Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyến đi “kết nối kinh tế, mở cửa thị trường” của Thủ tướng
Chủ nhật: 08:42 ngày 28/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tối 27/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ hai theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị bàn tròn Diễn đàn cấp cao hợp tác "Vành đai và Con đường". Ảnh: VGP

Từ ngày 25-27/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc khẩn trương với nhiều hoạt động như dự lễ khai mạc, các hội nghị bàn tròn của Diễn đàn. Thủ tướng Chính phủ đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, gặp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Hộ Ninh, tiếp nhiều doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc, gặp mặt, thăm hỏi cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và bà con cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc. Đồng thời đã gặp, tiếp xúc với lãnh đạo nhiều quốc gia bên lề Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” có chủ đề là “Hợp tác Vành đai và Con đường: Định hình tương lai chung tươi sáng hơn”, Thủ tướng bày tỏ, đây là dịp tốt để hơn 1.500 đại biểu quốc tế trao đổi về kết quả hợp tác thời gian vừa qua hướng đến một tương lai chung, tươi sáng hơn; thảo luận những phương hướng hợp tác mới và hợp tác với Trung Quốc nhằm thúc đẩy kết nối, liên kết kinh tế và phát triển bền vững.

Hoan nghênh các chủ đề của Diễn đàn, Thủ tướng nêu rõ, kết nối phải được thúc đẩy một cách toàn diện cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, bao gồm cả kết nối số, từ giao thông, năng lượng, thông tin viễn thông,.. đến kết nối con người. Phát triển bền vững của BRI chính là sự đồng điệu với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 của LHQ. Để hợp tác BRI đem lại kết quả thực chất, lâu dài thì quan điểm của các quốc gia dù lớn dù nhỏ đều phải được tôn trọng, lắng nghe và các khác biệt được giải quyết bằng tham vấn, đối thoại; quan hệ hợp tác cần bình đẳng, minh bạch, cởi mở, chân thành, cùng có lợi, đồng thời tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp luật pháp quốc tế. Đó chính là những nền tảng cho kết nối và phát triển bền vững thành công.

“Từ kinh nghiệm của mình, chúng tôi thấy rằng, phát huy tốt tiềm năng thế mạnh cùng với hội nhập quốc tế sâu rộng là nền tảng cho hợp tác thành công. Hiện nay, Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trong đó có hợp tác với Sáng kiến BRI”, Thủ tướng nói. Việt Nam tiếp tục hợp tác tốt với Trung Quốc và các nước để xây dựng các hình thức hợp tác hiệu quả, cùng có lợi. Bằng nhiều nguồn lực (nguồn vốn) phù hợp, Việt Nam đang chủ động triển khai nhiều dự án hạ tầng cơ sở để mở rộng kết nối với Trung Quốc, Lào, Campuchia và ASEAN, bao gồm giao thông vận tải, năng lượng, nông nghiệp, công nghệ, giáo dục, y tế, du lịch,…

Các ý kiến đóng góp của Việt Nam và nhiều nội dung được phản ánh trong Thông cáo chung của Diễn đàn. Đoàn Việt Nam cũng tham gia đóng góp dưới nhiều hình thức tại các hoạt động khác của Diễn đàn, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ đã tham gia phát biểu tại các phiên họp chuyên đề.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: VGP

Hội kiến, hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững; hoan nghênh và ủng hộ sáng kiến “Vành đai và Con đường” bảo đảm các nguyên tắc hợp tác hòa bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, hướng đến mục tiêu đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng chung của tất cả các nước.

