Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyên gia WHO: Việt Nam đang đi đúng hướng, cần nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn đại dịch
Thứ tư: 20:48 ngày 28/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc quản lý các ổ dịch hiện nay. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 rất phức tạp, nhiều thách thức hơn, cho nên chúng ta cần nỗ lực, kiên trì, đoàn kết, đồng lòng. Việc kiểm soát dịch bệnh không chỉ là vai trò của Chính phủ và hệ thống y tế Việt Nam mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng, do đó cùng chung tay, chung sức, đồng lòng, Việt Nam hoàn toàn có thể một lần nữa chiến thắng được đại dịch COVID-19 .

TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp với sự có mặt của biến thể Delta – biến thể nguy hiểm và đáng sợ nhất. Để hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm, cũng như những khó khăn, trở ngại mà chúng ta đang phải đối diện, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã dành cho Báo điện tử Chính phủ một cuộc phỏng vấn riêng.

“5K” + tiêm chủng vaccine rộng rãi vẫn là giải pháp hiệu quả nhất

Thế giới đang phải đối mặt với biến thể nguy hiểm Delta, xin ông cho biết biến thể này gây những cản trở gì trong cuộc chiến chống lại COVID-19 trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng?

TS. Kidong Park: Biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ chóng mặt ở nhiều khu vực trên toàn cầu. Nhiều quốc gia đang phải đối mặt với sự gia tăng các ca bệnh mới, bao gồm cả các nước láng giềng gần gũi ở Đông Nam Á. Tính đến ngày 25/7, biến thể Delta đã xuất hiện ở 124 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Trên toàn cầu, trong 4 tuần liên tiếp, số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ngày càng gia tăng. Tính đến ngày 23/7, số trường hợp mắc bệnh tích lũy được báo cáo là hơn 192 triệu bệnh nhân và số người chết đã vượt quá 4 triệu người.

Tốc độ lây lan làm gia tăng số người nhiễm bệnh nhanh chóng do 4 nguyên nhân, gồm: Sự xuất hiện của biến chủng có khả năng lây lan nhanh hơn; việc nới lỏng các biện pháp y tế cộng đồng; việc gia tăng hoạt động xã hội và cuối cùng là sự phân phối vaccine không công bằng trên toàn thế giới khiến cho nhiều người chưa được tiêm chủng vaccine.

Biến thể này có tốc độ lây lan rất nhanh, do đó chúng tôi dự báo rằng trong những tháng tới Delta có thể nhanh chóng đánh bật các biến thể khác và trở thành chủng lây lan nhanh chóng và rộng khắp toàn cầu.

Ở Việt Nam, ngoài sự lưu hành của các biến thể đáng gờm, chẳng hạn như biến thể Delta và Alpha, còn có những yếu tố khác gây ra những cản trở, khó khăn trong việc chống lại dịch bệnh bùng phát COVID-19 hiện nay. Tuy nhiên, dù có phải đối diện với bất kỳ loại biến thể nào, thì việc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp 5K là một giải pháp bảo vệ hiệu quả, rất cần thiết và vô cùng quan trọng.

Đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp và sẽ tiếp tục kéo dài, vì vậy người dân cần chủ động, ý thức thực hiện biện pháp 5K này, đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người, đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; không tụ tập đông người; giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác và thực hiện khai báo y tế đầy đủ để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Việc COVID-19 lây lan nhanh với sự xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn khiến cho tổng số ca mắc mới đã liên tục tăng ở nhiều nước, khiến một số quốc gia gần đây đã buộc phải tái siết chặt các biện pháp giãn cách nhằm chặn đà lây lan, đồng thời nỗ lực khuyến khích người dân đi tiêm chủng càng sớm càng tốt. Cho đến nay, việc tiêm chủng vaccine rộng rãi vẫn là giải pháp hiệu quả nhất để bảo đảm đẩy lùi dịch bệnh. Cách làm này sẽ giảm thiểu khả năng bị lây nhiễm, cũng như ngăn ngừa nguy cơ gặp phải các biến chứng nặng trong trường hợp bị lây nhiễm COVID-19.

Việt Nam đang đi đúng hướng 

Xin ông cho ý kiến đánh giá về sự ứng phó của Chính phủ Việt Nam đối với dịch COVID-19 hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội?

TS. Kidong Park: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp, chúng ta cần có nhiều thời gian và nguồn lực để kiểm soát dịch bệnh. Đối với Việt Nam nói chung và ngành y tế Việt Nam nói riêng thì nhiệm vụ phía trước là rất lớn với nhiều thử thách.

Nhìn lại những gì Việt Nam đã và đang làm, tôi thấy Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Việt Nam đã làm rất tốt việc xây dựng kế hoạch ứng phó quốc gia sớm đối với dịch bệnh COVID-19 ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch. Đặc biệt là Việt Nam đã rất chủ động lên các kịch bản khác nhau cho những tình huống khẩn cấp, từ đó huy động nguồn lực cần thiết. Việc này đã giúp Chính phủ Việt Nam đi trước trong việc hoạch định chiến lược để ứng phó với đại dịch.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã làm rất tốt công tác truyền thông, người dân được thông tin kịp thời và đồng lòng, hợp tác với các chính sách do Chính phủ Việt Nam đưa ra. Đây là yếu tố kiểm soát dịch bệnh rất quan trọng.

Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã làm việc rất tích cực với các cơ quan quốc tế để kêu gọi sự chung tay, hợp tác, hỗ trợ bao gồm việc bảo đảm vaccine trên phương diện song phương và đa phương khi cần thiết.

Cả cộng đồng phải chung sức mới thắng được đại dịch

Dự kiến dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài, Việt Nam đang nỗ lực để ứng phó với đợt dịch lần thứ 4 đầy phức tạp, theo ông Việt Nam cần làm gì để sớm vượt qua?

TS. Kidong Park: Chúng tôi biết rằng Chính phủ Việt Nam và các tỉnh, thành phố, địa phương đang phải nỗ lực ứng phó, thực hiện các giải pháp cần thiết để tránh tình trạng các cơ sở y tế bị quá tải. Các biện pháp này bao gồm việc siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội, quản lý chặt chẽ hơn các trường hợp nhiễm COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng tại nhà. Các biện pháp này cũng sẽ giúp làm chậm sự lây lan của virus, ngăn chặn hệ thống y tế bị quá tải, bảo vệ bác sĩ, các nhân viên y tế và những người đang làm việc không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, việc này cũng sẽ giúp cho chúng ta chăm sóc người bệnh tốt hơn và cứu sống những người đang trong tình trạng nguy kịch. Tuy nhiên, những biện pháp này sẽ chỉ thành công nếu như tất cả mọi người, toàn dân cùng hợp tác, chung tay phòng chống dịch bệnh và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hơn, đặc biệt là ở khu vực phía Nam, do đó chúng ta sẽ cần tập trung nhiều thời gian hơn cho khu vực này để sớm kiểm soát được dịch bệnh. WHO đã và đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế Việt Nam để cùng chung tay phòng chống dịch bệnh, nhất là trong việc cập nhật những nghiên cứu, kỹ thuật y khoa mới nhất để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam.

Từ khi dịch bệnh bắt đầu xảy ra, bài học quan trọng nhất mà thế giới có được trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, đó chính là cần có một hệ thống y tế mạnh với nguồn lực bền vững đủ để chuẩn bị cho tất cả những tình huống khẩn cấp về y tế. Theo tôi, trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay tại Việt Nam, quan trọng nhất vẫn là kiểm soát các ổ dịch bao gồm truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng và cách ly nhanh.

Đối với việc giãn cách xã hội, cần thực hiện sau khi đánh giá những rủi ro về dịch bệnh tại địa phương cụ thể và ảnh hưởng của nó tới kinh tế, phúc lợi chung của xã hội.

Việc triển khai tiêm chủng cần tiếp tục được đẩy nhanh với những chiến lược cụ thể trong tình hình nguồn cung hạn chế như hiện nay. Chúng ta nên tiếp tục ưu tiên các nhân viên tuyến đầu như Việt Nam đang làm. Ưu tiên những người cao tuổi và các nhóm người dễ bị tổn thương để bảo vệ họ khỏi những bệnh tật nghiêm trọng và tử vong trong trường hợp nhiễm COVID-19.

Đặc biệt, tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp phòng dịch mà Bộ Y tế Việt Nam đã đưa ra, trong đó tiếp tục thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K.

Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc quản lý các ổ dịch hiện nay. Tuy nhiên, đợt bùng phát lần này rất phức tạp, nhiều thách thức hơn nên chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn, kiên trì, đoàn kết, đồng lòng. Việc kiểm soát dịch bệnh không chỉ là vai trò của Chính phủ và hệ thống y tế Việt Nam mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng, do đó cùng chung tay, chung sức, đồng lòng, Việt Nam hoàn toàn có thể một lần nữa chiến thắng được đại dịch COVID-19./.

Nguồn baochinhphu

Tin cùng chuyên mục