Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bài dự thi phóng sự - ký sự
Chuyện người đàn ông hơn 30 năm vớt xác
Thứ hai: 05:35 ngày 18/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ở xóm Bến Phà, gần cầu Gò Dầu thuộc khu phố 1, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu ai cũng biết nhà ông Mèo- người đàn ông đã có hơn 30 năm làm cái việc mò vớt xác người chết đuối.

Nói là nhà cho sang, chứ thật ra đó là một căn lều nằm trên sông đã cũ kỹ, rách nát phải chắp vá đủ thứ. Đó là nơi gia đình ông Mèo trú ngụ mấy chục năm trước khi dời về ở tại khu phố 3, thị trấn Gò Dầu hơn 5 năm gần đây.

Ông Nguyễn Văn Mèo.

Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Văn Mèo, năm nay 52 tuổi, quê ở xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông Mèo cùng gia đình về sinh sống tại thị trấn Gò Dầu. Gia cảnh nghèo khó, nên ông Mèo không được học hành bao nhiêu. Năm 1985, ông lập gia đình cùng bà Bùi Thị Phụng, người Gò Dầu. Hai vợ chồng ra ở riêng, sinh sống bằng nghề làm thuê, làm mướn tại khu dân cư xóm Bến Phà.

Nhiều người dân quanh đó cho biết, bất kể ngày hay đêm, khi hay tin có người nhảy cầu Gò Dầu tự tử hoặc sảy chân té giếng, té ao là ông Mèo có mặt để ra tay cứu vớt. Khi trò chuyện mới biết người đàn ông có nước da sạm màu nắng gió, nét mặt in đậm dấu ấn thời gian ấy tính tình rất vui vẻ, nói năng thật thà, hiền hậu. Công việc kiếm sống hằng ngày của ông Mèo chủ yếu là phụ hồ, ngoài ra, ai mướn gì làm nấy.

Nhà cặp bờ sông Vàm Cỏ Đông, gia đình ông cũng nuôi cá bè trên sông để tăng thu nhập. Những năm gần đây, do giá cá bấp bênh và nguồn nước thường bị ô nhiễm, nên đến thời điểm thu hoạch, cá không lớn lại còn bị thất thoát rất nhiều, gây thua lỗ.

Hơn nửa đời người sống với nghề sông nước, không biết từ lúc nào ông gắn đời mình với công việc mò, vớt xác người trên sông rạch. Khi hay tin có người bị nạn dưới nước, dù gần dù xa  ông cũng nổ máy chiếc ghe nhà phóng đến thật nhanh với hy vọng còn kịp cứu vớt ai đó, cho họ còn có hội sống sót trở về với gia đình hoặc ít ra không để người chết phải dầm mình quá lâu dưới dòng nước lạnh lẽo.

  Lần đầu tiên ông vớt xác người là vào khoảng cuối năm 1985. Nhớ lại, ông vẫn còn cảm giác rùng mình khi tiếp cận một xác chết trôi trên sông Vàm Cỏ, thi thể đã bắt đầu phân huỷ, bốc mùi, trắng bệch lập lờ trong làn nước.

Lúc đó, ông phải ráng hết sức cả hồi lâu mới đưa được cái xác ấy vào bờ, rồi đi báo với chính quyền địa phương để phát thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cho gia đình người xấu số biết mà tìm đến, đưa người thân về an táng.

Lần đầu tiên vớt xác, đêm về ông không khỏi bị ám ảnh bởi cảnh tượng đã chứng kiến, chuyện ấy kéo dài trong nhiều ngày. Nhưng những lần về sau, ông gần như... quen cảm giác, một phần do ông tự trấn an mình: nạn nhân cũng là người như mình mà thôi, nên chẳng có gì để sợ hãi.

Vì lòng thương người, không nỡ để người đã khuất trong tình cảnh lạnh giá, những lần vớt xác sau này, ông Mèo cố gắng thao tác nhanh nhẹn, mạnh dạn hơn. Có lần một người ở Gò Dầu chẳng may sảy chân rơi xuống giếng sâu hơn 8m, gia đình nạn nhân chạy đến cầu xin ông vớt xác giúp.

Biết là nguy hiểm nhưng nhìn gương mặt khẩn cầu của họ, ông không chịu nổi nên liền nhận lời. Ông dùng sợi dây thừng cùng với chiếc gậy tre lặn hụp hồi lâu dưới cái giếng sâu, mới vớt được thi thể nạn nhân xấu số. Khi lên đến mặt giếng ông mới biết là mình còn sống.

Làm công việc nguy hiểm này, nếu không kinh nghiệm cộng với chút may mắn thì có thể mất mạng như chơi, vì lòng giếng rất hẹp, không thuận lợi cho việc tiếp cận thi thể nạn nhân chút nào, huống chi còn phải vớt đem lên.   

Trong nhiều năm, ông Mèo vớt rất nhiều xác người nhảy cầu. Ban đêm chỉ cần nghe có tiếng “ầm” lớn ở khu vực cầu, là ông biết chắc có người vừa tự tử. Còn ban ngày, khi có người nhảy cầu, không chỉ có tiếng động lớn mà còn vang dội tiếng kêu la của những người gần đó.

Ngay lập tức, ông điều khiển ghe máy phóng thẳng đến nơi. Những trường hợp như thế, thường là không cứu được tính mạng, chỉ vớt được xác người, vì khoảng cách từ thanh cầu xuống mực nước rất cao.

