Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyển đổi số: Phát triển bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ
Thứ tư: 08:11 ngày 03/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã tập trung chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp, bước đầu mang lại một số kết quả khả quan.

Lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn VNPT ấn nút khai trương Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh.

Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 02 về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh Tây Ninh hướng đến mục tiêu: “Phấn đấu vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá.

Phát triển bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, tăng năng suất lao động, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số. Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số. Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”.

Chuyển ðổi số- xu thế không thể ðảo ngược

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với tốc độ nhanh như vũ bão, hình thành xu thế phát triển mới trong nhiều lĩnh vực, trong đó có xu hướng chuyển đổi số trong chính quyền để xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số trong nền kinh tế để xây dựng nền kinh tế số và chuyển đổi số trong xã hội để xây dựng xã hội số.

Ðể đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện chuyển đổi số quốc gia, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, đề ra một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số mạnh của Việt Nam.

Riêng tỉnh Tây Ninh, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp, bước đầu mang lại một số kết quả khả quan.

Tỉnh đã đưa vào thí điểm Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh, Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng và đã cung cấp một số dịch vụ đô thị thông minh cho người dân và doanh nghiệp. Trung tâm phục vụ hành chính công hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện cải cách hành chính, tạo sự công khai, minh bạch và hài lòng cho người dân khi đến làm thủ tục hành chính. Năm 2019, chỉ số mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh Tây Ninh được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp vào nhóm khá khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, ngoài một số kết quả ban đầu, tỉnh chưa có nhiều đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử; xu hướng chuyển đổi số diễn ra nhanh trong khi nguồn lực của tỉnh phân bổ cho việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số còn hạn chế; một số ngành, lĩnh vực chưa quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số; chưa có các chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh; dịch vụ công trực tuyến triển khai nhiều nhưng người dân tiếp cận còn hạn chế; chưa cung cấp nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Nhận thức về chuyển đổi số chưa đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, công chức, viên chức; công tác tuyên truyền, phổ biến về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính chưa sâu rộng.

Doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước về viễn thông và công nghệ thông tin trên quy mô toàn quốc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp cũng còn hạn chế, chủ yếu là sử dụng phần mềm văn phòng như Office, phần mềm kế toán, quản trị nhân sự mà chưa có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để cải tiến, thay đổi quy trình tác nghiệp, nâng cao năng suất, xây dựng mô hình kết nối với khách hàng để xây dựng phương pháp sản xuất kinh doanh theo phương thức mới.

Việc phát triển thương mại điện tử cũng còn bất cập, tỉnh đã triển khai sàn thương mại điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm- nhất là sản phẩm nông nghiệp sạch, nhưng sự quan tâm và tham gia chưa cao.

Hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp

Trong Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Ban Thường vụ Tỉnh uỷđã xác định rõ các quan điểm: Chuyển đổi số để giúp định hình tổng thể và toàn diện về cách sống, cách làm việc, tiêu thụ và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số; Là nhu cầu tất yếu trong lãnh đạo, điều hành kinh tế - xã hội của địa phương và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số tại tỉnh; thay đổi nhận thức của cộng đồng, tư duy và ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông, đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số tại địa phương; chuyển đổi số hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế của địa phương, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững địa phương.

Về mục tiêu tổng quát, Tây Ninh xác định: “Phấn đấu đến năm 2030 vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá; phát triển bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, tăng năng suất lao động, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số; khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số trong tỉnh; Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”.

Theo đó, đến năm 2025, Tây Ninh bảo đảm hai mục tiêu: Thực hiện cao hơn mức trung bình cả nước về các chỉ tiêu về chuyển đổi số đề ra trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 749/QÐ-TTg, ngày 3.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ, và cơ bản hoàn thành các nền tảng cho chính quyền số và an toàn, an ninh mạng. Ðến năm 2030, Tây Ninh sẽ hình thành đầy đủ nền tảng phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; có tối thiểu 2 huyện, thị xã, thành phố đạt cơ bản nền tảng về đô thị thông minh; mỗi huyện, thị xã, thành phố có tối thiểu 1 xã hoàn thành việc chuyển đổi số, và vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá.

Cần đổi mới tư duy, nhận thức về chuyển đổi số

Ðể hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, Nghị quyết đề ra các nhiệm vụ chủ yếu, trong đó, “Tuyên truyền, đổi mới tư duy, nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và doanh nghiệp về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại và thực thi công vụ” là nhiệm vụ đầu tiên.

Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu, các cấp uỷ đảng, chính quyền cần nâng cao nhận thức của về sự cấp thiết của chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh, để đáp ứng xu thế phát triển chung của cả nước. Cấp uỷ, người đứng đầu chủ động, sáng tạo trong triển khai các giải pháp chuyển đổi số gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng công cuộc chuyển đổi số tại địa phương; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ phục vụ đời sống, sản xuất, kinh doanh.

Ðổi mới phương thức điều hành xã hội, thực thi công vụ theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh tế mới; trong đó, phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số là yếu tố trọng tâm.

Ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, Nghị quyết còn đề ra sáu nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cụ thể khác cần được tập trung triển khai thời gian tới để thực hiện chuyển đổi số thành công, bao gồm: Xây dựng chương trình chuyển đổi số của tỉnh trên cơ sở chương trình chuyển đổi số quốc gia, hệ sinh thái và khả năng chuyển đổi số của tỉnh; Huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của địa phương; Ðẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số; Phát triển kinh tế số; Phát triển xã hội số; Chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực.

Thanh Nam

Tin cùng chuyên mục