Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chào ông bạn cố tri, đợt nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 bốn ngày vừa qua ông có đi đâu, vui thú gì không?
-Cám ơn ông hỏi thăm, kỳ nghỉ này con cái về quê vợ, quê chồng chúng nó hết, vợ chồng già chúng tôi ở nhà đọc báo, xem truyền hình, lướt in-tơ-nét cho vui thôi, không đi đâu cả.
-Vậy à, vậy ông xem được chuyện gì mới nhất, mà ông thích nhất kể Bàn Dân nghe với?
-À, nếu nói là chuyện tôi thích nhất thì chắc là chuyện mới khánh thành đoạn đường cao tốc cuối cùng nối liền tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam mình hiện nay. Ðó là đoạn cao tốc Vân Ðồn - Móng Cái tỉnh Quảng Ninh, dài 80km, nối liền tuyến cao tốc đi qua năm tỉnh, thành: Lào Cai - Yên Bái - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tổng chiều dài gần 600km, trong đó riêng tỉnh Quảng Ninh có đường cao tốc xuyên suốt tỉnh dài 176km.
Ðặc biệt hơn, tuyến cao tốc này còn kết nối tới 3 cảng hàng không quốc tế, Nội Bài, Cát Bi, Vân Ðồn và 3 cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hữu Nghị - Móng Cái nữa đó. Ðúng là nhân kỳ nghỉ lễ có rảnh rỗi theo dõi tin tức thời sự mình mới bớt lạc hậu với tình hình phát triển của đất nước ông há!
-Chưa chắc đâu, với tốc độ phát triển của đất nước và tình hình bùng nổ thông tin hiện nay thì dù mình có chúi mũi theo dõi từng ngày, từng giờ cũng có thể bị lạc hậu hồi nào không hay đó ông ơi!
-Ông nói nghe lạ quá, tôi chưa hiểu?
-Có gì lạ đâu ông ơi, để Bàn Dân nêu ví dụ về một chuyện mình bị lạc hậu thông tin cho ông nghe nhen! Nhưng trước hết xin ông cho biết, hiện nay công trình thuỷ lợi nào lớn nhất nước mình?
-Vậy mà cũng hỏi, chẳng phải công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng ở tỉnh mình là lớn nhất nước hay sao?
-Ðó đó, ngay chỗ đó là chỗ ông bị lạc hậu rồi đó!
-Xin lỗi ông nghen, mấy chục năm nay ai chẳng biết hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng ở tỉnh mình là lớn nhất nước?
-Ðúng, ông nói đúng, nhưng mà ông phải nói câu đó chừng sáu tháng trước thì mới hoàn toàn đúng. Còn bây giờ thì…
-Thì sao hả ông?
-Thì… Thật ra kỷ lục về hệ thống thuỷ lợi lớn nhất nước ta không còn thuộc về hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng ở Tây Ninh nữa rồi; mà đã thuộc về hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé ở tỉnh Kiên Giang- mà phạm vi ảnh hưởng của có còn mở rộng ra ở một số tỉnh miền Tây Nam bộ nữa đó.
-Quả thật là chuyện này tôi mới nghe à nghen! Ông làm ơn nói rõ chi tiết cho tôi biết với?
-Nói cho ông biết, nếu như vùng được hưởng lợi từ hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà theo thiết kế tối đa là 172.000 ha đất thì vùng được hưởng lợi của hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé lên tới 384.120 ha; còn ở công trình đầu mối, nếu như đập tràn hồ Dầu Tiếng có 6 cửa van với kích thước mỗi cửa van là 6 mét nhân 10 mét, thì hệ thống cống Cái Lớn có tới 11 cửa van với kích thước 40 mét nhân 9 mét…
-Thiệt vậy sao ông? Vậy chắc hệ thống kênh mương ở công trình thuỷ lợi đạt kỷ lục mới đó chắc phủ khắp vùng tưới rộng lớn dữ dằn lắm hả ông?
-Thật ra hệ thống thuỷ lợi ở Kiên Giang không cần đào đắp kinh tưới, kinh tiêu gì hết, vì hệ thống sông ngòi ở đồng bằng Tây Nam bộ đã có thừa rồi. Vả lại hệ thống này không phải là công trình “dẫn thuỷ nhập điền” cho nên cũng không cần xây dựng vùng tưới…
-Vậy sao gọi là hệ thống thuỷ lợi được?
-Vẫn gọi là hệ thống thuỷ lợi, vì nhiệm vụ thiết kế của nó tuy không phải là đắp đập, tạo hồ chứa nước ngọt để cung cấp nước cho sản xuất như hồ Dầu Tiếng, mà là nói nôm na là xây cống ngăn hai con sông Cái Lớn, Cái Bé ở Kiên Giang để ngăn nước mặn từ ngoài biển tràn vào làm hại cây trồng ở các tỉnh đồng bằng.
Còn nói theo “văn bản thiết kế” thì là: chủ động hỗ trợ kịp thời cho người dân ổn định sản xuất và đời sống theo các mô hình sản xuất phù hợp với hệ sinh thái tự nhiên, khắc phục tình trạng bấp bênh; hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan; suy giảm nguồn nước ngọt do mất cân đối về mùa mưa…
Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh và làm giảm nhẹ thiên tai; giảm thiểu ngập lụt do tác động kép (mưa tập trung, triều cường), hạn hán và sụt lún đất; kiểm soát xâm nhập mặn… Những hiệu ích như vậy, chẳng lẽ không phải là thuỷ lợi sao?
-Hiểu rồi, nhưng mà tôi nói thiệt tôi chưa nhất trí với cách nói “phá kỷ lục” của ông đâu. Dù sao công trình thuỷ lợi của tỉnh mình vẫn giữ kỷ lục về việc huy động “toàn dân làm thuỷ lợi” bằng thủ công kết hợp với cơ giới chớ không phải thuần tuý là máy móc làm hết như bây giờ đâu!
BÀN DÂN