Thủ tướng hoan nghênh và đề nghị Trung Quốc triển khai các dự án lớn, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đại diện cho trình độ phát triển của Trung Quốc tại Việt Nam; đề nghị hai bên tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong và các dòng sông chung. Thủ tướng đánh giá cao việc Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đã tích cực phối hợp giải quyết vấn đề nhập siêu của Việt Nam theo hướng thương mại cân bằng, bền vững, mở cửa hơn nữa thị trường cho các sản phẩm sữa và măng cụt của Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, tiếp tục mở cửa cho các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam, nhất là 8 loại trái cây, thịt lợn và tổ yến, tạo thuận lợi cho thương mại gạo giữa hai nước; phối hợp xử lý một số vướng mắc về thủ tục hoàn công thanh quyết toán, đội vốn, chậm tiến độ, hiệu quả thấp trong các dự án hợp tác giữa hai bên; thúc đẩy ký mới Hiệp định đường sắt, kết nối đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu; đề nghị tăng số chuyến bay thẳng giữa 2 nước, cấp giờ hạ cất cánh phù hợp cho các hãng hàng không Việt Nam được bay thường xuyên đến/đi từ Bắc Kinh và Thượng Hải; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tham gia hiệu quả vào tuyến vận tải Trùng Khánh – Singapore.

Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC; tích cực thúc đẩy đàm phán để xây dựng COC thực chất, có hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Trong trao đổi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ chiến lược, láng giềng, hữu nghị với Việt Nam, hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, đối ngoại (hai Đảng), kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch…; nêu rõ Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu sang Việt Nam, sẵn sàng thúc đẩy cân bằng thương mại song phương, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường hợp tác về thương mại và mở rộng đầu tư tại Việt Nam; nỗ lực cùng Việt Nam kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chứng kiến lễ trao một số văn bản hợp tác viện trợ, hải quan, văn hóa giữa hai bên. Những văn bản này sẽ góp phần tạo điều kiện mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam cũng như thúc đẩy du lịch giữa hai nước. Nhân dịp này, các bộ, ngành hai nước đã ký một số văn bản hợp tác khác trên lĩnh vực nông nghiệp.

Bên lề Diễn đàn, Thủ tướng đã có các cuộc gặp, tiếp xúc bên lề với Tổng thống Tajikistan, Tổng thống Philippines, Chủ tịch nước Lào, Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Singapore, Tổng Thư ký Đảng Dân chủ tự do Nhật bản để trao đổi những biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương cũng như tăng cường hiệu quả phối hợp tại các diễn đàn đa phương, đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng tiếp đại diện các tập đoàn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Ảnh: VGP

Nhân dịp này, Thủ tướng đã tiếp nhiều lãnh đạo cấp cao các Tập đoàn lớn của Trung Quốc, thuộc tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, trong các lĩnh vực hạ tầng – xây dựng, năng lượng, tài chính – công nghệ.

Thủ tướng nêu rõ Việt Nam mong muốn huy động nhiều nguồn lực cho phát triển, bao gồm khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có các dự án trong khuôn khổ kết nối “hai hành lang, một vành đai” với “Vành đai và Con đường”. Đó là cơ hội cho các dự án đầu tư của Trung Quốc.

Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng, nhất là những doanh nghiệp có thực lực về tài chính, công nghệ tới Việt Nam đầu tư, hợp tác cùng tham gia đấu thầu quốc tế, bình đẳng trong triển khai các dự án cụ thể.

Thủ tướng đánh giá cao các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư các dự án tốt tại Việt Nam, đồng thời cũng phê phán một số doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam nhưng triển khai chậm. Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp sẽ thành công nếu bảo đảm yêu cầu về môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm tiến độ dự án, giá cả hợp lý. Việt Nam không chấp nhận công nghệ cũ, lạc hậu, không bảo đảm yêu cầu về môi trường.

Các doanh nghiệp của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, mở cửa hội nhập của Việt Nam; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam; bày tỏ mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để tham gia vào các dự án lớn tại Việt Nam.

Chuyến tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã góp phần tích cực vào việc duy trì đà hợp tác phát triển ổn định của quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc, khẳng định thiện chí và vai trò của Việt Nam trong việc mở rộng hợp tác và kết nối kinh tế quốc tế vì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới./.

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục