Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện tình không biên giới
Thứ bảy: 05:35 ngày 23/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giữa núi rừng biên giới có một chuyện tình đẹp được đơm hoa kết trái. Mối tình giản dị của họ đã tô điểm thêm sự đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

Những lúc rảnh rỗi, anh Lợi thường đọc báo và kể cho chị Dơm nghe về các thông tin trong và ngoài tỉnh, hoặc cho chị nghe về những chuyến đi của anh khi còn ở nước bạn Campuchia.

Giản dị như tình yêu

Hiện giờ, về vật chất họ còn nghèo lắm. Bởi sức khoẻ anh yếu do bị thương từ thời là bộ đội thực hiện nghĩa vụ quốc tế Campuchia.

Còn chị một chữ bẻ đôi không biết, lại không giấy tờ, không quốc tịch (như báo Tây Ninh ngày 13.9.2017 từng phản ánh). Căn nhà anh chị đang sống chỉ vỏn vẹn 30m2, được lợp bằng lá, nằm xiêu vẹo giữa cánh đồng bạt ngàn.

Bốn xung quanh là những tấm ván, tôn, fibro xi-măng, nền thì là nền đất... Phía trên nóc là những tấm tôn đã gỉ sét, lốm đốm những tia nắng lọt vào, như chấm thêm “gam màu sáng” trong căn nhà vốn dĩ đã được “thiết kế” tối tăm.

Trong nhà, trừ các vật dụng cần thiết, hầu như không có gì quý giá hơn chiếc tivi cũ kỹ, chiếc điện thoại bàn để liên lạc và một chiếc giường gỗ xập xệ. Mỗi khi khách đến nhà đều được “tiếp đãi” dưới bóng cây xoài ngoài sân. Nhưng đằng sau cái nghèo, đằng sau sự ốm yếu bệnh tật, là câu chuyện tình đầy cảm động.

Chuyện tình của anh chị xuất phát từ sự chân thành của anh bộ đội đi thi hành nghĩa vụ quân sự và cô gái Khmer mộc mạc, hiền lành trên chiến trường Campuchia từ những năm 1986.

Tên thường gọi của anh là Út Một, tên thật là Huỳnh Tấn Lợi, quê quán ở Cái Bè (tỉnh Tiền Giang). Sau năm 1975, anh cùng gia đình lên Tây Ninh sinh sống. Đầu năm 1986, Út Một nhập ngũ.

Qua 3 tháng huấn luyện tại quân trường Phú Giáo, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) thuộc Tiểu đoàn 52, Đại đội 2, anh được điều sang chiến trường Campuchia thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại tỉnh Siem Reap, nhận nhiệm vụ tại bộ B- hoả lực thuộc Mặt trận 479, Đoàn 7750 (Trung đoàn 740 Bộ Tư lệnh 479).

Có một sự kiện xảy ra cho đến bây giờ anh Lợi vẫn chưa quên. Có lần anh đi gài mìn bẫy địch. Trong khi làm nhiệm vụ, bất ngờ mìn phát nổ, anh Lợi bị miểng văng vào khắp người, tay, chân và đầu đều bị thương nặng.Nghe tiếng nổ, đồng đội chạy đến cứu nguy cho anh.

Trong cái rủi có cái may, bởi trong lúc dưỡng thương, có một người con gái đã tận tình chăm sóc cho anh, đó là chị Dơm. Nhớ lại ân tình của người bạn đời, đến giờ anh Lợi vẫn không khỏi bùi ngùi, xúc động: “Lần đó, ai cũng nghĩ tôi không thể qua khỏi. May nhờ có cô ấy, tôi mới sống đến ngày hôm nay”.

Dưới bóng cây xoài, anh bùi ngùi kể: trước khi bị thương, anh đã “để ý” chị Dơm rồi. Trong một lần đánh trận tại phum Bội-Sa-mach (xã Tra-Det, huyện Soc-Ni-Cum, tỉnh Seam Reap) vào năm 1987, anh tình cờ gặp chị Dơm.

Thấy “ưng mắt” nên anh Lợi đánh liều làm quen. Cứ thế tình yêu đến với hai người lúc nào không biết. Lúc đó, chị Mơn Dơm cũng có rất nhiều trai làng muốn tỏ tình, nhưng cũng vì đã “phải lòng” anh bộ đội Việt Nam nên chị từ chối tất cả. Sau một năm, đôi bạn trẻ đã đến với nhau bằng tất cả sự chân thành.