Nhiều năm mò vớt xác chết như vậy, ông Mèo cũng có khá nhiều kinh nghiệm và tương đối thuần thục trong công việc này. Thông thường người chết dưới sông nước, sau khoảng 6 đến 12 tiếng đồng hồ sẽ tự nổi lên; khi đó, ông chỉ cần đưa ghe đón theo chiều dòng nước chảy dưới ngọn gió, cách điểm người chết khoảng vài chục, cũng có khi đến vài trăm mét, tuỳ theo nước chảy mạnh hay yếu sẽ phát hiện được xác.

Từ trước đến nay, đối với những người chết do nhảy cầu Gò Dầu, ông không bỏ sót thi thể nào. Kể cả những nạn nhân chết sông rạch, ao, đìa hoặc giếng sâu ở nơi khác như Trảng Bàng, Bến Cầu... ông cũng sẵn sàng ra tay nghĩa hiệp. Có những xác chết trôi bị vướng chỗ cây cối, gai góc um tùm, ông phải dùng lưỡi liềm hoặc dao rựa rong phát cho sạch sẽ, quang quẽ mới đưa được vào bờ. 

Trong hơn 30 năm qua, ông Mèo đã vớt được hàng chục thi thể người chết dưới sông nước ở khắp nơi, bao gồm các trường hợp tự tử lẫn tai nạn do bất cẩn. Ông tâm sự, chuyện vớt xác trên sông cũng lắm vui buồn lẫn lộn. Cách nay hơn 2 năm, ông có vớt một lượt hai thi thể của hai cha con nhà nọ ở Lộc Giang, huyện Đức Hoà (Long An).

Tai nạn xảy ra khi người cha bị trượt chân té xuống ao sâu; cậu con trai thấy vậy nhảy xuống ao để cứu cha, thế là cùng mắc nạn. Nghe tin báo, ông đến nơi nhưng không kịp cứu sống nạn nhân, vì từ nhà ông đến nơi phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ.

Sau khi xác người chết được vớt lên, gia đình nạn nhân gửi tiền bồi dưỡng nhưng ông không nhận. Mặc dù vậy, thấy ông nhọc nhằn, bà con láng giềng vẫn cố gom góp tiền dúi vào túi áo ông.

Cũng trong năm ấy, ông Mèo có vớt xác một phụ nữ trẻ, quê xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng. Cô gái này tự tìm cái chết bằng cách nhảy cầu. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ lặn hụp dưới sông, ông vớt được thi thể cô gái với nguyên vẹn sợi dây chuyền vàng khá to trên cổ và những chiếc lắc vàng sáng chói ở cổ tay, giao lại cho gia đình nạn nhân.

Cách đây không lâu, ông cũng vớt xác một nam thanh niên là công nhân trên một sà lan chở cát, bị té sông vào ban đêm, đoạn qua rạch Vàm Bảo, thuộc phận xã Long Chữ, huyện Bến Cầu. Lần này, ông Mèo phải lặn hụp ở độ sâu hơn 15m dưới sông mới vớt được.

Ông cũng từng nhiều lần mò, vớt xác người chết ở tận Campuchia. Năm 1986, nạn nhân là một cô gái Campuchia khoảng 18 tuổi bị sảy chân té xuống giếng hoang, mực nước chỉ hơn 2m, còn lại hơn 6m là khoảng trống. Đây là tình huống rất nguy hiểm, vì giếng sâu, mùa khô cạn, đáy giếng thiếu không khí.

Tuy vậy, ông vẫn cố gắng trong việc giúp người. Ông dùng sợi dây thừng nhỏ, chuyên dùng để vớt xác cột vào người mình, chừa lại một đoạn dây khoảng 2m, khi xuống tới đáy nước thì dùng chân kẹp thi thể nạn nhân để kéo lên mặt nước, đoạn dùng đoạn dây chừa lại cột vào thi thể nạn nhân.

Tình thế nguy hiểm xảy ra khi ông thấy mình sắp sửa ngạt thở, ông liền nhanh tháo khớp dây cột trong người, phăng theo dây thừng thoát nhanh lên khỏi mặt giếng. Việc tiếp theo là kéo thi thể nạn nhân lên.

Giờ đây, nhiều người dân quanh vùng, kể cả những người mua bán ve chai, bán vé số dạo cũng biết số điện thoại của ông Mèo; để khi nghe tin có ai đó chết trên sông rạch là họ gọi điện báo cho ông biết. Những người cần ông giúp không chỉ tại địa phương, mà còn có cả những người ở các nơi khác như Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh vv...vv...

Với những xác chết mà gia đình chưa đến kịp, ông làm luôn cái việc trông giữ thi thể cho đến khi người nhà nạn nhân có mặt mới về nhà. Có người do quá đau đớn, bối rối trước cái chết của người thân, quên cả một lời cảm ơn hay chào từ giã người đã trợ giúp mình, ông cũng không phiền hà gì.

Ông Mèo kể: gần 10 năm trước, ông có vớt xác 2 người là nam giới, khoảng 45 tuổi, bị đuối nước trên sông Vàm Cỏ Đông, thuộc địa phận huyện Gò Dầu.

Hai thi thể không có thân nhân tìm đến, nhìn nhận, nên ông cùng đội mai táng địa phương lo luôn việc tẩn liệm và chôn cất họ tại nghĩa địa ấp Tầm Lanh, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu. Từ ấy, cứ vào những dịp tết nhất, ông lại đến thắp hương cho hai ngôi mộ vô chủ, mong cho hương hồn họ được ấm cúng... 

THUỲ DUNG

Tin cùng chuyên mục