Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930-3-2-2020)
Chuyện kết nạp Đảng, lắng lại sau những điều giản dị
Thứ hai: 09:18 ngày 27/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nghĩ về Đảng, đời tôi có những kỷ niệm không bao giờ quên. Có khi chỉ là những chuyện giản dị. Dù đã xa, nhưng những điều giản dị và thiêng liêng ấy đã làm nên sức mạnh tinh thần cho bản thân và nhiều đồng đội một thời gian khó.

Ảnh minh họa.

1. Kỷ niệm thứ nhất là chung quanh Lá đơn xin vào Đảng của một người bạn cùng phòng, tên là Sáu Huy. Anh từng là sinh viên hoạt động nội thành Sài Gòn trước năm 1975 bị lộ, phải ra cứ. Chúng tôi thân nhau vì đồng niên, hợp tính, theo học cùng nghề, giờ cùng về một đơn vị công tác.

Lần ấy, vào cuối năm 1973, chúng tôi cùng được cử tham gia đoàn cán bộ Ban Tuyên huấn về phối hợp cùng địa phương vận động quần chúng tại huyện Trảng Bảng, tỉnh Tây Ninh. Đây là vùng tranh chấp vô cùng khốc liệt giữa ta và địch. Trước khi đi, chúng tôi dự một lớp tập huấn, để khi xuống địa bàn gặp những tình huống khó khăn mà không bị lúng túng. Với mấy chỉ thị mới, chúng tôi còn học thuộc văn bản để khi dẫn chứng không sai lệch.

Tổ về xã Lộc Hưng gồm ba người, Ba Thy, Sáu Huy và tôi. Ban ngày, chúng tôi cùng đi làm đồng với bà con ngoài vùng giải phóng, qua đó làm công tác tuyên truyền vận động; ban đêm tổ chức những chuyến “đột ấp” nói chuyện với nhân dân trong vùng địch kiểm soát.

Một lần, chúng tôi đột vào An Tịnh, một xã của huyện Trảng Bàng. Thật không may, khi đoàn vượt Suối Cạn gần Lộ đỏ thì gặp chuyện chẳng lành. Pháo và cối địch bắn cấp tập vào đội hình. Cả đoàn nằm rạp xuống bờ ruộng để giảm thương vong. Nghe tiếng rên ở phía sau, tôi bò quay lại, mấy người bạn cùng đoàn bị dính mảnh pháo, máu chảy chứa chan.

Hai người bị thương nặng. Có tiếng thì thào: “Máu ra nhiều, lại ói nữa. Căng lắm.” Lập tức, các anh được cáng đi cấp cứu. Đồng chí trưởng đoàn hội ý, quyết định cho người vào ấp báo hoãn tập trung, còn đoàn quay lại, rút về căn cứ. Sau khi cấp cứu, đêm ấy có hai đồng chí trong đoàn hy sinh, ba người bị thương.

Chuyến đột ấp không thành công để lại trong tâm tư những người tham gia một vài xao xuyến. Nhưng thương vong không có nghĩa là bỏ cuộc. Chỉ ít ngày sau, xã ủy tổ chức họp, chuẩn bị cuộc đột ấp mới. Sau khi xác định nhiệm vụ, đồng chí Bí thư xã hỏi mọi người: “Ngày mai chúng ta lại vô ấp, rất có thể lại xảy ra chuyện chẳng lành như hôm trước, nghĩa là có thể có tổn thất, hy sinh. Nhưng công việc đòi hỏi chúng ta phải triển khai. Bây giờ ai đồng ý với chủ trương của xã ủy tiếp tục đến với đồng bào trong ấp, xin đứng sang một bên, ai thấy còn băn khoăn, có thể bảo lưu ý kiến”.

Ngay lập tức, không kể những cán bộ chủ chốt, hầu hết du kích trẻ chuyển đứng sang bên tiếp tục lên đường. Chỉ một người xin ở lại, vì lý do đưa má lên trạm xá của bộ đội chữa bệnh, sợ không về kịp. Qua trò chuyện với Út Liêng, trong Ban chỉ huy xã đội, chúng tôi biết, tất cả du kích xung phong lên đường đều là những đảng viên trẻ hay đoàn viên thuộc diện cảm tình Đảng. Hôm đó, đoàn không lên đường ngay, mà tổ chức liên hoan nhẹ, có rượu đế, bánh tráng cuốn thịt luộc và món “chuột đồng cháy thùng thiếc”. Việc đột ấp diễn ra vào giờ N của tối hôm sau. Sáu Huy chứng kiến việc này, sau khi ăn, lặng lẽ về hầm viết đơn xin vào Đảng, gửi đường giao liên về chi bộ.

Sau chuyến công tác ít lâu, Sáu Huy được chi bộ xem xét kết nạp Đảng. Khi Bí thư chi bộ đọc đơn xin gia nhập Đảng của anh, tất cả đảng viên có mặt đều xúc động. Trong đơn, anh kể lại sự chuyển biến trong tư tưởng và suy nghĩ về việc gia nhập Đảng. Trước, anh thường nghĩ chỉ nên là người cộng sản ngoài Đảng. Nhưng chính cái đêm bàn chuyện đột ấp ở Lộc Hưng ấy, khi anh thấy các du kích trẻ đứng cả về bên lên đường, nghĩa là họ luôn luôn vì công việc của Đảng, thậm chí sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ, anh thấy ý nghĩ của mình thật sai lầm. Và trong tâm trạng đầy xúc động, anh ngồi viết đơn xin vào Đảng gửi về chi bộ. Lá đơn không theo bố cục thường tình, hơi dài, nhưng thật xúc động. Đồng chí Bí thư còn nói: “Năm nay, tôi đã có 22 năm tuổi Đảng, từng dự xét kết nạp Đảng nhiều lần, nhưng chưa thấy một lá đơn nào chân thành và cảm động như vầy”.

2. Kỷ niệm thứ hai là câu chuyện giữa nhà thơ Giang Nam và một số anh chị em viết văn trẻ chúng tôi trong đêm chuẩn bị lên đường đi chiến dịch đầu năm 1974.

Lúc đó, nhà thơ Giang Nam là Tổng biên tập báo Văn nghệ giải phóng, còn chúng tôi là những phóng viên được cử đi hành quân cùng bộ đội sắp đi về các chiến trường. Câu chuyện bắc cầu từ chuyện nọ sang điều kia, và anh Giang Nam kể lại cảm xúc trong ngày kết nạp Đảng của mình. Anh tâm sự, giọng nhỏ và ấm:

“Lúc đó, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã vào hồi ác liệt. Tháng 5 năm 1948, tôi vừa được điều từ Ban thông tin của xã lên tham gia làm báo Thắng của tỉnh Khánh Hòa, mà Ty thông tin của tỉnh là cơ quan thực hiện. Mấy tháng sau, cơ quan báo gặp địch càn, lán trại bị máy bay bắn phá tan hoang, cơ sở vật chất hư hại nặng, một số người bị thương.

Sau khi tập hợp tại địa điểm mới, lại kiếm giấy, sửa bảng đá (bởi lúc đó, báo còn in li-tô), báo lại in. Số báo đặc biệt kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám ra đời trong khó khăn cực kỳ và được Tỉnh ủy đánh giá cao. Là người tích cực đóng góp, cùng với những thành tích từ trước, một cán bộ của báo và tôi được kết nạp Đảng. Chi bộ tổ chức Lễ kết nạp trong gian kho lúa của một trại sản xuất của tỉnh, đúng ngày 19-8-1948. Hai thành viên được kết nạp là Nguyễn Xuân Ẩn và Nguyễn Sung (tên khai sinh của anh Giang Nam). Và hai đảng viên giới thiệu là Lý Văn Sáu và Võ Văn Sung; đại diện cấp trên là anh Nguyễn Minh Vỹ, Bí thư Tỉnh ủy (*).

