Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục:
Chuyển quản lý hành chính sang quản lý chất lượng
Thứ tư: 03:45 ngày 17/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chú trọng đổi mới hình thức dạy học, đa dạng hoá hình thức dạy học trên lớp và ở nhà như dạy theo chủ đề, tổ chức cho người học trải nghiệm thực tế, qua đó rèn luyện kỹ năng tự học.

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho học viên, sinh viên Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh. Ảnh: Thế Anh

Năm học 2018-2019 là năm thứ 5 ngành Giáo dục triển khai Nghị quyết 29 của Trung ương Ðảng về “Ðổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Ðầu tháng 10.2018, đoàn lãnh đạo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có đợt giám sát xung quanh việc thực hiện Nghị quyết 29 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (như Báo Tây Ninh đã đưa tin). Trong đợt này, đoàn giám sát đã có những buổi làm việc tại một số cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp của tỉnh.

Tại Trường THCS Trần Hưng Ðạo (TP. Tây Ninh), thành viên đoàn giám sát nêu một số vấn đề về giáo dục phổ thông. Cụ thể là, cán bộ quản lý hiểu thế nào là đổi mới căn bản và toàn diện ngành Giáo dục? Báo cáo của nhà trường cho rằng hướng nghiệp cho học sinh phổ thông thành công, vậy cơ sở nào để chứng minh nhận định đó? Nhà trường nói đã giảm được áp lực cho học sinh, vậy cụ thể là giảm như thế nào? Báo cáo nói ứng dụng phương pháp dạy học kiểu mới, vậy thế nào là phương pháp kiểu mới? Thành viên đoàn giám sát còn đề nghị lãnh đạo nhà trường cho biết tình hình thừa thiếu giáo viên cũng như chính sách tinh giản biên chế…

Theo giải trình của lãnh đạo Trường THCS Trần Hưng Ðạo, đổi mới phương pháp dạy học là lấy người học làm trung tâm và dạy học theo kiến thức liên môn. Lãnh đạo nhà trường cho rằng, khâu kiểm tra đánh giá không hề gây áp lực cho học sinh. Tại Trường THCS Trần Hưng Ðạo, môn tự chọn là về thể thao và dã ngoại.

Tại Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh, ông Nguyễn Hoài Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tình hình tuyển sinh của nhà trường khả quan, nguồn tuyển dồi dào. Trong 5 năm qua, nhà trường tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung về đổi mới giáo dục. Công tác xây dựng Ðảng trong nhà trường luôn được cấp uỷ, chi bộ quan tâm, trong đó, việc giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ, giáo viên được chú trọng đúng mức.

Cuối tháng 9 vừa qua, tỷ lệ đảng viên của trường đạt hơn 26% tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên. Từ khi triển khai Nghị quyết 29 đến nay, nhà trường thực hiện nguyên tắc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên. Thời gian qua, nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống đối với người học.

Từ khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, trường đã điều chỉnh nội dung, chương trình dạy học để phù hợp với luật. Công tác kiểm tra, đánh giá học lực của học sinh, sinh viên được thực hiện khách quan, công bằng, không để xảy ra chuyện tiêu cực trong thi cử. Trong lĩnh vực chuyên môn thuần tuý, lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo các phòng, khoa, bộ môn thực hiện dạy học theo hướng tinh giản, chắt lọc kiến thức cơ bản trên tinh thần giảm tải.

Giáo viên thường xuyên cập nhật kiến thức mới, hiện đại để đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực của người học. Trong đó, chú trọng đổi mới hình thức dạy học, đa dạng hoá hình thức dạy học trên lớp và ở nhà như dạy theo chủ đề, tổ chức cho người học trải nghiệm thực tế, qua đó rèn luyện kỹ năng tự học. Số liệu thống kê hằng năm cho thấy, chất lượng đào tạo không ngừng cải thiện, tỷ lệ học sinh có học lực yếu kém giảm đáng kể trong khi học sinh khá, giỏi tăng.

Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, lãnh đạo Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh cho rằng, dù có nhiều chuyển biến nhưng những hạn chế, yếu kém chưa phải đã hết. Cụ thể, nhà trường vẫn chưa có giải pháp mang tính đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; một số giáo viên lớn tuổi nên việc ứng dụng công nghệ thông tin có phần hạn chế; tuy có giảm nhưng tỷ lệ học sinh, sinh viên bỏ học vẫn còn cao.

Thành viên đoàn giám sát đã trao đổi với lãnh đạo nhà trường nhiều vấn đề liên quan đến đào tạo nghề. Trong đó có mấy vấn đề đáng chú ý: liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong đào tạo; làm thế nào để trường nghề thu hút học sinh; tỷ lệ người học ra trường có việc làm; trình độ ngoại ngữ của giáo viên… Theo lãnh đạo nhà trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, như tên gọi, là nơi có nhiệm vụ đào tạo nghề chuyên nghiệp, do đó, cần có đội ngũ giáo viên có chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Theo xu hướng chung, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục trong phạm vi quản lý.

Lãnh đạo nhà trường cho rằng, để thu hút được giáo viên có trình độ cao về dạy ở trường nghề, không nên phân biệt người đó trong hay ngoài biên chế. Tình hình cho thấy, số lượng học sinh Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh tăng nhưng biên chế không tăng, trong khi theo tinh thần Nghị quyết 19 năm 2017 của Trung ương Ðảng, thì không thực hiện hợp đồng với những vị trí làm công tác chuyên môn.

