Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Phần mềm Trợ lý ảo với nhiều ưu điểm vượt trội đã giúp cán bộ Toà án có thêm công cụ đắc lực hỗ trợ trong công việc, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc.
Thời gian qua, TAND hai cấp tỉnh đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành và thụ lý, giải quyết các vụ án, góp phần nâng cao chất lượng, hoạt động của Toà án.
Theo TAND tỉnh, trong công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp, TAND hai cấp tập trung vào việc thực hiện tốt mô hình "Hành chính tư pháp một cửa", đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý công việc theo hướng đơn giản hoá, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân khi có công việc liên quan tới Toà án.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng hệ thống quản lý án giúp cho các Toà án quản lý, theo dõi được toàn bộ tiến độ thụ lý, giải quyết đơn tư pháp, vụ việc từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc; giám sát được tình hình thụ lý, giải quyết án của từng thẩm phán, góp phần bảo đảm các yêu cầu của người dân, các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm được giải quyết nhanh, đúng quy định pháp luật.
Việc xét xử trực tuyến đã và đang được triển khai tại TAND hai cấp, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội. Việc tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp, giúp hạn chế tập trung đông người tại một phòng xử án, người dân dễ dàng tiếp cận công lý và bảo đảm các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí và thời gian đến phiên toà.
Năm 2024, TAND hai cấp tổ chức xét xử trực tuyến 39 vụ án; trong đó, TAND tỉnh tổ chức các điểm cầu thành phần hỗ trợ 12 phiên toà trực tuyến xét xử phúc thẩm hành chính, hình sự của TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh (so cùng kỳ, xét xử bằng hình thức trực tuyến tăng 20 vụ, hỗ trợ TAND cấp cao tăng 3 vụ).
TAND tỉnh cho biết thêm, việc xét xử trực tuyến các vụ án hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức phiên toà, hạn chế hoãn phiên toà nhiều lần hoặc xét xử vắng mặt người bị kiện, góp phần giảm bức xúc cho người khởi kiện. Qua đó, việc xét xử trực tuyến các vụ án hành chính đã nhận được phản hồi tích cực của những người tham gia tố tụng và sự đánh giá cao của cơ quan hành chính Nhà nước. Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí đầu tư để bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là kinh phí đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống đường truyền, hệ thống thiết bị ghi hình có âm thanh.
Là một trong những đơn vị được đánh giá cao trong triển khai các hoạt động chuyển đổi số, TAND huyện Dương Minh Châu cho biết, ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng, triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới hoạt động, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu nghị quyết, chỉ thị của TAND tối cao đề ra; thực hiện đổi mới công nghệ, áp dụng các phần mềm quản lý án. Toàn bộ kết quả giải quyết án được lưu trữ trên máy vi tính, do đó, việc báo cáo thống kê trên hệ thống được thực hiện nhanh chóng, chính xác, giúp lãnh đạo quản lý, kiểm tra tiến độ giải quyết án được dễ dàng. Đơn vị còn sử dụng nhiều phần mềm quản lý nội bộ của TAND tối cao để nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả công tác, như phần mềm quản lý văn bản điện tử và chỉ đạo điều hành; phần mềm quản lý nhân sự và đánh giá công chức…
Bên cạnh đó, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công chức, người lao động về vai trò, ý nghĩa, hiệu quả của việc sử dụng, khai thác các phần mềm; kịp thời đề nghị khen thưởng đối với cá nhân sử dụng, khai thác tốt các phần mềm; xây dựng gương điển hình, tiên tiến trong sử dụng, khai thác các phần mềm, tạo động lực thi đua cho công chức, người lao động. Đồng thơi bố trí, phân công cán bộ phù hợp với năng lực chuyên môn, sở trường công tác để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Toà án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các hoạt động của đơn vị đã mang lại kết quả tích cực trong công tác chuyên môn. Trong năm, TAND huyện giải quyết 2.264 vụ, việc/2.314 vụ, việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 97,8%). Trong đó, giải quyết theo tố tụng 1.439/1.479 vụ, việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 97,3%); giải quyết theo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án 825/835 vụ (đạt tỷ lệ 98,8%), hoà giải thành 592/825 vụ, đạt tỷ lệ 71,8%. Bình quân mỗi thẩm phán giải quyết 13,5 vụ, việc/tháng; chất lượng giải quyết án đạt và vượt mức chỉ tiêu của TAND tối cao đề ra.
Đặc biệt, phần mềm Trợ lý ảo với nhiều ưu điểm vượt trội đã giúp cán bộ Toà án có thêm công cụ đắc lực hỗ trợ trong công việc, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc. Với việc truy cập phần mềm Trợ lý ảo, cán bộ Toà án dễ dàng tra cứu các văn bản, chỉ dẫn áp dụng pháp luật cho các tình huống pháp lý cụ thể, quy định pháp luật, án lệ và bản án có tình huống pháp lý tương tự phục vụ cho công tác chuyên môn…
“Có thể nói, phần mềm Trợ lý ảo đã nhận được phản hồi, đánh giá tích cực từ Toà án do thân thiện, dễ sử dụng, với đa dạng các hình thức tra cứu. Năm 2024, TAND huyện Dương Minh Châu được đánh giá là một trong số các đơn vị có lượt tương tác với phần mềm trợ lý ảo cao nhất với 51 lượt trao đổi tình huống pháp lý, 558 câu hỏi trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, hơn 18.900 lượt bình luận và 179 lượt phản hồi với trợ lý ảo”- ông Nguyễn Như Sơn- Chánh án TAND huyện Dương Minh Châu chia sẻ.
Ngoài ra, công tác công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án trên Cổng thông tin điện tử được TAND hai cấp thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Trong năm, TAND hai cấp đã công bố được 3.159 bản án, quyết định (cấp tỉnh 699 bản án, quyết định; cấp huyện 2.460 bản án, quyết định). Các thông tin về tên, địa chỉ của cá nhân, cơ quan, tổ chức và những thông tin khác liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình có trong bản án, quyết định của Toà án mà việc công bố sẽ vi phạm nguyên tắc hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16.3.2017 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ được mã hoá.
Để tiếp tục phát huy mạnh mẽ chuyển đổi số, xây dựng Toà án điện tử trong thời gian tới, TAND tỉnh sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và quản lý, điều hành; thực hiện công tác chuyển đổi số theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ và TAND tối cao; khuyến khích các Toà án tổ chức phiên toà “số hoá” hồ sơ vụ án hình sự và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, âm thanh tại phiên toà; phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức tốt các phiên toà xét xử trực tuyến.
Thực hiện tốt công tác tổ chức, cán bộ; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng xét xử cho cán bộ, công chức và hội thẩm nhân dân; chú trọng hình thức đào tạo, bồi dưỡng thông qua hệ thống trực tuyến.
Riêng TAND huyện Dương Minh Châu kiến nghị TAND tối cao hoàn thiện hoạt động của các hệ thống phần mềm để giúp việc truy cập dễ dàng, thông suốt; bố trí biên chế công chức có chuyên môn về công nghệ thông tin cho TAND cấp huyện.
Thiên Di