Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bài tham dự cuộc thi viết phóng sự, ký sự:
Chuyện người chết… trở về
Thứ hai: 04:15 ngày 22/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Vừa qua, Báo Tây Ninh nhận được đơn “kêu cứu” cho một trường hợp hy hữu- “người chết sống lại”. Anh đã được người thân xây mộ, lập bàn thờ, cúng giỗ 5 năm qua. Bỗng nhiên, một ngày gần đây, anh chống gậy trở về. Câu chuyện tưởng như đùa nhưng có thật đối với anh Yêng Hồng Mỹ, 50 tuổi, hiện ở ấp Ðồng Cỏ Ðỏ, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh.

Anh Mỹ với tấm hình thờ của chính mình.

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

Cuộc đời của anh Yêng Hồng Mỹ là một câu chuyện buồn, đáng thương. Khi mới được sinh ra vài ngày, anh đã bị cha mẹ ruột đem bỏ ven cánh rừng già. Lúc đó, tình cờ ông Yêng Hồng Phi đi ngang, thấy một cháu bé còn đỏ hỏn nằm khóc oa oa bên đường. Thương tình, ông nhặt đem về nhà nuôi. Ông Phi là người gốc Campuchia nên lấy họ của mình đặt tên cho cháu bé là Yêng Hồng Mỹ. Lớn lên, trí óc của Mỹ không phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Cậu bị ngơ ngơ theo kiểu bệnh tâm thần nhẹ. Ông Phi sống độc thân, hai cha con nương tựa vào nhau được vài năm thì ông Phi qua đời. Cậu bé Mỹ lại một lần nữa sống trơ trọi trên đời, vắng cha, thiếu mẹ.

Cũng may, thời điểm đó, bà  Hoa- chị của ông Phi- có gia đình nhiều năm nhưng sinh con đều sinh khó. Người con đầu lòng bị mất sớm. Người con kế tên là Hồng Xinh sinh ra, lớn lên bình thường, nhưng sau đó lại khó nuôi. Thấy cháu Yêng Hồng Mỹ côi cút nên vợ chồng bà Hoa nhận cháu về làm con nuôi để “cầu may”. Sự có mặt của Mỹ quả thật đã đem lại may mắn cho vợ chồng bà Hoa. Sau đó, vợ chồng bà sinh được vài người con đều phát triển bình thường. Vì thế, Mỹ được gia đình bà thương như con ruột và nuôi nấng đến lớn. Khi Yêng Hồng Mỹ trở thành thanh niên thì vợ chồng bà Hoa đã tuổi cao sức yếu và lần lượt về thế giới bên kia. Người con gái lớn của vợ chồng bà Hoa là chị Hồng Xinh, năm nay 53 tuổi, thay mặt cha mẹ nhận trách nhiệm tiếp tục nuôi dưỡng anh Mỹ.

Gia đình bà Xinh thuộc diện nghèo. Hằng ngày, bà phải đi làm thuê làm mướn mưu sinh. Khoảng 20 năm trước, bà được chính quyền địa phương cất cho căn nhà tình thương vách ván, lợp tôn. Những năm gần đây, căn nhà tình thương của bà Xinh xuống cấp, sắp sập; may mắn có ê kíp làm Chương trình “Vượt lên chính mình” của Ðài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đến tổ chức cho mẹ con bà thi cạo vỏ lụa hạt điều. Nhờ vậy, gia đình bà có được Ngôi nhà mơ ước.

Hiện nay, bà Xinh đi làm “ô-sin” cho gia đình người khác để kiếm tiền sinh sống. Về phần anh Mỹ, mặc dù trí não phát triển “không đủ mười” nhưng rất hiền lành, không quậy làng phá xóm và siêng năng lao động. Hằng ngày, anh đi phơi xác mì thuê cho chủ một lò mì trong xóm để kiếm tiền tiêu vặt. Thỉnh thoảng anh cũng bỏ nhà đi lang thang khắp nơi, nhưng chỉ vài ngày sau lại tự tìm đường trở về nhà.

Năm 2013 là một bước ngoặt đáng nhớ đối với gia đình bà Xinh và anh Mỹ. Có một gia đình bà con ở phường 3, TP Tây Ninh tổ chức đám cưới. Anh Mỹ đi dự, nhưng mấy ngày sau không thấy trở về nhà. Người thân trong gia đình bà Xinh toả ra khắp nơi tìm kiếm ròng rã cả tháng nhưng bóng dáng anh vẫn bặt vô âm tín.

Hơn một tháng sau, trong lúc đang tuyệt vọng, gia đình bà Xinh thấy trên đài truyền thanh thông báo, phát hiện một xác chết trôi sông ở xã Trường Ðông, huyện Hoà Thành. Bà Xinh và một số người thân liền cầm tấm ảnh chụp chân dung anh Mỹ đến hiện trường để nhận dạng. Do nạn nhân bị chết ngạt nước nhiều ngày, cơ thể biến dạng, nên công an địa phương cho chôn cất sớm để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Khi gia đình bà Xinh đến nơi, thi thể nạn nhân đã được chôn cất trong nghĩa địa xã Trường Ðông. Ðưa hình của anh Mỹ cho một người đàn ông đã vớt xác chết lên, người đàn ông này khẳng định chắc nịch: “Ai lầm chứ tôi không lầm. Nạn nhân vừa chôn chính là anh Mỹ”. Ðối chiếu thêm một thông tin thứ hai (cũng do người đàn ông này cung cấp) là nạn nhân bị chết trôi này có bệnh “tràn dịch tinh mạc” (hay còn gọi là “trứng dái bọng”, là một từ ngữ dân gian mô tả bệnh lý tinh hoàn nằm trong một túi nước - PV).

Nghe vậy, bà Xinh và người thân tin rằng người đàn ông xấu số nằm dưới nấm đất kia là anh Mỹ. “Lúc đó, chúng tôi cũng có nghĩ đến chuyện xét nghiệm ADN để xác định xem người vừa chôn cất có phải là anh Mỹ hay không, nhưng ngặt nỗi anh là con nuôi chứ không phải con ruột, nên không biết làm sao để so sánh, đành phải tin như vậy”, bà Xinh nhớ lại.

Cuối cùng gia đình bà và anh em dòng họ hùn tiền xây dựng mồ yên mả đẹp cho người anh nuôi vắn số. Bà Xinh rửa di ảnh anh Mỹ ra khổ lớn và lập bàn thờ trang trọng trong nhà. Hỏi thăm và tính toán ngày mất, gia đình chọn ngày 26.3 AL hằng năm để làm đám giỗ. Theo năm tháng, sự ra đi của người anh nuôi Yêng Hồng Mỹ cũng dần nguôi ngoai trong tâm trí mọi người.

Nấm mồ mang tên, hình của anh Mỹ.

NGƯỜI CHẾT TRỞ VỀ

Câu chuyện buồn về anh Yêng Hồng Mỹ tưởng chừng như đã đi vào dĩ vãng. Thế rồi, một ngày trung tuần tháng 4.2017, trong xóm Ðồng Cỏ Ðỏ có hai chị em đến Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh khám bệnh.

Trong lúc ngồi chờ kết quả, có một người đàn ông mặc trang phục bệnh viện, chân bị gãy đang chống gậy đi xin ăn ngang qua. Khi đến gần, người đàn ông này chợt nhận ra một trong hai người con gái đang ngồi trước mặt là người quen và mừng rỡ kêu tên. Chuyện anh Mỹ chết 5 năm trước ở xóm Ðồng Cỏ Ðỏ hai chị em này cũng biết. Bây giờ đột ngột nhìn thấy anh đứng sờ sờ trước mặt, người phụ nữ này hoảng sợ đến nỗi không dám nhìn kỹ.

Mãi một lúc sau, chị mới trấn tĩnh lại và hỏi kỹ tên tuổi, địa chỉ để xác định thật kỹ có phải người đàn ông này là anh Yêng Hồng Mỹ hay không. Khi biết chắc chắn là anh Mỹ còn sống, chị gọi điện thoại báo tin về cho chị Xinh.

Nhận được tin báo, chị Xinh mừng muốn xỉu. Chị bảo dẫn anh Mỹ về nhà. Về phần anh Mỹ, từ khi gặp được người thân trong xóm, anh mừng quá, bám theo người phụ nữ này không rời nửa bước và năn nỉ xin đưa về giùm.

Tin anh Yêng Hồng Mỹ còn sống và sắp trở về nhà lan nhanh trong xóm Ðồng Cỏ Ðỏ. Nhiều người quan tâm và hiếu kỳ, bỏ công ăn việc làm tập trung ở nhà chị Xinh để chờ xem “người chết trở về”.

Khi người đàn ông này vừa về tới, mọi người ùa ra xem và đều nhận ra ngay đó là anh Mỹ. Bà Xinh nhớ lại khoảnh khắc vừa mừng vừa thương ấy: “Lúc nó vừa xuống xe, cả xóm chạy ùa ra mừng. Nhìn nó xanh xao, ốm nhách, chân bị sưng phù, nước vàng chảy ra, tôi nghẹn ngào ứa nước mắt”.

Hàng trăm câu hỏi về sự mất tích của anh Mỹ được mọi người chen nhau hỏi. Theo lời kể chắp vá của anh, sau khi đi lạc, anh được một người đàn bà đem về nhà nuôi. Hằng ngày, bà chở qua sông, cho đi chăn bò. Nhưng anh không biết vì sao anh bị gãy chân và ai đưa anh vào bệnh viện. Anh Mỹ chỉ nhớ được rằng, ở bệnh viện, ban ngày anh đi xin ăn, tối về ngủ trên ghế đá. Chúng tôi thử hỏi anh về quãng thời gian qua đã làm gì, ở đâu, anh kể: “Tôi ở trong một chỗ có nhiều cây rừng. Ban ngày đi chăn bò”. Hỏi về chuyện vợ con, anh nói: “Có vợ rồi. Vợ còn đang đi học” (?!).

Từ ngày anh Mỹ trở về, gia đình bà Xinh vui vẻ hẳn lên, nhưng kéo theo đó là hàng loạt những rắc rối pháp lý và khó khăn về chi phí chữa bệnh cho anh Mỹ. Bà Xinh cho tháo hình thờ của anh xuống và dọn ra hàng ba một chiếc chõng tre, câu đèn, bắt quạt máy cho anh nằm dưỡng bệnh.

Anh chị em, con cháu trong gia đình ai có món ngon đều mang đến cho anh tẩm bổ. Người em rể của bà Xinh là ông Tống Thanh Hùng, 35 tuổi, làm nghề chạy xe ôm nhận nhiệm vụ chở anh Mỹ đến Bệnh viện Ða khoa Tây Ninh chữa trị vết thương.

Ông Hùng kể: “Tôi đã hai lần chở ảnh đến bệnh viện tỉnh khám vết thương. Qua chụp hình, thấy cả hai xương chân phải của anh Mỹ đều bị gãy. Mặc dù đã được Bệnh viện Ung bướu phẫu thuật và nẹp lại rồi, nhưng bác sĩ bảo gia đình chuẩn bị tiền để sắp tới, khi vết thương đã lành, phải phẫu thuật một lần nữa để lấy những ốc vít bắt xương ra”.

Ngoài ra, hằng ngày, gia đình bà Xinh còn phải tốn tiền mua thuốc cho anh Mỹ uống để chống nhiễm trùng, và tốn 50.000 đồng tiền thuê nhân viên y tế đến rửa vết thương, thay băng gạc cho anh.

Khó khăn là ở chỗ đó. Bản thân bà Xinh nghèo khổ, mỗi ngày đi làm ô-sin cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng. Ðem hết tiền công lao động của mình gom lại cũng chưa đủ chăm sóc cho anh Mỹ. Hoàn cảnh của các anh chị em khác cũng chẳng khá gì hơn. Người chạy xe ôm, kẻ thì cày thuê cuốc mướn hoặc sớm chiều bận rộn buôn bán nhỏ lẻ. Dù hết mực thương yêu, nhưng hằng ngày họ chỉ có thể đem đến cho anh Mỹ miếng bánh bò, bánh chuối hay đóng góp năm, mười ngàn đồng phụ với bà Xinh lo tiền cơm thuốc cho anh Mỹ. Túng quá, một người cháu trong gia đình “bặm gan” chạy đến Báo Tây Ninh nhờ lên tiếng kêu gọi các mạnh thường quân ra tay cứu giúp.

Về mặt pháp lý, trường hợp chết đi sống lại của anh Mỹ cũng là một vấn đề nan giải. 5 năm trước, khi xác định người chết đuối ở Trường Ðông là anh Yêng Hồng Mỹ, gia đình bà Xinh đã đến UBND xã Bình Minh làm thủ tục báo tử và cắt tên anh trong sổ hộ khẩu.

Bây giờ, bỗng nhiên anh trở về, gia đình bà Xinh quá nghèo, không đủ tiền trị bệnh cho anh, muốn xin chính quyền địa phương cấp cho anh một thẻ bảo hiểm y tế, nhưng không biết bắt đầu từ đâu.

Bà Xinh cho biết: “Chúng tôi đã đến UBND xã xin cấp thẻ bảo hiểm cho nó, nhưng đến nay địa phương chưa giải quyết được”.

Hiện sức khoẻ của “người chết trở về” này đã khá hơn. Mỗi bữa anh ăn được hai chén cơm. Chân anh không còn sưng tấy như lúc mới về. Anh cũng có thể chống nạng đi loanh quanh trong sân nhà được vài bước. Nhưng tiền đâu để tiếp tục lo cho anh trong thời gian dài? Tiền đâu để phẫu thuật và làm sao để anh nhập lại hộ khẩu, có được thẻ bảo hiểm y tế… là những câu hỏi đang ngày đêm đè nặng trong lòng bà Xinh.

Ngoài ra, ở nghĩa địa Trường Ðông, hiện vẫn còn nấm mồ mang tên, hình của anh Mỹ, nhưng không biết người nằm dưới mộ thực sự là ai.  Gia đình của nạn nhân này có biết người thân của mình đã được chôn cất tại đây, hay vẫn còn mải miết đi tìm trong tuyệt vọng!?

Ðại Dương- Ðức An

Tin cùng chuyên mục