Buổi lễ kết nạp diễn ra trong khung cảnh giản dị, từ tuyên bố lý do, đọc quyết định, tuyên thệ, mà sao hết sức thiêng liêng. Những con người mà tôi gần gũi, quen thuộc hằng ngày, bây giờ trở thành đồng chí, càng nghĩ càng thấy thân thiết, cao quý. Lòng tôi trào dâng xúc động. Mắt tôi nhòa đi”…

Giọng anh nghẹn lại. Chúng tôi lặng im lắng nghe, cùng sẻ chia niềm xúc động với anh. Kết thúc dòng tâm sự, anh đọc cho chúng tôi nghe bài thơ Ngày tôi vào Đảng nói về kỷ niệm sâu sắc ấy. Chúng tôi thấy anh nghẹn ngào khi trở lại với dòng tâm tư cũ:

Lúa chín trên sườn đồi, chim gọi buổi bình minh

Sông Giang chảy giữa đôi bờ ghềnh thác

Chòi ám khói đón vụ đầu thu hoạch

Tưởng trong mơ nghe Đảng gọi tên mình

Tôi ngồi giữa lúa và giữa các anh

Trào nước mắt nói lần đầu: Đồng chí!

Ngày vào Đảng, giặc càn Sông Chò, Bến Khế

Không có cờ búa liềm, tôi nhìn giữa tim tôi

Ngoài kia đang gặt rộ. Đất trời

Đẹp biết bao nhiêu một màu vàng rực

Ngày vào Đảng, lúa cũng về mẩy hột

Trận đánh ngày mai có lúa, có mình

Tôi ngồi giữa lúa và giữa các anh

Quên mất những gì bao đêm thao thức

Vẫn các anh đấy thôi, mà rất khác

Khi tôi nhìn bằng đôi mắt hôm nay

Người gặt lúa ngày mai chờ giặc trên đồi

Khoảng xanh đó là con đường của Đảng.

Mùa xuân này, nhà thơ Giang Nam đã sang tuổi chín mươi hai. Anh đã vinh dự được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng vào năm 2018. Mặc dù tuổi cao, nhưng sức khỏe của anh vẫn còn tốt, đầu óc minh mẫn. Xuân này, anh vẫn có những bài thơ đăng trên nhiều báo Tết trên cả nước.

3. Bây giờ, các thủ tục gia nhập Đảng, từ làm đơn, xem xét, kết nạp, công nhận đảng viên chính thức, đều được thực hiện bài bản và tiến hành trang trọng. Trong chúng tôi, nhiều người đã là đảng viên, việc kết nạp tuy diễn ra nghiêm túc, nhưng xem ra có phần công thức, na ná nhau, nên ít tạo ấn tượng đặc biệt.

Từ thực tế trên, tôi nghĩ, điều cần thiết là làm sao cho mỗi người đều thấy thiêng liêng, xúc động khi được đứng trong hàng ngũ những người tiên phong của sự nghiệp cách mạng, từ đó toàn tâm toàn ý phấn đấu cho lý tưởng mà mình lựa chọn. Nhắc lại một vài kỷ niệm giản dị này, trong thẳm sâu của lòng mình, tôi cũng muốn góp phần vào niềm mong mỏi ấy.

********

(*): Sau này, các anh đều trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước ta: Anh Nguyễn Minh Vỹ là Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin, Phó ban Tuyên huấn. Anh Lý Văn Sáu là phát ngôn viên của Phái đoàn Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại Hội nghị hòa bình Paris, Phó chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình. Anh Võ Văn Sung là Đại sứ Việt Nam tại Pháp.

Nguồn Nhandan

Tin cùng chuyên mục