Hiện nhà trường có 66 lớp học với hơn 2.000 học sinh, sinh viên thuộc nhiều ngành nghề khác nhau nhưng chỉ có 97 giáo viên. Khác với nhiều cơ sở dạy nghề khác, Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh không lo chuyện tuyển thiếu chỉ tiêu, thậm chí ngược lại. Trong số hàng chục ngành nghề, sửa ô tô và điện công nghiệp có sức thu hút người học đặc biệt cao. Liên quan đến tỷ lệ sinh viên có việc làm, lãnh đạo nhà trường cho biết, khoảng 95% người học có việc làm sau tốt nghiệp.

Theo trưởng đoàn giám sát- bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh là một trong số ít trường nghề nghề hoạt động có hiệu quả, xét trong phạm vi cả nước chứ không chỉ ở địa phương.

Trong buổi hội thảo về công tác đào tạo nghề do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hôm 12.10 vừa qua, đại diện Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh thông tin thêm, trong 2 năm học 2016-2017 và 2017-2018, công tác tuyển sinh đều vượt chỉ tiêu do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp giao. Cụ thể, trong năm học 2016-2017, nhà trường tuyển được 1.004 học sinh, sinh viên (kế hoạch tuyển 725), đạt 139%; năm học 2017-2018 tuyển được 1.018 học sinh, sinh viên (kế hoạch tuyển 725), đạt 140%.

Ðể đạt được kết quả trên, nhà trường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chủ động liên hệ các trường phổ thông, phương tiện thông tin đại chúng  để tuyên truyền, thông tin và tư vấn tuyển sinh. Nhà trường kết hợp trường phổ thông tổ chức tư vấn và giới thiệu các nghề đào tạo của nhà trường, đón học sinh phổ thông đến tham quan cơ sở vật chất. Một trong những thế mạnh của nhà trường chính là có mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, học sinh, sinh viên có điều kiện thực tập tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ðây là giải pháp giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên ra trường.

Nhà trường kết hợp với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các garage sửa chữa ô tô như Toyota Hùng Vương, Toyota Lý Thường Kiệt, Công ty Can Sports Việt Nam Tây Ninh, Công ty Scan com Việt Nam Bình Dương, Khu công nghiệp Trảng Bàng, Khu công nghiệp Phước Ðông, Công ty An Hạ Long An, Công ty cơ khí Tây Ninh, Công ty TNHH nội thất gỗ Phú Ðỉnh xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, Công ty TNHH Sailun Việt Nam Khu công nghiệp Phước Ðông để người học có cơ hội tìm hiểu, tìm việc làm...

Vào tháng 5 hằng năm, nhà trường cử cán bộ, giáo viên đi tham quan và đưa học sinh, sinh viên đi thực tập, sau đó, các doanh nghiệp này tiếp nhận học sinh, sinh viên ra trường. Cách làm đó đã thu hút tất cả học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường đi thực tập tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tháng 6 hằng năm, nhà trường làm lễ phát bằng tốt nghiệp và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên ra trường và mời hơn 30 công ty, nhà máy, xí nghiệp, trung tâm… trong và ngoài tỉnh tham dự để tư vấn và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên, ở tất cả các ngành nghề.

Trang web của nhà trường được cập nhật thường xuyên thông tin tuyển dụng các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ cho học sinh, sinh viên bảo đảm có việc làm ngay sau đào tạo. Từ đó khuyến khích, động viên tinh thần học tập, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên có thể yêu và gắn bó với nghề ngay từ khi đang học. Số lượng học sinh, sinh viên ra trường hằng năm chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu tuyển dụng của các nhà doanh nghiệp.

Học viên lớp kế toán Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh trong giờ học.

Nghị quyết 29 của Trung ương Ðảng về đổi mới giáo dục, hội nhập quốc tế là hết sức đúng đắn, kịp thời. Nhưng, việc triển khai nghị quyết hiệu quả đến đâu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ chính sách dành cho giáo dục, nội dung, phương pháp dạy học và đặc biệt là nhân tố con người. Với giáo dục phổ thông, chuyển biến trong hoạt động dạy và học là có nhưng chưa thật sự rõ nét. Bậc học này vẫn đang thiên về dạy học theo lối truyền thụ kiến thức, một chiều.

Tuy nhiên, để thay đổi được điều này không đơn giản, vì những giáo viên thật sự có trình độ, có tâm huyết, muốn thay đổi phương pháp, cách thức dạy học cũng không phải dễ. Theo tinh thần mới, công tác quản lý trong nhà trường phải chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý chất lượng giáo dục. Không phải tự nhiên lại có yêu cầu như vậy, vì những người trong ngành đều biết, nhiều thập niên qua (và cho đến hôm nay), nền giáo dục nước ta đã và đang bị hành chính hoá hết sức nặng nề.

Ðối với giáo dục nghề nghiệp, trong khi nhiều trường dạy nghề cả trong và ngoài tỉnh đang đói nguồn tuyển, có trường thậm chí phải đóng cửa vì không có người học thì Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh lại đang “quá tải” về số người học. Sự thành công ấy (ít nhất đến hôm nay), không chỉ là do chính sách, vì chính sách là chính sách chung. “Cán bộ nào phong trào đó”, thành hay bại được quyết định bởi nhân tố con người.

VIỆT ÐÔNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục