước Việt - Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện đó mà.

- Ông nói không sai, nhưng mà hơi vội, vì tôi… nói chưa hết mà!

- Là sao, còn đoàn khách Mỹ nào nữa mà ông bảo là nói chưa hết?

- Về các đoàn Mỹ thì ông liệt kê ra hết rồi, còn tôi lại định hỏi thăm ông thêm một đoàn khách nước khác, nước có quan hệ ngoại giao với nước mình ở cấp cao hơn nữa kìa!

- À, vậy là ông muốn nói đến chuyện đoàn khách nước Pháp đến tham dự Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa nước Pháp với nước ta đó chứ gì?

- Y vậy, tôi nhận thấy đoàn khách Pháp gần như đến cùng lúc với đoàn Ngoại trưởng Mỹ và cũng với ý nghĩa là kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác với nước ta, mà là Đối tác chiến lược, tức là cao hơn Đối tác toàn diện nữa. Nếu ông biết rõ và có thể “ôn cố” về quá trình quan hệ ngoại giao giữa nước ta với nước Pháp và giữa nước ta với Hoa Kỳ thì xin ông vui lòng cắt nghĩa cho tôi biết với?

- Ông hỏi câu đó là làm khó Bàn Dân rồi đó nghen! Nếu phải nhắc lại cả một quá trình từ thời người Pháp mới đến nước ta, người Mỹ mới đến nước ta, nghĩa là nhắc lại chuyện từ bảy mươi mấy năm đến hơn trăm rưỡi năm Bàn Dân xin chịu thua! Đề nghị ông về lật lại các sách lịch sử mà đọc, Bàn Dân không thể nào “ôn cố” với ông trong một câu chuyện nhỏ này đâu!

- Tôi đâu có bắt ông “trả bài” lịch sử ở đây đâu. Với lại tôi cũng có học, có biết chuyện quân đội thực dân Pháp xâm chiếm, đô hộ nước ta từ nửa cuối thế kỷ 19 đến khi thua ta ở trận Điện Biên Phủ phải ký Hiệp định Genève 1954, ta giải phóng được miền Bắc; rồi đến chuyện quân đội viễn chinh Mỹ hất cẳng Pháp đổ bộ binh chiếm miền Nam, đánh phá bằng không quân, hải quân tới tấp vào miền Bắc nước ta, để rồi thua trận “Điên Biên Phủ trên không” phải ký Hiệp định Paris 1973 rút quân ra khỏi nước ta; “Mỹ cút” rồi tới “nguỵ nhào”, quân dân ta lập nên chiến thắng 30.4.1975 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam thống nhất đất nước…

- Ông thuộc sử quá rồi, còn “hỏi đố” Bàn Dân chi nữa?

- Tôi “ôn cố” xong rồi, đến phiên ông giúp tôi “tri tân” đi. Ông có nhớ ta “gác lại quá khứ” bắt đầu bình thường hoá quan hệ ngoại giao, thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với nước Pháp là ngày nào? Ta bắt đầu bình thường hoá quan hệ ngoại giao, thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với nước Mỹ là ngày nào không? Và tại sao cùng là “cựu thù” xâm lược nước ta, mà một nước nay là Đối tác chiến lược, còn một nước nay là Đối tác toàn diện, ông giải thích tôi nghe thử?

- Ờ, ông muốn nghe thì Bàn Dân cũng xin nói vậy. Cũng qua theo dõi thời sự lâu nay, Bàn Dân được biết, không kể quan hệ ngoại giao của Pháp với chế độ Mỹ - nguỵ từ năm 1956, nước Pháp chính thức quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ với nước ta sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết. Cụ thể là ngày 12.4.1973. Còn ngày thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Pháp là ngày 26.9.2013 nhân chuyến thăm nước Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đối với Hoa Kỳ, ngày chính thức bình thường hoá quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ là ngày 11.7.1995 và ngày thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện là ngày 25.7.2013, trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên thủ nước ta cùng Tổng thống Mỹ cùng tuyên bố quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện.

Về câu hỏi khá “tế nhị” của ông, Bàn Dân nghĩ rằng trong quan hệ giữa các nước từng là “cựu thù”, tất nhiên phải cần có thời gian để khẳng định thực chất của sự chân thành, tính trung thực trong các mối quan hệ, rồi từ đó sẽ nâng dần tính chất, mức độ quan hệ từ thấp đến cao. Nước nào bình thường hoá sớm hơn, có thời gian dài hơn để khẳng định thực chất quan hệ tốt đẹp ắt sẽ sớm nâng cấp quan hệ cao hơn thế thôi.

Bàn Dân

Từ khóa:
Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh