Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyên gia: Cần phải có nghiên cứu đầy đủ để xây dựng dự luật cho AI
Thứ bảy: 17:57 ngày 05/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chuyên gia cho rằng các quy định liên quan đến AI có thể được thực hiện bằng cách khám phá tác động của các kết quả do AI tạo ra, bản chất và phạm vi của các công việc liên quan.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Brecorder)

Các chuyên gia Malaysia đã lên tiếng hoan nghênh động thái của chính phủ trong việc điều chỉnh những quy định liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), trong bối cảnh việc sử dụng công nghệ này đang trở nên ngày càng phổ biến hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng khuyến cáo cần phải có các nghiên cứu đầy đủ, trước khi áp dụng những quy định AI mới.

Tiến sỹ Mahyuddin Daud - Giảng viên Cao cấp về Luật Dân sự tại Khoa Ahmad Ibrahim Kulliyyah of Laws, Đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia (IIUM), cho biết sự phát triển nhanh chóng của AI có thể được coi là "con dao hai lưỡi" khi công nghệ này có thể giúp thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp ở Malaysia như chăm sóc sức khỏe, an ninh, giáo dục và truyền thông, nhưng cũng có thể gây bất lợi nếu không có khung pháp lý để giám sát quyền tự chủ.

Do đó, ông cho rằng việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho một số lo ngại liên quan đến AI, bao gồm rủi ro mà AI gây ra đối với quyền riêng tư về dữ liệu, việc ra quyết định phi đạo đức và thiếu trách nhiệm giải trình nên được đưa ra.

Trao đổi với báo giới, Tiến sỹ Mahyuddin nói việc sử dụng AI đã đặt ra nhiều câu hỏi và tình huống khó xử về đạo đức. Ví dụ, trong các hệ thống giám sát và vũ khí, AI có thể gây ra những rủi ro đáng kể đối với nhân quyền và an ninh toàn cầu, nếu không được luật pháp quản lý đúng đắn.

Ông cho biết các thuật toán AI cũng có thể vô tình tạo ra các tình huống thiên vị và phân biệt đối xử nếu không được thiết kế và giám sát đúng cách. Ông nói: “Ví dụ, trong một tòa án sử dụng AI để xác định hình phạt, nếu thuật toán được thiết lập không dựa trên các nguyên tắc của pháp luật và công lý, AI có thể đưa ra cùng một bản án cho hai trường hợp có công trạng khác nhau."

Tiến sỹ Mahyuddin cho biết khi xem xét tính phức tạp và độc lập của AI, cũng cần phải bảo đảm quy định và lợi ích của người dùng phải được bảo vệ bằng cách giảm thiểu rủi ro xảy ra sự cố đáng tiếc, do sử dụng mã có mục đích xấu hoặc được thiết kế tồi.

Giảng viên Đại học IIUM giải thích: “Trong bối cảnh các sản phẩm và dịch vụ do AI điều khiển, khung pháp lý có thể bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi gây hiểu lầm hoặc có hại. AI có thể đặt ra các tiêu chuẩn về tính minh bạch trong nội dung do AI tạo ra và yêu cầu công bố thông tin rõ ràng (minh bạch) khi tương tác với các hệ thống AI," đồng thời cho biết thêm rằng khung pháp lý sẽ đảm bảo trách nhiệm giải trình và trách nhiệm pháp lý rõ ràng, khi việc sử dụng hệ thống AI gây ra tác hại hoặc sai sót.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu trí tuệ máy tiên tiến sáng tạo của Đại học Malaysia Sabah, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Rayner Alfred cho biết có một số lĩnh vực đáng lo ngại chính liên quan đến AI, bao gồm sự thiếu minh bạch của các công cụ AI, trong đó con người không phải lúc nào cũng có thể hiểu được các quyết định.

Ông giải thích các quyết định dựa trên AI dễ bị thiếu chính xác, mang tính phân biệt đối xử hoặc thiên vị. Theo đó, những điều không chắc chắn này có thể ảnh hưởng đến sự an toàn, quyền riêng tư và quản trị đạo đức của con người.

(Nguồn: Rawpixel)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Rayner, các quy định liên quan đến AI có thể được thực hiện bằng cách khám phá tác động của các kết quả do AI tạo ra, bản chất và phạm vi của các công việc liên quan, cũng như tính đến sự phức tạp trong hoạt động và khả năng tự tuân thủ và quản trị của công cụ AI này.

Ông nói: “Mọi kết quả xảy ra có thể ảnh hưởng đến sự an toàn, công bằng và quyền riêng tư nên được giảm thiểu sớm hơn. Ngoài ra, nếu độ phức tạp hoạt động quá cao, thì ai đó hoặc chương trình AI sẽ có thể giải thích các kết quả có thể xảy ra của các thuật toán AI. Việc phát triển một khung pháp lý cho AI phù hợp nên được đề xuất vì hiện tại không có luật mang tính toàn diện nào dành riêng cho quy định về AI và nên giải quyết các vấn đề về bản quyền và sở hữu trí tuệ vì AI có thể được tái sử dụng cho các ứng dụng khác."

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Rayner đề xuất rằng các quy định bảo vệ và quyền riêng tư dữ liệu cũng cần được tăng cường trước khi sử dụng các thuật toán AI, vốn phụ thuộc nhiều vào đào tạo hoặc học hỏi từ dữ liệu của người dùng.

Trước đó, Bộ trưởng Truyền thông và Kỹ thuật số Malaysia, Fahmi Fadzil, cho biết chính phủ nước này đang xem xét nhu cầu thiết lập khung pháp lý cho AI để hiểu một số thách thức khi sử dụng công nghệ mới, cũng như giải quyết các vấn đề đạo đức liên quan đến việc sử dụng công cụ AI này./.

Nguồn TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục