Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyện nghề của các cô bóng
Thứ bảy: 17:41 ngày 08/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hầu hết các lễ hội ở các miếu thờ Bà hay lễ cúng tổ, lễ thượng tran, tạ tran của các gia đình có thờ Ông, Bà độ mạng theo tín ngưỡng dân gian đều thực hành nghi lễ bóng rỗi. Với những người thực hành nghi thức bóng rỗi được gọi là “tơ sứ”, “tơ mái”, “nữ sứ” hay thân mật hơn là “bà bóng”, “cô bóng”.

Cô bóng Ngọc Trinh múa dâng huệ.

Bóng rỗi là hình thức diễn xướng tổng hợp dân gian, có chức năng thực hành nghi lễ, gắn liền với tín ngưỡng thờ nữ thần của cư dân Tây Ninh và cả Nam bộ từ những buổi đầu mở cõi. Bóng rỗi nở rộ ở đất Gia Định xưa, dần phổ biến rộng rãi và phát triển ở Nam bộ, trong đó có Tây Ninh. Đây cũng là một phương tiện “dĩ huyễn độ chơn”, hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ, qua đó, thể hiện những mong cầu về cuộc sống bình an, thịnh vượng của cư dân.

Trong đó, “bóng” là từ chỉ chung các nghệ nhân đảm nhận việc hát múa nghi lễ; “rỗi” là một trong những điệu hát, thường được gọi là thài, ru, chặp, rỗi, hay còn được hiểu là chào, mời, báo hiệu thỉnh các vị nữ thần về chứng lễ, nghe hát để phù hộ độ trì cho người dân.

Hầu hết các lễ hội ở các miếu thờ Bà hay lễ cúng tổ, lễ thượng tran, tạ tran của các gia đình có thờ Ông, Bà độ mạng theo tín ngưỡng dân gian đều thực hành nghi lễ bóng rỗi. Với những người thực hành nghi thức bóng rỗi được gọi là “tơ sứ”, “tơ mái”, “nữ sứ” hay thân mật hơn là “bà bóng”, “cô bóng”.

Những năm đầu thế kỷ XX, ở Tây Ninh tiêu biểu có cô bóng Phạm Thị Mười, thường gọi là bà Mười ở huyện Gò Dầu. Thế hệ sau có cô bóng Nguyễn Thị Tư (Tư Móc), Trần Thị Hoa (Sáu Hoa) ở huyện Gò Dầu; Bảy Nang ở thị xã Trảng Bàng; Nguyễn Thị Bằng, Trịnh Thị Nhỏ ở huyện Châu Thành.

Nay còn cô bóng Năm Sáng ở thành phố Tây Ninh; Nguyễn Thị Mướt (Ngọc Phượng), cô bóng Huê ở huyện Gò Dầu; cô bóng Lan ở thị xã Hoà Thành; cô bóng Bơ ở huyện Châu Thành… các cô bóng đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hi” là những nghệ nhân bóng rỗi danh tiếng của tỉnh, nhiều năm hoạt động trong nghề, truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò.

Về sau này, có nhiều cô bóng tiếp nối các nghệ nhân tiền bối như bóng Trầm, Lệ, Thuận, Thanh Thuỷ, Ngọc Diễm, Ngọc Thiểu, Ngọc Triều, Ngọc Trinh, Ngọc Phúc, Ngọc Vy, Mỹ Duyên, bóng Ư… thường được mời đi cúng ở các miếu, tư gia trong và ngoài tỉnh, trong đó có những cô bóng tuổi mới chừng đôi mươi.

Cô bóng Thanh Thuỷ múa mâm vàng.

Hiện nay, trong số những nghệ nhân bóng rỗi lớn tuổi, đặc biệt là có hiểu biết sâu rộng và gìn giữ được những bài bản truyền thống về bộ môn này có cô bóng Ngọc Phượng, tên thật là Nguyễn Thị Mướt, sinh năm 1949, ở thị trấn huyện Gò Dầu. Cô sinh ra và lớn lên trong dòng họ có truyền thống nhiều đời theo nghiệp bóng rỗi, nên đã hun đúc tình yêu với loại hình nghệ thuật này từ nhỏ. Năm lên 8 tuổi, cô được thầy là nghệ nhân Nguyễn Thị Tư và gia đình dạy nghề cùng với các cô chú, anh chị.

Trong quá trình học, cô theo gia đình đi cúng lễ Kỳ yên ở các miếu Bà, các đám cầu an, đám cúng tổ, đám thượng tran, tạ tran tại tư gia… Với sự nỗ lực học hỏi miệt mài, cô ra nghề với nghệ danh Ngọc Phượng, bà con địa phương quen gọi với cái tên thân mật là cô Chín Phượng.

Hơn 60 năm học, làm nghề và truyền dạy cho học trò, nghệ nhân Ngọc Phượng luôn gìn giữ những giá trị truyền thống của loại hình nghệ thuật bóng rỗi, về cách rỗi, múa, chế tác mâm vàng đúng nghĩa. Với chất giọng hát ngọt ngào, cô được phân công giữ chức Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Gò Dầu, tham gia công tác văn hoá tại địa phương và làm giám khảo cho nhiều cuộc thi về âm nhạc dân tộc. Năm 2007, nghệ nhân Ngọc Phượng vinh dự được Nhà nước trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hoá - thông tin”. Đã có nhiều thế hệ học trò của cô nay thành nghề như các cô bóng Thanh Thuỷ, Ngọc Diễm, Ngọc Thiểu, Ngọc Triều, Ngọc Trinh...

Về xã Thanh Điền, huyện Châu Thành gặp cô bóng Bơ, tên thật là Bùi Thị Bơ, sinh năm 1960. Sinh ra trong gia đình có truyền thống theo nghiệp bóng rỗi, bà ngoại cô là cô bóng Nguyễn Thị Bằng, mẹ là cô bóng Trịnh Thị Nhỏ, đến cô là đời thứ ba và nay con gái của cô là Phạm Thị Bích Thuận cũng nối nghề của gia đình.

Chồng của cô bóng Bơ là nghệ sĩ hát bội Phạm Văn Xị (Út Đỗi), ngoài ra, chú và gia đình bên nội có nghề nhạc lễ, chắc cũng từ nhân duyên này mà tạo nên một gia đình đều là những nghệ nhân đang góp phần gìn giữ các giá trị cổ truyền của dân tộc.

Cô bóng Bơ nhớ, lúc nhỏ thấy mẹ và các cô bóng thực hành diễn xướng nên thích và đem lòng yêu bộ môn bóng rỗi này, cô thường lấy tô, chén, bình bông trong nhà ra tập các tiết mục tạp kỹ, thấy vậy, mẹ cô đã dạy nghề cho cô và đưa cô đến học nghề với nghệ nhân bóng rỗi Năm Sáng, lúc đó cô 13 tuổi và ra nghề cho đến nay. Cô còn gìn giữ và thực hành nhiều bài bản bóng rỗi và các điệu múa xưa, mà nay ít dùng, từ xuân qua nam ai, quảng, nam chạy, tẩu…

Phạm Thị Bích Thuận là con gái của cô bóng Bơ, được mẹ dạy nghề từ thuở nhỏ. Cô bóng Thuận chia sẻ, để trở thành một cô bóng giỏi nghề phải dày công luyện tập, khi mới học- nhất là các tiết mục tạp kỹ- thường bị rớt bể chén, bình bông hay nâng dao, rựa thường rơi trúng đầu, trúng chân. Qua đó mới thấy được những điệu bộ múa mâm vàng, múa tạp kỹ với các vũ đạo như sân khấu của các cô bóng là một nghệ thuật không phải ai cũng thực hiện được. 

