Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện ngập úng và cái bàu nước tự nhiên biến thành ruộng mía
Thứ tư: 05:55 ngày 06/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Do nước không lối thoát nên những khi có mưa lớn kéo dài, nước ứ đọng làm ngập cả khu vực cánh đồng mía của dân, tràn cả lên khu dân cư, băng qua đường 785 gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân nơi đây.

Đã nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa là người dân ấp Đông Hiệp, xã Tân Đông, huyện Tân Châu phải chịu cảnh ngập úng do lượng nước lũ rất lớn từ bên kia biên giới đổ về, trong khi hệ thống mương thoát nước tại địa phương bị bồi lắng, lấn chiếm nên không tiêu thoát được. Do nước không lối thoát nên những khi có mưa lớn kéo dài, nước ứ đọng làm ngập cả khu vực cánh đồng mía của dân, tràn cả lên khu dân cư, băng qua đường 785 gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân nơi đây.

Ông Trần Văn Dân- Trưởng ấp Đông Hiệp thị sát đoạn suối 19.5

HỌC SINH VÀO TRƯỜNG BẰNG… XE TẢI

Ông Trần Văn Dân, Trưởng ấp Đông Hiệp cho biết, khu vực ấp này khoảng 10 năm trở về trước không xảy ra tình trạng ngập úng trầm trọng như hiện nay. Thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông, đời sống người dân ấp Đông Hiệp được nâng lên, nhiều hộ xây dựng được nhà kiên cố.

Khi cất nhà người dân phải tôn nền, tráng sân xi măng, dẫn đến nước mưa tập trung về những chỗ có vị trí thấp hơn. Nhưng quan trọng hơn là do vị trí địa lý tự nhiên khu vực ấp Đông Hiệp thấp hơn so với khu vực bên kia biên giới nên lượng nước mưa từ Campuchia đổ về khá lớn. Trong khi ở ấp Đông Hiệp chỉ có 2 con mương và suối thoát nước, đó là con mương thoát nước chạy dọc theo đường 785, 794 và con suối 19.5 chạy quanh các khu vườn cây ăn trái của người dân.

Theo ông Dân, con mương thoát nước chạy dọc theo đường 785 và 794 thường xuyên bị nghẽn do người dân thiếu ý thức vứt rác thải sinh hoạt tràn lan. Còn con suối 19.5 trước đây có chiều ngang khá lớn, thoát nước khá nhanh; nhưng hiện nay một phần do không được nạo vét thường xuyên dẫn đến lòng suối bị bồi lắng, một phần do chiều ngang con suối ngày càng bị teo tóp vì người dân lấn chiếm làm vườn.

Vì thế, khi có mưa lớn kéo dài, con mương thoát nước cặp đường 785, 794 và con suối 19.5 không thể thoát hết lượng nước mưa, dẫn đến nước từ con suối trào ngược lên khu dân cư gây cảnh ngập úng cục bộ kéo dài mấy ngày liền.

Đối với Trường THCS Tân Đông nằm trên địa bàn ấp Đông Hiệp, tại vị trí thường xuyên ngập úng, con đường vào trường cũng bị ngập, địa phương phải vận động người dân có xe tải hỗ trợ chở học sinh từ đường 785 đến trường và ngược lại. Chuyện “bất đắc dĩ” này diễn ra đã mấy năm qua, chưa có cách nào khắc phục.

BÀU CHỨA NƯỚC TỰ NHIÊN BIẾN THÀNH RUỘNG MÍA

Một người dân sống bên đường 875 cho biết, tình trạng ngập úng xảy ra còn có một nguyên nhân khác. Trước đây tại khu vực này có một cái bàu tự nhiên, nằm phía sau Trường THCS Tân Đông, có thể chứa được lượng nước lớn, trở thành “hồ điều tiết” nước trong mùa mưa, nên khu vực này hiếm xảy ra tình trạng ngập úng. Thế nhưng, nhiều năm qua, không biết vì sao cái bàu nước tự nhiên đã biến thành ruộng mía.

Do đó, cứ mỗi khi mưa kéo dài, nước không còn dồn về khu vực bàu nước cũ mà chảy ngược lên đường 785. Người dân mong muốn chính quyền địa phương và các ngành chức năng nạo vét khơi thông lại suối 19.5, mương thoát nước cặp đường 785 để thoát nước cho khu vực ấp Đông Hiệp, đồng thời làm rõ cái bàu nước trước đây hiện giờ là đất của ai? Vì sao bàu nước tự nhiên lại trở thành ruộng mía?

Đối với phản ánh của người dân về sự “biến mất” của cái bàu nước tự nhiên trên địa bàn ấp Đông Hiệp. Trưởng ấp Đông Hiệp thừa nhận, trước đây phía sau Trường THCS Tân Đông (cách khoảng 500m) có một cái bàu nước sâu, diện tích khá lớn, có nhiều cây điên điển mọc nên người dân địa phương thường gọi là bàu điên điển hay bàu P25.

Tuy nhiên, cái bàu nước trên đã được đầu tư nâng cao địa thế trở thành ruộng mía xanh tốt, mỗi vụ thu hoạch, xe tải có thể chạy vào ruộng để chở mía.

Gần đây nhất, có nhiều người dân cho rằng, việc thi công hệ thống mương thoát nước thuộc dự án nâng cấp đường 785, đoạn từ Tân Đông đến Tân Hà cũng đã dẫn đến tình trạng ngập úng trên đường 785 đoạn qua ấp Đông Hiệp vào dịp lễ 2.9 vừa qua.

Trưởng ấp Đông Hiệp cho hay, người dân phản ánh như vậy là không chính xác, việc triển khai thi công hệ thống thoát nước dọc đường 785 chỉ có tác động nhỏ. Trước đây, khi chưa thực hiện dự án nâng cấp đường 785 đoạn từ Tân Đông đến Tân Hà, khu vực ấp Đông Hiệp đã xảy ra tình trạng ngập úng, nước ngập tràn qua đường 785 mỗi khi có mưa lớn, chứ không phải chỉ mới xảy ra ở mùa mưa năm nay. Theo Trưởng ấp Đông Hiệp, hiện dòng nước chảy dưới suối 19.5 có màu đỏ, trong khi đất ở khu vực này là đất đen, điều này cho thấy đây là lượng nước từ Campuchia theo suối 19.5 đổ về.

Một cán bộ kỹ thuật của đơn vị thi công dự án nâng cấp đường 785 đoạn từ Tân Đông - Tân Hà cho biết, do cao trình khu vực ấp Đông Hiệp thấp hơn nhiều so với địa hình tự nhiên tại khu vực biên giới xã Tân Hà khoảng 5m. Do đó, mỗi khi có mưa lớn, lượng nước từ Campuchia đổ về vùng đất có địa thế thấp hơn, Đông Hiệp trở thành cái “túi” đựng nước, dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ.

Tuy rằng việc thi công hệ thống cống thoát nước dọc theo đường 785 không phải là nguyên nhân gây ngập tại khu vực ấp Đông Hiệp, nhưng trong những ngày qua, khi khu vực này bị ngập, đơn vị thi công cũng đã hỗ trợ địa phương nạo vét, vớt rác con mương thoát nước cặp đường 785, 794 để khơi thông dòng chảy, thoát nước nhanh chóng hơn.

Con mương thoát nước cặp đường 794 thường xuyên bị ngập rác, bị bồi lắng dẫn đến hiệu quả thoát nước kém.

Lãnh đạo UBND xã Tân Đông cho biết, qua khảo sát, địa phương xác định nguyên nhân chính là do lượng nước mưa từ khu vực bên kia biên giới đổ về, trong khi hệ thống mương, suối thoát nước tại khu vực Đông Hiệp không bảo đảm việc thoát nước.

Riêng về việc cái bàu chứa nước tự nhiên trở thành ruộng mía, theo lãnh đạo xã Tân Đông, địa phương cũng mới nắm được thông tin do một người dân phản ánh. Khi nắm được thông tin này, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ địa chính vào khu vực khảo sát, đo đạc lại để xác định phần diện tích nào là đất công do Nhà nước quản lý, và có biện pháp xử lý đúng quy định pháp luật.

Một số người dân sống lâu năm tại địa phương kiến nghị, cùng với việc thực hiện các công trình thoát nước có hiệu quả, chính quyền cần  khôi phục lại cái bàu tự nhiên nêu trên để điều tiết nước mưa cho cả khu vực.

THIÊN TÂM

Hơn 2 tháng trước, người dân đã phản ánh tình trạng nước mưa quanh khu vực xã Tân Đông và từ Campuchia đổ ra khu dân cư ven đường Kà Tum - Tân Hà gây ngập cục bộ. Theo người dân địa phương, sở dĩ có tình trạng trên là do tuyến đường này đang được thi công cống thoát nước. Nước mưa từ khu vực cao hơn đổ về đây không thể đổ xuống cống rồi đi ra suối nên gây ngập.

UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thuỷ lợi phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, kiểm tra thực tế diện tích và mức độ thiệt hại hoa màu của người dân, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục để được hỗ trợ thiệt hại theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9.1.2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất ở vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                   ĐÌNH CHUNG
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh