Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện thời sự
Chuyện dân cư thời cách mạng công nghệ
Thứ ba: 13:07 ngày 26/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chào nhà báo, mấy ngày nay tôi đọc báo, xem đài nghe thấy chuyện này, phải nói là thật đáng mừng, nhưng vì tôi chưa hiểu rõ lắm nên còn cảm thấy rất băn khoăn, ông làm ơn giải thích giùm nghen?

-Ông cần biết chuyện gì, nói rõ ra xem Bàn Dân có biết hay không mới giải thích với ông được chứ?!

-Cuối tuần qua, tôi theo dõi kỳ họp Quốc hội, nghe ông Đại tướng Bộ trưởng Bộ Công an, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Tôi cảm thấy chuyện sửa đổi Luật Cư trú lần này là cả một cuộc cách mạng chứ không phải bình thường…

-Ông có “đao to búa lớn” quá không đó. Nhiệm vụ của Quốc hội là làm luật, sửa luật, sao ông dám nói là “không phải bình thường”?

-Ông đừng “cắt khúc” câu nói của tôi như vậy chớ! Tôi nghĩ rằng với đề nghị Quốc hội sửa đổi trong Luật Cư trú, quả thật là “cả một cuộc cách mạng”. Bởi lẽ, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) lần này là sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin… Trong khi từ trước đến nay, cuốn sổ hộ khẩu đã gắn liền với cuộc sống của từng gia đình, từng cá nhân, gắn liền với mọi giao dịch hành chính công giữa công dân với các cơ quan Nhà nước, cũng như mọi giao dịch trong đời sống xã hội, đời sống kinh tế của từng công dân. Như vậy, chuyện bỏ sổ hộ khẩu không phải là “cả một cuộc cách mạng” hay sao?

-Đúng, chuyện bỏ sổ hộ khẩu quả là không đơn giản chút nào. Và… xin lỗi ông nghen, câu nói ví von chuyện bỏ sổ hộ khẩu ấy “như một cuộc cách mạng”, không phải Bàn Dân mới nghe ông nói đâu, mà là nhận định của ông Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại kỳ họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cách nay hơn một tháng rồi ông ơi. Cụ thể là ngày 21.4, ông Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường cho rằng việc bỏ sổ hộ khẩu, tích hợp vào số định danh cá nhân nếu làm được sẽ là “cuộc cách mạng” giống như hồi bỏ sổ gạo của thời bao cấp. Điều này đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân, phù hợp với xu hướng phát triển khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước.

 -Vậy hả! Nhưng mà “bỏ sổ hộ khẩu, tích hợp vào số định danh cá nhân” là cái gì, ông càng giải thích thì tôi càng cảm thấy rối rắm, khó hiểu quá?!

-Ông cảm thấy càng nghe, càng rối rắm là tại vì ông theo dõi thời sự mà theo chưa kịp, nghe chưa đầy đủ đó thôi. Thế này, ông phải biết là dự thảo Luật Cư trú sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng internet được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan. Đây là phương thức quản lý hiện đại của thời cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân.

-Vậy hả ông, nhưng mà…“số định danh cá nhân” là cái gì, rồi… làm sao mình biết cái “số…” của mình?

-Cái này là tại ông chưa chịu đi đổi căn cước công dân. Số định danh cá nhân chính là số giấy căn cước công dân, là dãy số gồm 12 chữ số, xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến khi chết, không thay đổi trong suốt cuộc đời. Thông tin chứa đựng trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm các nội dung: số định danh cá nhân, ảnh, họ và tên, tên thường gọi, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, số chứng minh nhân dân, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số hộ chiếu, họ tên cha, họ tên mẹ, tình trạng hôn nhân, họ tên vợ hoặc chồng, họ tên con, ngày tháng năm mất. Nói chung là mọi thông tin về một cá nhân trong suốt cuộc đời đều chứa đựng trong 12 chữ số định danh cá nhân ấy đó.

 -À ra vậy, nhưng mà tôi cũng nghe là sau khi được Quốc hội thông qua thì Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 1.7.2021, vậy từ đây tới đó chỉ còn hơn một năm và một tháng nữa, liệu có kịp cấp số định danh cá nhân cho toàn thể dân mình không vậy ông?

-Chuyện này thì… Bàn Dân khó trả lời với ông quá. Nhưng Bàn Dân cũng có thể cho ông biết là tính đến cuối năm ngoái, 2019, cả nước đã có 16 tỉnh, thành thực hiện cấp giấy căn cước công dân, trong đó có tỉnh Tây Ninh mình, và đã có 18 triệu người dân được cấp căn cước công dân rồi. Bàn Dân nghĩ điều quan trọng nhất, căn bản nhất là với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã thực hiện hoàn thành, thì việc cấp giấy cho 80 triệu dân còn lại trong vòng một năm nữa chắc không phải là không khả thi.

BÀN DÂN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh