Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyện một người lính già
Chủ nhật: 18:39 ngày 23/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chào bác, hôm nay đi đâu mà diện thế ạ? Ủa mà sao bác mặc đồ bộ đội, cháu nhớ bác là cán bộ Dân Chính về hưu mà?

-Ừ, thì trước khi chuyển sang công tác Dân Chính, bác là bộ đội cháu à. Hôm nay bác đi họp mặt Hội Cựu chiến binh.

-Mèn ơi, bác chín mươi mấy tuổi rồi, không được miễn sinh hoạt Hội sao?

-Hôm nay không phải họp bình thường đâu. Bác đi họp mặt mừng kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Quân đội ta đấy!

-Hay quá, vậy là hôm nay những “người lính già đầu bạc” tha hồ mà “kể mãi chuyện Nguyên Phong” hả bác!

-Ừ, chuyện thời trai trẻ, mà là trai trẻ ở sa trường thì dù đã qua đi sáu bảy chục năm vẫn không thể nào quên.

-Vậy bác cho phép cháu… “phỏng vấn” vài câu nhé.

-Ðúng là nhà báo, lúc nào cũng không quên tranh thủ tác nghiệp. Vậy cháu định hỏi gì nào?

-Dạ, xin hỏi ngày xưa bác tại ngũ ở đơn vị nào ạ?

-Hồi đó thì… chưa có phiên hiệu gì đâu, thông thường người ta gọi tên đơn vị bằng danh tính vị chỉ huy hoặc là tính chất, nguồn gốc xuất phát của đơn vị. Chẳng hạn như ở Tây Ninh mình thời kỳ đầu kháng chiến chín năm chống Pháp có các đơn vị như là “Bộ đội Tư Ðẩu”, “Bộ đội Nguyễn Công Bằng”, “Bộ đội Cao Minh Căn”… Còn đơn vị của bác thường gọi là “Bộ đội Hải ngoại”.

-Uả, vậy hồi ấy bác là Việt kiều ở Thái Lan hay ở Campuchia?

-Không, bác ở trong nước, ở tại tỉnh lỵ, nhà ở ngay bên bờ rạch Tây Ninh mình bây giờ.

-Vậy sao bác tham gia Bộ đội Hải ngoại được?

-Chuyện đó hơi dài, để bác kể vắn tắt cho cháu nghe. Số là ngày xưa cha của bác làm công chức chế độ Pháp thuộc, nhưng có bí mật tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, cha bác tiếp tục làm việc cho chính quyền cách mạng. Ngày quân Pháp kéo lên tái chiếm Tây Ninh, cha bác chiến đấu ở mặt trận Bến Kéo, chẳng may bị tử thương ở gần cảng sông bây giờ.

Người chị bác hay tin, chèo ghe chở bác đi tìm xác cha, không ngờ giặc còn phục kích ở đó, ghe của chị em bác chưa cập bến thì chúng nổ súng xối xả, người chị quay đầu ghe tấp qua bờ bên kia bảo chú lên bờ chạy đi, chị tiếp tục chèo ghe về, thu hút hoả lực cho bác chạy thoát. Bác lên bờ cắm đầu chạy, chạy cả đêm tới sáng mới biết là đã qua bên kia biên giới. Bác sống tạm ở xóm Việt kiều bên ấy một thời gian rồi tham gia Bộ đội Hải ngoại về nước chiến đấu. Chuyện bác nhập ngũ là vậy đó, cháu còn muốn “phỏng vấn” gì nữa nào? 

-Vâng, xin hỏi bác thêm một câu nữa. Là bộ đội từ ngày đầu kháng chiến cứu nước, bác nghĩ thế nào về việc bọn phản động chống phá nước ta hiện nay tung ra luận điệu kích động đòi “phi chính trị hoá quân đội” ta?

-Chuyện đó còn dài dòng hơn nữa nghen. Cháu có biết lúc Bác Hồ thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của quân đội ta là lúc nào không? Chính là lúc nước ta đang bị ngoại bang đô hộ, còn Ðảng ta, lực lượng cách mạng ta xuất phát là người dân bị giặc cai trị. Có nghĩa là quân đội ta từ nhân dân mà ra, nhằm tôn chỉ mục đích phục vụ cách mạng giải phóng đất nước, tức là phục vụ nhiệm vụ chính trị chứ còn gì nữa.

Cũng như trường hợp gia đình bác, vì bị giặc áp bức, giết chóc mà đi theo cách mạng, tham gia bộ đội đánh giặc. Vậy mà nói quân đội là phi chính trị, là nghĩa làm sao? Luận điệu vô lý như vậy sao mà nghe cho được.

-Dạ, cháu hiểu rồi. Xin cảm ơn bác ạ.

BÀN DÂN

 

 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh