Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khu Kinh tế Cửa khẩu:
Chuyển hướng phát triển mới
Thứ tư: 05:25 ngày 07/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tỉnh sẽ tận dụng cơ hội cửa ngõ hành lang kinh tế xuyên Á, với nhu cầu quá cảnh hàng hoá của các KCN của tỉnh Svay Rieng (Vương quốc Campuchia) ra các cảng tại TP.HCM, Mộc Bài có thể phát triển mạnh dịch vụ kho bãi, giao nhận, vận chuyển hàng hoá. Đây sẽ trở thành động lực mới để thu hút đầu tư phát triển. Đồng thời, đẩy nhanh phát triển các KCN trong khu kinh tế, tích cực mời gọi đầu tư vào KCN…

Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Từng được kỳ vọng rất lớn, nhưng thực tế, trong những năm gần đây, các khu kinh tế cửa khẩu tại Tây Ninh gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư và triển khai các dự án. 

Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Mộc Bài được thành lập theo Quyết định số 210/1998/QĐ-TTg ngày 27.10.1998 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 10.11.2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1894/QĐ-TTg về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đến năm 2020 với quy mô 21.284 ha.

Ngày 27.5.2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1102/QĐ-UBND phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Mộc Bài (thuộc KKTCK Mộc Bài) với quy mô 7.400 ha, trong đó, khu thương mại - công nghiệp quy mô 963 ha và 1 cụm công nghiệp phân tán diện tích 30 ha.

KKTCK Xa Mát được thành lập theo Quyết định số 186/2003/QĐ-TTg ngày 11.9.2003 của Thủ tướng Chính phủ với quy mô 34.197 ha, bao gồm địa giới hành chính của các xã Tân Lập và Tân Bình (huyện Tân Biên). Trong đó, quy hoạch khu đô thị cửa khẩu Xa Mát 728 ha.

KHOÁC CHIẾC ÁO CŨ ĐÃ LỖI THỜI

Trong những năm qua, KKTCK Mộc Bài được ngân sách Nhà nước đầu tư 218,28 tỷ đồng (trong đó, Trung ương 151,31 tỷ đồng; địa phương 66,97 tỷ đồng). KKTCK Xa Mát được đầu tư 96,15 tỷ đồng (Trung ương 83,08 tỷ đồng; địa phương 13,07 tỷ đồng).

Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) còn tài trợ dự án phát triển đô thị tiểu vùng sông Mekong mở rộng giữa 2 tỉnh Tây Ninh và Quảng Trị. Theo đó, KKTCK Mộc Bài được tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn do ADB tài trợ trên 40 triệu USD, gồm các dự án: đầu tư một số tuyến đường theo quy hoạch KKTCK, nhà máy cấp nước, nhà máy xử lý nước thải, phân loại rác thải.

Các dự án này đã và đang triển khai. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2018, tuy nhiên, do chậm trễ trong việc phê duyệt dự án của ADB và tiến độ bồi thường giải toả nên dự án có thể kéo dài sang năm 2019.

Ông Phạm Văn Sơn - Phó Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu ở cửa khẩu Mộc Bài năm 2015 là 476 triệu USD, 2016 là 549 triệu USD, ước thực hiện năm 2017 là 604 triệu USD. Cửa khẩu Mộc Bài có kim ngạch xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu, chủ yếu là hàng công nghệ phẩm xuất sang Campuchia.

Cửa khẩu Xa Mát ngược lại, có kim ngạch nhập khẩu lớn hơn, chủ yếu nhập nông sản ở Campuchia về. Năm 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu ở cửa khẩu Xa Mát là 684 triệu USD, năm 2016 là 507 triệu USD, năm 2017 là 631 triệu USD.

Theo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, khu KKTCK Mộc Bài được quy hoạch tương đối đồng bộ, đầy đủ công năng phục vụ cho mục tiêu phát triển đô thị mới theo hướng hiện đại. Những năm đầu triển khai đã thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Trong thời gian qua, tuy nguồn lực ngân sách Nhà nước hạn hẹp, nhưng vẫn tập trung đền bù giải toả được 105 ha tại Mộc Bài và hơn 30 ha tại Xa Mát làm tiền đề xây dựng khu hành chính quản lý, cơ sở vật chất phục vụ mua bán thương mại và nhà ở tại cửa khẩu.

Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển KKTCK thời gian qua có nhiều hạn chế. Quy hoạch mang dấu ấn của cơ quan quản lý chưa gắn kết với ý tưởng và quan tâm của các nhà đầu tư, do vậy, việc triển khai quy hoạch chưa có độ tập trung. Hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ theo quy hoạch, do thiếu nguồn lực, nên chưa phát huy được hiệu quả; một số dự án chưa có đường giao thông kết nối nên khó khăn khi triển khai đầu tư.

Nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, hạn chế nêu trên là quy hoạch đô thị tại các KKTCK khá hoành tráng, đi trước nhu cầu và vượt quá sức nguồn lực đầu tư.

Kế đến là sự thiếu ổn định về chính sách. Đối với chính sách đất đai, bồi thường giải toả, với việc thực hiện Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13.8.2009 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì nhiều nhà đầu tư không đáp ứng kịp phần vốn chi hỗ trợ đền bù (1,5 lần giá đất do Nhà nước quy định) vì chi phí theo phương án mới sẽ tăng nhiều.

Cơ chế chính sách tài chính dành cho khu kinh tế có nhiều thay đổi, đặc biệt là khi Quyết định 72/2013/QĐ-TTg ngày 26.11.2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu có hiệu lực. Hiện nay, Chính phủ đang có xu hướng bãi bỏ quyết định này mà chưa có chính sách khác thay thế.

Mặt khác, còn những bất cập trong đền bù và quản lý tài nguyên. Nhằm thu hút các dự án trong KKTCK Mộc Bài, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho một số nhà đầu tư thực hiện theo cơ chế tự thoả thuận với người sử dụng đất thuộc phạm vi dự án để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, sau một thời gian tương đối dài, chủ đầu tư của các dự án không hoàn thành việc tự thoả thuận với người sử dụng đất, không liên hệ cấp có thẩm quyền để lập lại phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thu hồi đất theo quy định.

Số diện tích đất đã nhận chuyển nhượng với các hộ dân thuộc dự án không liền thửa với nhau mà nằm rải rác dạng “da beo”. Sau khi tự thoả thuận đền bù, nhà đầu tư giữ lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân, việc này gây khó khăn trong việc xử lý thu hồi đối với các dự án chậm triển khai.

Một nguyên nhân khác là nhiều nhà đầu tư đăng ký dự án với quy mô và vốn đầu tư quá cao so với thực lực tài chính có thể huy động được. Một số nhà đầu tư thực hiện cùng lúc nhiều dự án nên có hiện tượng đầu tư dàn trải, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, dự án kéo dài, tỷ lệ trượt giá cao khiến nhà đầu tư không đáp ứng kịp nhu cầu vốn.

MỤC TIÊU VÀ ĐỘNG LỰC MỚI

Hiện nay, KKTCK đang đứng trước những cơ hội phát triển mới. Đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài đã có chủ trương của Chính phủ cho nghiên cứu đầu tư trước năm 2020 sẽ là chìa khoá để Tây Ninh- trong đó có Mộc Bài cất cánh, khi khoảng cách được rút ngắn với trung tâm TP. HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án này đang được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và đưa vào nhóm phát triển đột phá của tỉnh để nghiên cứu, phối hợp cùng TP. HCM và Bộ Giao thông - Vận tải để sớm đưa dự án này đầu tư xây dựng trước năm 2025.

Ngoài ra, để kết nối với TP.HCM, tỉnh đã đề xuất với Trung ương cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) trong năm 2018, cùng với đó là tuyến đường tuần tra biên giới đã và đang được đầu tư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá lưu thông, bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, dự án phát triển hành lang kinh tế phía Nam tiểu vùng sông Mekong mở rộng đã và đang được đầu tư, hoàn thiện hệ thống giao thông với sự trợ giúp của ADB và Nhật Bản. Trong đó, đường Xuyên Á đi qua cửa khẩu Mộc Bài và gói hỗ trợ hơn 40 triệu USD phát triển hạ tầng trong KKTCK Mộc Bài đang biến cơ hội là cửa ngõ thông thương kết nối các nguồn lực xuyên Á thành hiện thực trong tương lai rất gần.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, đi kèm với những cơ hội phát triển, thách thức cũng không nhỏ vì việc đền bù thu hồi đất khó khăn do chính sách thay đổi, chi phí tăng, làm cho tính khả thi của các dự án bị hạn chế. Rủi ro về chính sách thiếu ổn định gây tâm lý bất an cho nhà đầu tư. Các dự án xin chuyển đổi công năng đang gặp khó khăn về vấn đề phù hợp với quy hoạch, các phân khu chức năng trong quy hoạch đô thị mới chưa được xác định rõ.

Lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế cho biết, hướng phát triển KKTCK Mộc Bài sắp tới là tập trung huy động các nguồn lực xây dựng khu đô thị cửa khẩu Mộc Bài thành đô thị công nghiệp, thương mại - dịch vụ theo hướng phát triển bền vững; giữ vai trò quan trọng về kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Vì thế, chuyển động lực phát triển KKTCK Mộc Bài từ các hoạt động thương mại dựa vào chính sách bán hàng miễn thuế, sang động lực mới là tập trung phát triển các dịch vụ cửa khẩu, logistics, các khu công nghiệp; thu hẹp hàng rào khu phi thuế quan, phát triển thương mại dịch vụ gắn liền với nhà ở đô thị; thu hút đầu tư tạo các sản phẩm du lịch sinh thái, các khu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, vui chơi giải trí.

Cụ thể, tỉnh sẽ tận dụng cơ hội cửa ngõ hành lang kinh tế xuyên Á, với nhu cầu quá cảnh hàng hoá của các KCN của tỉnh Svay Rieng (Vương quốc Campuchia) ra các cảng tại TP.HCM, Mộc Bài có thể phát triển mạnh dịch vụ kho bãi, giao nhận, vận chuyển hàng hoá.

Đây sẽ trở thành động lực mới để thu hút đầu tư phát triển. Đồng thời, đẩy nhanh phát triển các KCN trong khu kinh tế, tích cực mời gọi đầu tư vào KCN. Khi có nhà máy, xí nghiệp hoạt động, có sự dịch chuyển lao động về KKTCK thì nhu cầu nhà ở, tiêu dùng tăng nhanh sẽ là động lực cho đô thị hoá nhanh, kích thích dịch vụ phát triển…

Đối với KKTCK Xa Mát, tỉnh sẽ tính toán lại quy hoạch theo hướng giảm quy mô phù hợp với nhu cầu phát triển. Theo đó, vừa tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung KKTCK Xa Mát, vừa tiến hành điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu chức năng khu đô thị Xa Mát; chú trọng phát triển phân khu chức năng theo hướng công nghiệp sơ chế dịch vụ kho bãi, thương mại kết hợp nhà ở, sắp xếp lại các dự án tự phát vào trật tự quy hoạch.

Hiện nay, Ban Quản lý Khu kinh tế được giao nhiệm vụ thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung KKTCK Xa Mát theo hướng giảm quy mô từ 34.197 ha (bao gồm xã Tân Lập và Tân Bình) xuống còn 16.896 ha (lấy theo địa giới hành chính xã Tân Lập, loại xã Tân Bình ra khỏi quy hoạch). Ban cũng thực hiện điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu chức năng Khu đô thị 400 ha.

Tập trung các giải pháp phát triển

Theo Ban Quản lý khu kinh tế, trong thời gian tới sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như điều chỉnh quy hoạch, rà soát quỹ đất công đã đền bù, chưa giao cho nhà đầu tư; khắc phục tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm sau khi nhận đền bù; rà soát lại tất cả diện tích đất các nhà đầu tư tự thoả thuận với dân.

Bên cạnh đó, Ban tiếp tục rà soát tiến độ triển khai các dự án, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, chủ đầu tư không còn động lực hoặc không còn khả năng triển khai dự án, sau đó mời gọi nhà đầu tư mới; tạo điều kiện hỗ trợ các dự án đã triển khai đền bù và đầu tư hạ tầng xong, nhưng tính khả thi của dự án không còn, khai thác kinh doanh không đạt hiệu quả, cần chuyển đổi công năng thì cho chủ trương chuyển đổi công năng mới, việc cập nhật quy hoạch được thực hiện sau.

Đối với các dự án có chủ trương nhưng chưa đền bù thoả thuận xong, tình trạng “da beo”, cần huy động nguồn lực hoàn tất đền bù giải toả để có điều kiện triển khai đầu tư thì sẽ xem xét, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư sang nhượng dự án, chuyển đổi chủ đầu tư để có nguồn lực tiếp tục triển khai dự án.

GIANG HÀ

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh