Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện thời sự: Chút tâm tư chưa được bày tỏ
Thứ hai: 05:11 ngày 18/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Anh em chỉ mong được hưởng chế độ như đồng đội TNXP bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh biên giới Tây Nam, nghĩa là được hưởng chế độ trợ cấp một lần và được cấp bảo hiểm y tế

- A lô, chào ông Bàn Dân, từ hôm thứ sáu, 15.12 đi họp với ông ở tỉnh về tới giờ, tôi cứ day dứt mãi vì có chút tâm tư anh em đồng đội ở địa phương gửi gắm mà tôi chưa bày tỏ được…

- À, ông nói đến cuộc gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo tỉnh đó hả, chắc ông có điều “lăn tăn” chưa nói ra được nên gọi điện thoại định “xả-trét” với Bàn Dân chứ gì?

- Vâng, nghe tôi được đi họp ở tỉnh, anh em hội viên cựu Thanh niên xung phong (TNXP) thời xây dựng công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng mong muốn tôi sẽ nói lên được tâm tư nguyện vọng của mình với lãnh đạo tỉnh. Tôi cũng muốn nói nhưng còn ngần ngại vì đã có đại diện của Tỉnh hội phát biểu rồi nên…

- Chắc là ông sợ phát biểu trùng lặp ý kiến của cán bộ Hội cấp tỉnh chứ gì?

- Không phải vậy đâu, đại diện Tỉnh hội nói đến các đồng đội TNXP kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc, còn tôi muốn nói về chuyện trăn trở của anh em cựu TNXP xây dựng kinh tế, đâu có trùng lặp.

-Vậy là ý ông muốn nói là cựu TNXP các thời kỳ khác nhau đều cùng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là bảo vệ và xây dựng đất nước, nhưng một bên thì đã có chính sách, chế độ đãi ngộ, còn môt bên thì… chưa, có phải vậy không?

-Y vậy đó.

-Việc này thì Bàn Dân nghĩ… có lẽ do thời kỳ xây dựng công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng toàn tỉnh cùng ra công trường, người đông quá mà làm sao đãi ngộ cho hết.

-Đúng là dạo ấy gần như trên toàn tỉnh bất cứ ai trong độ tuổi lao động mỗi năm đều phải thực hiện 10-15 ngày nghĩa vụ lao động trên công trường. Nhưng với đội ngũ TNXP thì có khác ông ơi!

-Khác chỗ nào?

-Ông nhớ lại đi, sau ngày khởi công 29.4.1981 thì suốt mùa thi công năm ấy toàn công trường tỉnh chỉ đào đắp được có sáu, bảy chục ngàn mét khối đất, trong khi khối lượng phải thực hiện để hoàn thành công trường thuỷ lợi trải rộng khắp tỉnh lên tới sáu, bảy chục triệu mét khối đất đào, đắp. Cứ theo tiến độ như thế thì biết đến bao giờ công trình mới làm xong để mà tưới mát đồng xanh không chỉ cho tỉnh mình mà còn đến các tỉnh, thành lân cận?! Đồng thời, xây dựng thuỷ lợi không chỉ có đào kênh đất, mà còn phải xây đúc các công trình trên kênh như cống đầu kênh, cầu qua đường, cửa van điều tiết nước, tràn xả nước lớn nhỏ… để vận hành cung cấp nước trên toàn vùng tưới hàng trăm ngàn héc-ta cây trồng.

Mà loại công trình trên kênh này phải làm bằng bê-tông, lắp đặt thiết bị cơ khí, đòi hỏi người lao động phải có kỹ thuật, làm đúng quy trình, làm liên tục trong thời gian dài, chứ không thể làm theo từng đợt lao động công ích. Vì thế lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ đã phải “vắt óc” suy nghĩ làm sao để huy động tổng lực toàn tỉnh, đồng thời phải có lực lượng lao động có tính chuyên nghiệp mới có thể thực hiện xây dựng công trình đúng tiến độ thời gian và bảo đảm chất lượng kỹ thuật công trình.

Từ đó, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh có sáng kiến tổ chức “Đại hội Tuổi trẻ trên công trường thanh niên cộng sản” vào đầu mùa khô năm 1982. Tại Đại hội, lãnh đạo tỉnh giao cho từng địa phương chỉ tiêu cụ thể về khối lượng đào đắp đất và số lượng công trình bê tông trên kênh. Về đào đắp thì huy động toàn dân làm lao động công ích nhiều đợt, về xây đúc bê tông các công trình trên kênh thì phải tổ chức đội ngũ lao động có tính chuyên nghiệp, liên tục dài ngày trên công trường.

Từ Đại hội trên mới có các “Liên đội Thanh niên tình nguyện xây dựng quê hương” ra đời ở các huyện và Tỉnh đoàn thanh niên. Đã gọi là “thanh niên tình nguyện” thì tất cả anh em dù lao động một năm, hai năm hay suốt cả thời gian xây dựng công trình đều thực hiện theo nghĩa vụ lao động công ích, nghĩa là… làm việc không lương. Thực tế các liên đội huyện, cũng như liên đội của Tỉnh đoàn đều duy trì hoạt động từ 3 đến 5 năm, có Liên đội hoạt động đến 7, 8 năm vì sau khi công trình thuỷ lợi hoàn thành, các địa phương vẫn còn phải tiếp tục xây dựng mạng lưới kênh nội đồng mới có thể phát huy tác dụng thuỷ lợi ở các vùng tưới.

Thế đấy, anh em cựu TNXP xây dựng kinh tế ở tỉnh mình đã có một thời cống hiến công sức “xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội” đáng tự hào như thế. Hơn 40 năm đã trôi qua, những người trẻ tuổi đôi mươi ngày nào, nay tất cả đã trở thành người cao tuổi, không còn ai trong độ tuổi lao động, sức khoẻ đã giảm sút nhiều. Anh em chỉ mong được hưởng chế độ như đồng đội TNXP bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh biên giới Tây Nam, nghĩa là được hưởng chế độ trợ cấp một lần và được cấp bảo hiểm y tế. Nhưng có lẽ tại vì anh em chưa phải là đối tượng chính sách, chưa phải là người có công nên…

-Ai nói với ông là chưa? Chẳng phải là cựu TNXP xây dựng kinh tế đã được Bộ Nội vụ công nhận phiên hiệu đơn vị, đã được Trung ương Đoàn cấp kỷ niệm chương TNXP rồi đó sao? Ông yên tâm đi, Bàn Dân nghĩ trước sau gì Nhà nước, xã hội cũng không quên những người đã một thời cống hiến cho đất nước, quê hương. Nhất là hiệu quả của sự cống hiến công sức ấy đã đem lại biết bao lợi ích cho tỉnh trong 40 năm qua và sẽ còn tiếp nối lâu dài nữa.        

  Bàn Dân

 

 

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh