Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày 25.10.2017, tại Hội nghị lần thứ 6, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Cải thiện thể trạng người Việt, tăng chiều cao, giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em là một trong những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết 20 đề ra.
Học sinh một trường THPT trên địa bàn tỉnh.
CẢI THIỆN SỨC VÓC, NÂNG CAO TUỔI THỌ
Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân cũng còn không ít hạn chế, yếu kém. Trung ương Đảng nhận định, chất lượng môi trường sống, làm việc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, văn hoá tinh thần... ở nhiều nơi chưa được chú trọng, bảo đảm. Nhiều hành vi, thói quen ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ chưa được khắc phục căn bản.
Hệ thống tổ chức y tế còn thiếu ổn định, hoạt động chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở và chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu. Chênh lệch chỉ số sức khoẻ giữa các vùng, miền còn lớn; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao, tầm vóc người Việt Nam chậm được cải thiện. Số năm sống khoẻ chưa tăng tương ứng với tuổi thọ.
Từ tình hình trên, theo Nghị quyết 20, Trung ương Đảng đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khoẻ đạt tối thiểu 67 năm. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt tối thiểu 95% với 12 loại vắc-xin.
Đối với vấn đề trẻ thấp còi, Nghị quyết 20 yêu cầu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%, đồng thời, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%. Năm 2025, chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 167cm, nữ 156cm.
Đến năm 2030, tuổi thọ trung bình khoảng 75 tuổi, số năm sống khoẻ đạt tối thiểu 68 năm. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 95% dân số; tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 15%; khống chế tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 10%.
Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 168,5cm, nữ 157,5cm. Năm 2030, bình quân một vạn dân có 11 bác sĩ, 3 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng viên. Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 90%. Nghị quyết 20 còn đặt mục tiêu, đến thời điểm 2030, cả nước cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét.
Để đạt những mục tiêu trên, Trung ương Đảng yêu cầu cấp uỷ, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.
Trung ương Đảng yêu cầu các địa phương đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế và những lĩnh vực ảnh hưởng đến sức khoẻ như môi trường, thể dục, thể thao, văn hoá… vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp. Tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mỗi người dân; xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khoẻ và tầm vóc người Việt Nam.
Quan tâm các điều kiện để mỗi người dân được bảo vệ, nâng cao sức khoẻ, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo… Tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống và cai nghiện ma tuý; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá.
Ngành Giáo dục có nhiệm vụ đổi mới căn bản giáo dục thể chất, tâm lý, tăng số môn tập luyện tự chọn trong nhà trường, kết hợp chặt chẽ với tập luyện ngoài nhà trường; phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể; tăng cường công tác y tế học đường.
GIẢM TỶ LỆ SUY DINH DƯỠNG
Tại Tây Ninh, năm 2017, tỷ lệ trẻ em 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân hiện còn 11,5% (nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ này xuống 11,2%).
Theo nghị quyết của HĐND tỉnh, tỷ lệ giường bệnh trên một vạn dân, năm 2017 là 19 giường nhưng hiện mới đạt 18,8 giường. Theo báo cáo của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ 5 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh đã được cải thiện nhưng vẫn còn chậm.
Trong khi đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở thể thấp còi chưa được đánh giá. Liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, tại buổi thảo luận ở tổ trong kỳ họp thứ 6, nhiều vị đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, tỷ lệ cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm còn cao, đề nghị công bố rộng rãi các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng cho cử tri biết. Đại biểu còn đề nghị Sở Y tế có đánh giá tác động khi triển khai thực hiện giá dịch vụ y tế mới.
Chăm sóc sức khoẻ, tăng tuổi thọ, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho người dân, trẻ em trên địa bàn tỉnh là vấn đề đã được đề cập từ lâu. 9 năm về trước, tháng 12.2008, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế tỉnh Tây Ninh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Theo tinh thần nghị quyết này, năm 2020, tuổi thọ bình quân của người dân Tây Ninh là 74 tuổi. Năm 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi giảm còn dưới 12%. Về tỷ lệ bác sĩ, nghị quyết nêu, đến năm 2020, Tây Ninh đạt 10 bác sĩ trên một vạn dân. Tại thời điểm tháng 7.2016, tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân ở Tây Ninh là 6,17 bác sĩ.
Từ kết quả trên, đối chiếu với Nghị quyết 20 của Trung ương Đảng khoá XII, sẽ thấy, để đạt được một số mục tiêu cụ thể như trong Nghị quyết, Tây Ninh phải nỗ lực rất lớn. Trước hết là tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân, như vừa đề cập, Tây Ninh chưa đạt 7 bác sĩ trên một vạn dân.
