Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tôi chưa biết tỉnh nhà mình được xếp loại đô thị, xếp hạng phát triển kinh tế - xã hội ở mức nào nhưng chỉ bấy nhiêu điều cảm nhận trước mắt đó thôi tôi cũng nghĩ rằng bạn nào nói Tây Ninh còn “tụt hậu” là tôi hoàn toàn không đồng ý rồi.
Sau tết Kỷ Hợi 2019 Bàn Dân có dịp dự cuộc họp mặt bạn học cũ của một trường trung học công lập lâu đời nhất trong tỉnh. Họ là những cựu học sinh từng học chung lớp với nhau hơn nửa thế kỷ trước. Lâu nay họ ít khi gặp nhau vì mỗi người sinh sống ở một nơi, nhiều người ở ngoài tỉnh, có người định cư ở nước ngoài.
Trong câu chuyện hàn huyên khá rôm rả, Bàn Dân chú ý lắng nghe và nhận ra rằng ngoài những lời trao đổi về cuộc sống, công việc riêng của từng người, thỉnh thoảng những người bạn cũ cũng có những ý kiến nhận xét về quê hương, bản quán của mình. Có điều, trong khi những người sống tha phương tỏ ra thích thú về những đổi thay, khởi sắc ở quê cũ thì những người “bám trụ” ở tỉnh nhà lại có vẻ hơi bi quan, thậm chí “tự ti mặc cảm” cho rằng nơi mình ở vẫn còn…tụt hậu lắm. Lúc câu chuyện xoay qua hướng… kém phấn khởi như thế, bỗng Bàn Dân nghe được một ý kiến nhận xét rất đáng chú ý của một người bạn đang ở phương xa. Bạn ấy nói:
“Mấy chục năm xa quê, mấy năm nay tôi đã hưu trí nhưng đến tết này mới về thăm quê được. Về tới ranh giới Tây Ninh - Sài Gòn, anh bạn lái taxi sân bay hỏi tôi: “Bác muốn đi đường trong hay đường ngoài”, tôi hỏi lại “Đường trong, đường ngoài là sao, hồi xưa ở Tây Ninh đi xuống Sài Gòn chỉ có độc một đường quốc lộ 22 thôi mà?”.
Anh bạn trẻ nói “Dạ, đường ngoài chính là con đường cũ bác nói đó. Còn đường trong là đường mới nối quốc lộ 22 chạy từ Trảng Bàng, qua mấy xã phía Đông huyện Gò Dầu, mấy xã Truông Mít, Cầu Khởi, Chà Là về ngã ba Bàu Năng rồi chạy tới thành phố Tây Ninh đó bác”. Tôi mới nhớ ra đó là đường 19-26 cũ, con đường đất đỏ chạy qua quận Khiêm Hanh hồi xưa. Nhưng hồi đó ở thị xã Tây Ninh đi vô tới Bàu Cóp, Chà Là thì “mất an ninh” rồi hổng ai dám đi nữa.
Khi xe đi qua xã Phước Đông, thấy có một toà nhà khá lớn gần cổng khu công nghiệp, tôi bảo anh taxi dừng lại ngắm nghía mới biết đó là siêu thị Co-opmart Phước Đông. Tôi rất bất ngờ khi thấy ở một vùng quê hẻo lánh ngày xưa nay lại có một toà siêu thị cao 7 tầng. Và tôi càng bất ngờ hơn khi tra Google mới biết Tây Ninh là tỉnh có số siêu thị Co-opmart đứng thứ nhì trong nước, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể là Tây Ninh có tới 6 siêu thị, trong khi cả miền Đông Nam bộ có 14 siêu thị, còn ở thành phố Hồ Chí Minh thì có 35 siêu thị Co-opmart. Như vậy nếu tính theo bình quân số siêu thị trên số người tiêu dùng, tức là dân số được phục vụ thương mại hiện đại thì Tây Ninh có nhiều siêu thị hơn cả Sài Gòn đó chớ!”.
Lúc này cả tập thể bạn học cũ mới ngớ ra “À, vậy mà mình có để ý đâu!”, người bạn phương xa kể tiếp: “Từ chuyện 6 siêu thị có mặt khắp nơi từ thành phố tỉnh lỵ cho tới huyện vùng sâu, vùng nông thôn biên giới; về đến thành phố Tây Ninh tôi để ý mới thấy gần như các thương hiệu thương mại lớn trong nước, bán lẻ từ miếng thịt, bó rau đến hàng tiêu dùng, hàng điện máy cao cấp, hàng điện tử di động thông minh đều có cửa hàng, đại lý chính thức tại Tây Ninh.
Tôi chưa biết tỉnh nhà mình được xếp loại đô thị, xếp hạng phát triển kinh tế - xã hội ở mức nào nhưng chỉ bấy nhiêu điều cảm nhận trước mắt đó thôi tôi cũng nghĩ rằng bạn nào nói Tây Ninh còn “tụt hậu” là tôi hoàn toàn không đồng ý rồi. Tôi nghĩ nếu Tây Ninh kém phát triển, thu nhập đầu người thấp thì chẳng thu hút được nhà đầu tư nào đến tỉnh mình làm ăn đâu. Nhất là ngành kinh doanh thương mại, bán hàng ế ẩm, làm ăn không có lời ai mà chịu làm!”.
Bàn Dân