Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhiều năm qua, tỉnh có truyền thống sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh như mía, mì, cao su, mãng cầu, bò thịt với trình độ thâm canh và ứng dụng khoa học kỹ thuật khá mạnh mẽ; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đã và đang từng bước được hoàn thiện, là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tây Ninh là tỉnh có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển nông nghiệp (đất đai bằng phẳng, ít bị ảnh hưởng của thiên tai). Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh khoảng 340 ngàn ha, trong đó, đất lâm nghiệp 71 ngàn ha. Đồng thời, tỉnh có dân số đông, nguồn lao động chiếm trên 60% dân số, chất lượng lao động được đánh giá ở mức khá.
Nhiều năm qua, tỉnh có truyền thống sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh như mía, mì, cao su, mãng cầu, bò thịt với trình độ thâm canh và ứng dụng khoa học kỹ thuật khá mạnh mẽ; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đã và đang từng bước được hoàn thiện, là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.
Ươm chuối giống trước khi đem trồng ở một trang trại.
Từ thực tế, Tây Ninh xác định nhóm cây trồng vật nuôi theo định hướng sau: Nhóm khuyến khích phát triển gồm rau củ quả, cây ăn trái, heo thịt, gà thịt, bò sữa. Nhóm tiếp tục duy trì gồm khoai mì, mãng cầu, bò thịt. Nhóm không khuyến khích phát triển và cần được giảm dần gồm lúa, mía, cao su.
Nông nghiệp đang “chuyển mình”
Việc thực hiện chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp những năm gần đây đã giúp tỉnh nhà đạt được nhiều kết quả khả quan, có bước phát triển khá toàn diện. Ngành trồng trọt có chuyển biến rõ nét. Những ngành hàng truyền thống (mía, mì, cao su, lúa...) đang được sản xuất theo hướng tập trung phục vụ công nghiệp chế biến. Các ngành hàng tiềm năng (rau thực phẩm, cây ăn trái…) đang được từng bước chuyển đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, nhất là cây ăn trái (đem lại giá trị tăng thêm từ 3 - 4 lần so với cây truyền thống).
Trong 5 năm qua, diện tích cây ăn trái tăng gần 6.000 ha, nâng tổng diện tích đến năm 2018 trên 20.000 ha. Trong đó, nhiều cây ăn trái nhiệt đới có tiềm năng đang phát triển nhanh như mít, bưởi da xanh, nhãn…
Chăn nuôi phát triển khá mạnh theo mô hình trang trại, gia trại. Chăn nuôi quy mô công nghiệp có bước tăng trưởng vượt bậc, nhất là gia cầm (có trang trại công suất trên 1 triệu trứng/ngày), trang trại bò sữa với trên 7.000 con… Chăn nuôi tập trung công nghiệp, bán công nghiệp phát triển nhanh, đạt trên 70% so với tổng đàn.
Lộ trình giảm giá thành sản xuất trang trại có những chuyển biến rõ nét, góp phần chuyển biến mạnh từ nội tiêu sang tăng khả năng hội nhập thị trường khu vực và thế giới, tăng khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, từng bước ổn định sản xuất. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có 45 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP. Liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngày càng phát triển mạnh, đối với heo thịt, gà thịt, bò sữa, trứng công nghiệp hiện nay đã có 60% sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị.
Những năm gần đây, Tây Ninh đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Lượng nông sản được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP đạt 5%; giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 15,05%, sản phẩm nông nghiệp ngày càng được nâng cao chất lượng.
Để bảo đảm hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tỉnh cũng đã cơ cấu lại đầu tư công, đầu tư chuyển đổi tập trung theo hướng phát triển hệ thống hạ tầng tiêu thoát bảo đảm tiêu nước hiệu quả phục vụ chuyển đổi cây trồng cạn; đồng thời, đầu tư hạ tầng thuỷ lợi phục vụ vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích khoảng 6.500 ha chuyển đổi cây trồng.
Năm vừa qua, tỉnh đã thu hút đầu tư 57 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn đầu tư trên 4.040 tỷ đồng. Đặc biệt, có dự án đầu tư phát triển rau, củ và cây ăn trái với số vốn trên 1.000 tỷ đồng. Đây là dự án đòn bẩy giúp nông dân chuyển đổi sản xuất, kỳ vọng tạo ra bước đột phá trong giá trị gia tăng của chuỗi giá trị cho một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Đáng chú ý nữa là trong năm, Tây Ninh tập trung liên kết các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với nông dân vào chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị.
Thay đổi mạnh cơ cấu cây trồng
Để ngành nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, gia tăng giá trị sản xuất, Tây Ninh đã có kế hoạch chuyển toàn bộ đất lúa 1 vụ, kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm khác. Thực hiện luân canh cây trồng cạn trên đất lúa nước khoảng 30% diện tích, trong đó, chủ yếu là cây rau, hoa, bắp, đậu phộng và một số cây màu khác; chuyển cơ cấu giống lúa theo hướng sử dụng giống chất lượng cao, lúa hữu cơ.
Tỉnh cũng sẽ giảm diện tích trồng cao su đối với các vùng đất có mức thích nghi thấp và một phần diện tích cao su tiểu điền, cao su già cỗi cho năng suất thấp. Cây mía sẽ được giảm diện tích trồng trên địa bàn tỉnh, chỉ phát triển những nơi thích hợp và có lợi thế so sánh với cây trồng khác. Đáng chú ý là tỉnh vẫn tiếp tục duy trì diện tích sản xuất khoai mì, đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như sử dụng giải pháp kỹ thuật, giống để canh tác bền vững, nâng chất lượng. Cây rau thực phẩm sẽ được tăng diện tích cùng với các loại cây ăn trái như mãng cầu, xoài, nhãn, bưởi, chuối, sầu riêng, mít… vốn có nhiều ưu thế so với cây trồng khác, tỷ suất lợi nhuận và thu nhập cao, có nhiều cơ hội xuất khẩu.
Trong lĩnh vực chăn nuôi vốn có nhiều tiềm năng, Tây Ninh sẽ chú trọng đến các loại vật nuôi có thế mạnh như heo thịt, gà thịt và bò hướng thịt, bò sữa. Cụ thể, tỉnh sẽ tăng nhanh quy mô nuôi trang trại, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Cơ giới hoá nhằm giảm giá thành trong sản xuất mía đường.
Với mục tiêu giúp nông dân làm giàu trên đất của mình, đưa ngành nông nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Tây Ninh đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chính để phát triển bền vững, đúng định hướng. Đó là thu hút đầu tư doanh nghiệp nông nghiệp tiên phong gắn với quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tỉnh sẽ rà soát diện tích đất đã giao cho các công ty nông nghiệp, mạnh dạn cho chủ trương chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng thị trường; tạo quỹ đất sạch; xây dựng cơ chế, tiêu chí khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư theo định hướng; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật phục vụ vùng phát triển nông nghiệp theo định hướng; tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi theo hướng trang trại thay dần hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán; hạn chế chăn nuôi gia công.
Một nhiệm vụ quan trọng khác của ngành nông nghiệp trong quá trình cơ cấu lại là tổ chức lại sản xuất. Trước hết là việc triển khai vùng nguyên liệu theo định hướng quy hoạch sản xuất vùng nông nghiệp tập trung gắn với chuỗi giá trị. Chuyển đổi một số vùng sản xuất lúa năng suất thấp, mía, cao su sang phát triển rau quả, cây ăn trái đặc sản.
Tiếp tục thu hút phát triển chế biến rau củ quả, cây ăn trái; chế biến thịt, trứng; khuyến khích, xây dựng cơ chế hỗ trợ thúc đẩy dịch vụ chuyên sâu trong nông nghiệp như: cơ giới hoá, phân tích đất, kiểm soát đối tượng gây hại... Khuyến khích chế biến sâu các sản phẩm nông sản sử dụng các phụ phẩm từ chế biến mía, mì, cao su. Thúc đẩy hộ nông dân phát triển liên kết sản xuất, HTX nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Thu hoạch chuối ở một trang trại.
Tỉnh cũng sẽ phát triển các mô hình hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tăng cường các hoạt động chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân; phát triển nông nghiệp theo hướng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ) gắn với phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng đến chất lượng theo thị trường xuất khẩu; khuyến khích hỗ trợ kinh tế trang trại phát triển bền vững.
Cơ chế chính sách là yếu tố có tính quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển nông nghiệp. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ có cơ chế tạo quỹ đất sạch và làm công cụ chính để kêu gọi đầu tư thu hút vốn từ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu cơ chế thu hút mạnh nguồn lực đầu tư xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn- nhất là hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; xây dựng mới và điều chỉnh các chính sách thúc đẩy tạo đột phá trong phát triển sản xuất, chế biến nông nghiệp theo định hướng.
Một trại gà công nghệ khép kín ở Trảng Bàng.
Tỉnh cũng sẽ rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn; chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cụ thể hoá và triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương đã ban hành; xây dựng chính sách hỗ trợ như áp dụng cơ giới hoá, đầu tư trang bị công nghệ tưới tiên tiến, các mô hình ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết và chính sách đặc thù của tỉnh.
Một nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi khác của Tây Ninh trong phát triển nông nghiệp là đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tăng cường thu hút và đào tạo tri thức cho nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể là đào tạo công nhân nông nghiệp, khắc phục tình trạng khan hiếm lao động nông nghiệp; xây dựng chính sách đẩy mạnh đào tạo nông dân, người sản xuất theo hướng gắn với sản xuất mô hình, trang trại, doanh nghiệp.
Đáng chú ý là công nghệ 4.0 sẽ được thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ trong nông nghiệp như: truy xuất nguồn gốc, điều khiển tự động, sản xuất thông minh... Song song đó là tăng cường công tác xúc tiến đầu tư thương mại, quảng bá thương hiệu; xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin nông nghiệp, thông tin thị trường. Tỉnh cũng sẽ rà soát lại hoạt động tài chính, đầu tư nhằm tăng tỷ trọng vốn đầu tư của ngân sách tỉnh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn- nhất là vốn đầu tư phát triển, vốn thực hiện chính sách.
Đ.C