Và theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, đến năm 2020, toàn tỉnh mới đạt tỷ lệ 7 bác sĩ/vạn dân (khoảng 800 bác sĩ). Tính toán cụ thể, số lượng bác sĩ cần bổ sung trong giai đoạn 2016-2020 là 183 người. Nghị quyết 20 đặt ra mục tiêu, năm 2025, cứ 10.000 người dân có 10 bác sĩ và năm 2030 là 11 bác sĩ.
Rõ ràng, nếu Tây Ninh vẫn đào tạo và thu hút đội ngũ nhân lực cho ngành Y tế như cách làm của mấy năm qua, việc nâng được tỷ lệ bác sĩ/vạn dân theo mục tiêu của Nghị quyết 20 là rất khó. Cũng cần nhắc lại, dù tỉnh đã tìm nhiều biện pháp để đào tạo theo địa chỉ, kể cả hình thức cử tuyển cũng như thu hút nhân tài, nhưng số lượng bác sĩ ra trường về Tây Ninh làm việc vẫn không cao như trông đợi. Thậm chí, số bác sĩ đến nhận công tác thấp hơn số về hưu.
Đó còn chưa kể số bác sĩ thôi việc ở bệnh viện công ra làm cho khu vực y tế tư nhân (mặc dù công hay tư cũng đều là tham gia chữa bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng). Ngoài chuyện “khan hiếm” bác sĩ, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) cũng cần được đặt ra.
Nghị quyết 20 đặt ra chỉ tiêu, đến năm 2025, cả nước có 95% dân số tham gia BHYT và năm 2030 là trên 95%. Ngược lại thời gian, trước đây, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2014, 100% dân số tham gia BHYT. Thực tế cho thấy, mục tiêu trên hoàn toàn không phù hợp thực tế.
Nay, Trung ương yêu cầu đến năm 2025 có 95%, chưa biết đến thời điểm đó có đạt được tỷ lệ này hay không, vì chuyện người dân tham gia BHYT không ổn định, “năm trồi năm sụt”- kể cả ở những xã xây dựng nông thôn mới. Đối với những con số liên quan đến suy dinh dưỡng ở trẻ em, có lẽ khi đọc các bản báo cáo của ngành chức năng, cũng chỉ nên đón nhận với sự dè dặt.
Học sinh mầm non.
CÂU CHUYỆN LÂU DÀI
Chăm sóc sức khoẻ, cải thiện tầm vóc của người Việt là một vấn đề vừa cụ thể vừa… hơi trừu tượng, vì chuyện thế nào là một người khoẻ mạnh vẫn còn những quan niệm khác nhau. Trong đó, có những lĩnh vực hoàn toàn định tính, không thể định lượng. Nhưng có một thực tế gần như không ai không thấy, đó là sức vóc, thể lực, đặc biệt là chiều cao của người Việt Nam còn hạn chế.
Cách nay chưa lâu lắm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố một công trình nghiên cứu của 800 nhà khoa học trên thế giới với tên gọi “Một thế kỷ xu hướng tăng chiều cao ở người trưởng thành”. Theo kết quả này, trong thời gian 100 năm (1896-1996), chiều cao trung bình của người Việt Nam tăng từ 144,8cm lên 153,6cm.
Tuy vậy, bảng xếp hạng chiều cao về cơ thể con người giữa các quốc gia cho thấy, với mức tăng như trên, thứ hạng của Việt Nam giảm từ hạng 182 thế giới xuống hạng 188/200 quốc gia trong danh sách. Trong khi đó, số người mắc bệnh tiểu đường và béo phì ở cả nam và nữ tại Việt Nam lại tăng lên.
Theo WHO, chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh môi trường và dinh dưỡng là những yếu tố cơ bản quyết định độ tăng chiều cao. Dinh dưỡng cho bà mẹ trong thời kỳ mang thai cũng được cho là ảnh hưởng đến chiều cao. Làm thế nào thanh niên Việt Nam có thể “sánh vai” với thanh niên ở các quốc gia phát triển hay ít ra, như một câu quảng cáo: “Có thể bạn không cao, nhưng người khác phải ngước nhìn” là cả một câu chuyện dài, khó có thể tính bằng năm, mà phải hàng thập niên.
Từ những phân tích, có đối chiếu với thực tiễn nêu trên cho thấy, những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 của Đảng tuy không dễ dàng nhưng không phải là không thể thực hiện, và không còn mang tính “duy ý chí” (như mục tiêu BHYT năm 2014). Để có thể thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết, đòi hỏi phải có sự phấn đấu, nỗ lực không nhỏ, trên cơ sở phối hợp đồng bộ, chặt chẽ ở tất cả các lĩnh vực liên quan đến phát triển xã hội và con người.
VIỆT ĐÔNG