Nghệ nhân bóng rỗi Ngọc Phượng

Trong quá trình thực hành diễn xướng, các cô bóng cũng sáng tạo thêm trong cách rỗi, điệu bộ múa để phù hợp với thời đại, tiêu biểu có cô bóng Lan ở thị xã Hoà Thành, người tiên phong trong việc ứng dụng cách múa bêu- tức múa giữ vật thăng bằng thay cho múa sức các cô bóng phải nhào lộn nhiều đã được phổ biến ở Tây Ninh. Hay cô bóng Bảy Nang ở thị xã Trảng Bàng bị khuyết tật bẩm sinh nhưng cũng sáng tạo nên những thế riêng và còn truyền nghề cho các đệ tử.

Cô bóng Thanh Thuỷ tên thật là Nguyễn Thị Nước và cô bóng Ngọc Diễm tên thật là Phan Thị Hồng Diễm là những nghệ nhân trẻ, trước theo học với cô bóng Bảy Nang ở Trảng Bàng, sau khi thầy mất, hai cô bóng được sự hướng dẫn thêm từ cô bóng Ngọc Phượng. Các cô bóng rất tâm huyết với nghề và luôn tâm niệm gìn giữ các bài bản bóng rỗi cổ truyền của các bậc tiền nhân.

Cô bóng Thanh Thuỷ còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng; cùng Đoàn Thanh niên địa phương quảng bá nghệ thuật diễn xướng bóng rỗi đến với đại chúng. Cô còn giúp đỡ các cô lớn tuổi muốn theo học bộ môn diễn xướng dân gian này qua việc chép các bài rỗi, hướng dẫn cách dán mâm, cách múa cho các cô, các chị, thể hiện sự tương thân tương ái trong các hội viên phụ nữ và cũng là cách để lưu truyền nghệ thuật bóng rỗi.

Cô bóng Ngọc Trinh tên thật là Phạm Minh Sang, là một nam giới, được hun đúc tình yêu với bóng rỗi từ nhỏ bởi trong gia đình có bà nội là nghệ nhân bóng rỗi Trần Thị Hoa (Sáu Hoa) ở huyện Gò Dầu và sau theo học nghề với cô bóng Ngọc Phượng. Sinh năm 2004, mới 18 tuổi mà cô bóng Ngọc Trinh đã rất lành nghề, thành thục trong cách rỗi, điêu luyện trong các điệu múa, ưu thế của cô bóng là nam giới có sức khoẻ dẻo dai, nên thực hiện tốt các tiết mục tạp kỹ như đội trống, đội lu, đội bàn, đội ghế… “Học nghề bóng rỗi không phải dễ, đào tạo được người học trò như Ngọc Trinh là rất mừng”- cô bóng Ngọc Phượng chia sẻ.

 Từ những buổi trò chuyện với các cô bóng kỳ cựu ở Tây Ninh, thấy điểm chung ở họ là sự yêu nghề. Cuộc đời của các cô bóng cũng lắm thăng trầm, đi sớm về khuya, có khi cúng xong đã trễ phải ở nhờ lại miếu. Ngoài mùa Kỳ yên, vào các tháng khác, cô bóng chỉ đi cúng lai rai ở những đám cúng tổ, thượng tran, tạ tran, nên kinh tế là gánh nặng đối với người nghệ nhân theo nghề.

Nhiều cô bóng chia sẻ, có những đám thấy gia chủ nghèo, khó khăn thì chỉ đến cúng giúp. Ngoài việc đi cúng, các cô bóng trẻ còn tham gia biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật nhằm quảng bá loại hình bóng rỗi, vừa để có thêm thu nhập. Vì hoàn cảnh gia đình, hay sau khi lấy chồng sinh con, nhiều nghệ nhân bóng rỗi phải tạm gác lại nghề để buôn gánh bán bưng lo trang trải cuộc sống, nhưng khi có cơ hội đi cúng thì họ luôn sẵn sàng quay lại nghề sắm vai cô bóng cầu an cho mọi người. 

Nghề làm cô bóng trước đây chịu định kiến xã hội, nhưng từ khi bóng rỗi được quan tâm, nghiên cứu, nhìn nhận những đóng góp cho cộng đồng, thì các nghệ nhân càng được nhiều người kính trọng, quý mến.

PHÍ THÀNH PHÁT

Tin cùng chuyên mục