Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện thời sự Lương tăng, liệu giá có tăng theo ?
Chủ nhật: 23:19 ngày 02/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại kỳ họp cuối năm ngoái Quốc hội đã quyết nghị tăng mức lương cơ sở lên tương đương 20,8 phần trăm từ ngày 1.7.2023

-Vậy là bắt đầu từ tuần này, tháng này, lương cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang tăng lên cũng đỡ rồi ông hả!

-Vâng, tại kỳ họp cuối năm ngoái Quốc hội đã quyết nghị tăng mức lương cơ sở lên tương đương 20,8 phần trăm từ ngày 1.7 này. Về lương hưu đối với 9 nhóm đối tượng thụ hưởng cũng tăng từ 12,5 phần trăm tới 20,8 phần trăm theo Nghị định mới đây của Thủ tướng Chính phủ.

-Lương tăng ắt là người làm công ăn lương rất mừng, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy lo lo thế nào ấy ông ạ!

-Lo gì, ông lại lo sợ lương tăng, giá cả cũng tăng theo chứ gì?!

-Chắc ông cũng sợ vậy nên tôi vừa nói ra là ông biết liền!

- Về chuyện này, mấy hôm nay người ta bàn tán nhiều lắm, trong quán xá, ngoài chợ búa, trên báo chí, truyền thông đều có nói tới. Cho nên Bàn Dân không thể nào không quan tâm theo dõi, trong buổi toạ đàm về đề tài “Số liệu thống kê và truyền thông chính sách” do Tổng cục Thống kê tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia về kinh tế, tài chính, thống kê, kế hoạch và đại diện báo chí, truyền thông ở Trung ương, có phóng viên đã đặt câu hỏi: “Tổng cục Thống kê nói gì về nguy cơ giá hàng hoá tăng theo lương cơ sở?”.

Một vị chuyên gia về thống kê giá trả lời cho biết: “Việc tăng lương và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có tác động lẫn nhau”. Vị này lý giải, lương tăng - đời sống người dân tăng, nhu cầu tăng lên, dẫn đến sự thay đổi quan hệ cung - cầu, kéo theo biến động giá hàng hoá tiêu dùng.

Qua các đợt tăng lương cơ sở, ngành Thống kê quan sát nhận thấy giá hàng hoá tiêu dùng có tăng, nhất là nhóm hàng thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của người dân không cao, nguồn cung hàng hoá bảo đảm tốt, việc tăng lương kéo theo giá cả hàng hoá tăng nhưng không đột biến. Chuyên gia khẳng định: “Tôi tin rằng không xảy ra tình trạng giá cả, hàng hoá dịch vụ tăng quá cao”.

Mặc dù chuyên gia của ngành chức năng nói vậy, nhưng về phía các nhà báo có vẻ chưa thoả mãn, thậm chí có phóng viên nghi ngờ con số CPI không phản ánh thực tế, dù giá cả tăng nhưng con số vẫn “đẹp như mơ”. Đáp lại, vị chuyên gia thống kê giá nhấn mạnh: “Đối với người làm thống kê không có con số đẹp hay xấu, chỉ có con số phản ánh trung thực hay không”, rồi vị ấy bộc bạch: “Người làm thống kê hiểu rất rõ, cố tình bóp méo số liệu là có tội với nhân dân, bởi con số thống kê sẽ ảnh hưởng đến quyết sách kinh tế xã hội”.

Tuy nhiên “con số thống kê, nhất là số ước tính không thể chính xác đến từng đồng mà phản ánh xu hướng (tăng hay giảm-BD)”. Và để minh định, số liệu thống kê không phải không phản ánh thực tế, vị chuyên gia cho hay: “Hiện nay tổng số hàng hoá tiêu dùng trong “rổ hàng hoá” ở nước ta là 752 mặt hàng (ngoại trừ vàng, USD). Căn cứ “rổ hàng hoá” này, ngành Thống kê xây dựng danh mục hàng hoá cho từng địa phương và mạng lưới điều tra.

Hằng tháng, 63 địa phương với hơn 2.000 điều tra viên sẽ tiến hành điều tra ở hơn 40.000 điểm điều tra. Việc điều tra được thực hiện bằng ứng dụng điện tử trên điện thoại thông minh, gọi là điều tra bằng công nghệ CAPI, việc này được thực hiện mỗi tháng 3 lần. Mỗi lần như thế, khi có kết quả điều tra ngành Thống kê sẽ tính chỉ số giá tiêu dùng của từng nhóm hàng, mặt hàng trong cả “rổ hàng hoá” ấy.

Về giải pháp hạn chế tình trạng giá hàng hoá tăng theo lương, Tổng cục Thống kê khuyến nghị, các bộ ngành, địa phương cần chuẩn bị hàng hoá, dịch vụ thiết yếu bảo đảm nhu cầu người dân; cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, sử dụng vật liệu trong nước thay nguồn nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực lên giá tiêu dùng; kiểm soát việc niêm yết giá hàng hoá; đẩy mạnh bình ổn giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống găm hàng...

-Với cách làm khoa học, sâu sát thực tế như vậy, hy vọng nhận xét của người có trách nhiệm của cơ quan chức năng là đúng: “Sẽ không xảy ra tình trạng giá cả, hàng hoá dịch vụ tăng quá cao” sau đợt tăng lương kỳ này ông hả!

-Đúng vậy. Thế nhưng các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước vẫn còn có một “câu thòng” về chuyện giá cả sẽ tăng hay không đấy ông ạ.

-Họ còn nói gì?

-Chuyên gia nói, đối với chỉ số giá tiêu dùng, ngoài tác động có thể có từ tăng lương “có thể EVN sẽ tiếp tục xin điều chỉnh giá điện lần thứ hai trong năm nay. Nếu điều này được thực hiện sẽ tác động lên CPI, cùng với đó, giá thực phẩm tăng vào cuối năm (dịp tết- BD) cũng sẽ ảnh hưởng tới lạm phát”.

-Chậc, việc này đáng ngại thật chứ, nhưng qua động thái của cấp có thẩm quyền làm việc với ngành Điện thời gian gần đây, nhất là trong và sau kỳ họp Quốc hội, hy vọng điện sẽ không còn thiếu và EVN không còn cái cớ nào để xin tăng giá lần nữa.

Bàn Dân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh