Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyên gia hiến kế giúp châu Âu bắt kịp Mỹ, Trung trong lĩnh vực công nghệ
Thứ ba: 09:58 ngày 10/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Châu Âu đang đối mặt với những thách thức lớn trong các lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là ngành công nghệ cao.

Công bố vào hôm thứ Hai (ngày 9/9), báo cáo do cựu giám đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi biên soạn kêu gọi châu Âu cần phải đầu tư 750-800 tỷ euro (829-885 tỷ USD) hàng năm để có thể cạnh tranh với các nền kinh tế lớn khác như: Mỹ hay Trung Quốc.

"EU sẽ phải tăng tỷ trọng đầu tư từ khoảng 22% GDP hiện nay lên 27% nhằm chấm dứt tình trạng suy giảm kéo dài nhiều thập kỷ ở hầu hết các nền kinh tế lớn của EU" – Ông Draghi cho biết.

Báo cáo khuyến nghị EU cần đẩy mạnh các gói hỗ trợ cho nhiệm vụ chuyển đổi số và xanh, cũng như tăng cường năng lực quốc phòng. 

"EU nên tiếp tục cung cấp các gói hỗ trợ, tương tự như: NGEU, một gói phục hồi kinh tế của Ủy ban châu Âu nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên phục hồi sau đại dịch Covid-19, đối với các dự án đầu tư chung nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và an ninh của EU” - ông Draghi nhấn mạnh.  

Chuyên gia kêu gọi cần tăng cường đầu tư cho các hàng hóa quan trọng như: thiết bị quốc phòng, lưới điện.

Cựu giám đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi. Ảnh: Euro News

Báo cáo cũng đề cập đến những thách thức từ Trung Quốc. Đối với châu Âu, nền kinh tế thứ hai thế giới vừa là đối tác hợp tác cũng như là đối thủ cạnh tranh.

Theo chuyên gia này, dù phụ thuộc vào Trung Quốc là cách hiệu quả để đạt được các mục tiêu phi carbon của châu Âu, nghành công nghệ sạch và ô tô của khối cũng sẽ phải chịu những rủi ro nhất định.

Vào tuần trước, quan chức Hà Lan Wopke Hoekstra, cho biết: “Chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức từ Trung Quốc. Trong tương lai, khối cần phải hành động để hạn chế phụ thuộc vào quốc gia này”.

Ông Draghi khuyến nghị khối này nên thận trọng xem xét tình hình trước khi triển khai những động thái cụ thể.  

“Chính sách thương mại cần phải thực tế, thận trọng, linh hoạt theo từng trường hợp cụ thể " – ông cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, Châu Âu phải gấp rút đầu tư cho các lĩnh vực mới để thu hẹp khoảng cách đổi mới với Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là các ngành công nghệ cao.   

"Vấn đề không phải là châu Âu thiếu ý tưởng hay tham vọng mà chúng ta không đủ nguồn lực để thực hiện các bước tiếp theo” – ông viết trong báo cáo.

Trong năm thập kỷ qua, không có công ty EU nào có giá trị hơn 100 tỷ euro được thành lập và 30% các công ty kỳ lân, công ty khởi nghiệp tư nhân có giá trị hơn 1 tỷ USD đã rời khỏi khối kể từ năm 2008 do không thể mở rộng quy mô.  

“Khi thế giới đang sắp tiến vào cuộc cách mạng AI, châu Âu không thể chỉ tập trung vào các ngành công nghiệp xưa cũ. Chúng ta phải phát huy tiềm năng đổi mới, bao gồm cả việc đầu tư vào nguồn nhân lực để đáp ứng những tham vọng này” – ông cho biết.

Trong bối cảnh các công ty trong nhiều lĩnh vực quan chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, ông Draghi kêu gọi khối cần phải có chiến lược phát triển công nghiệp.

"Tại Mỹ và Trung Quốc, các chiến lược công nghiệp ngày nay là sự kết hợp của nhiều chính sách như: thuế, thương mại và chính sách đối ngoại. Do quá trình hoạch định chính sách chậm chạp và thiếu thống nhất, EU khó có thể thực hiện được điều này" – ông nhận định.

Chẳng hạn, châu Âu đang gặp khó trong lĩnh vực xe điện.

Nhiều người cho rằng dù EU đã đặt ra các mục tiêu tham vọng như: thay xe chạy bằng xăng và dầu diesel bằng xe điện, các nhà sản xuất trong nước khó có thể đáp ứng điều này trước làn sóng xe điện mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Chuyên gia gợi ý châu Âu cần phải triển khai các biện pháp toàn diện đối với việc sản xuất xe ô tô, từ nghiên cứu, khai thác đến sản xuất và tái chế.

Ngoài ra, theo báo cáo này, châu Âu cần phải cắt giảm thủ tục hành chính cũng như hướng đến việc đưa ra các quyết định nhanh hơn để mang đến hiệu quả cho khối.

Chuyên gia người Ý cho biết một trong những rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển của châu Âu là quy trình hoạch định chính sách phức tạp và tốn kém nhiều thời gian. Khối hiện mất trung bình 19 tháng để thống nhất các luật mới.

Nguồn kinhtedothi

Tin cùng chuyên mục