Nhắc lại chuyện hỏi cưới chị Dơm, anh Lợi cười, nói: “Hồi lúc mới quen, tôi luôn hỏi cô ấy có muốn về Việt Nam với tôi không? Cô ấy luôn nói là “muốn”. Ừ, thì về Việt Nam là làm vợ tôi đó. Cô ấy cũng “ừ”. Vậy là chúng tôi cưới nhau”.

Đám cưới của anh Lợi và chị Dơm diễn ra thật giản dị với lời chúc phúc của bạn bè và đồng đội vào năm 1988. Ngày lên xe hoa, cô dâu không vận áo mới, cũng không có hoa cài trên tóc, nhưng nụ cười hạnh phúc của anh chị luôn nở trên môi.

“Thời đó làm gì được như bây giờ. Cứ tự nguyện đến với nhau, có sự chứng kiến của anh chị em, bạn bè, chứ ai đâu mà đòi hỏi đủ thứ!”- chị Dơm vừa nói, vừa cười, giọng lơ lớ khi kể về “đám cưới” mình.

Yêu nhau mấy núi cũng trèo

Nụ cười hạnh phúc của anh chị tưởng chừng như dừng lại vào cuối năm 1988, khi quân tình nguyện Việt Nam rút dần khỏi Campuchia, anh Lợi cũng theo đơn vị lên đường trở về nước.

Trong lúc loạn lạc, mọi người trong phum lần lượt ly tán, chị Dơm đơn độc, một mình, không nơi nương tựa. Không lúc nào quên và thôi xót xa cho người vợ chung thuỷ, người bạn đời đã chia sẻ những đắng cay, ngọt bùi trong suốt thời gian trên đất bạn Campuchia, anh Lợi tìm cách quay trở lại Siem Reap để đưa chị Dơm về Việt Nam sinh sống.

Hồi ức như ùa về trong tâm trí, anh Lợi kể cho chúng tôi nghe vanh vách về những ngày vượt hàng trăm cây số để tìm người vợ của mình: “Đợt chúng tôi rút quân về nước là hồi tháng 12.1988, khi ấy, các lực lượng tàn quân của Khmer Đỏ còn hung hăng lắm, vợ tôi thì lạc mất.

Tôi tìm kiếm mãi không được đành theo đoàn trở về Việt Nam. Lúc đó, tôi luôn tự nhủ, mình phải tìm cho được cô ấy. Một phần sợ cô ấy gặp nguy hiểm, phần lo cho cô ấy không nơi nương tựa, vì gia đình không còn một ai. Trở về nước sau một tháng, tôi quyết tâm sang Siem Reap tìm và đưa cô ấy về nhà mình”.

Cuối cùng, anh đã tìm được chị và đưa về ấp Giồng Cà, xã Bình Minh sinh sống. Nhưng ông trời vẫn thử thách tình cảm của hai vợ chồng. Bởi, từ năm 2012 đến nay, anh thường xuyên bị đau ở đầu.

Những khi thời tiết chuyển mùa, nhất là trời nắng gắt, đầu anh tê buốt, chân tay co giật. Anh lúc tỉnh, khi mê, có lúc, anh trốn chạy thật xa, lang thang vô định. Có khi anh xuống tận quận Thủ Đức, sang tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Đến khi tỉnh lại mới nhờ người gọi điện về nhà.

Xót xa cho chồng, chị Dơm đưa anh đi khám, hết bệnh viện trong tỉnh, rồi tới ngoài tỉnh, các bác sĩ đều chẩn đoán anh Lợi bị “chứng tâm thần, mất trí nhớ”. Từ đó đến nay, anh mất khả năng lao động. Mọi chuyện trong ngoài đều do một mình chị Dơm quán xuyến, kể cả việc lo cho con ăn học.

Đoán biết chúng tôi đang tìm hiểu về cuộc sống của gia đình anh chị, anh Lợi nhìn chúng tôi dò xét, nghi ngại nhưng chỉ một lúc sau lại xởi lởi đậm chất “lính”, anh tự hào kể: “Mẹ cô ấy mất sớm, chỉ còn cha và người anh trai, đứa em gái.

Cha cô ấy thương tôi lắm, có cái gì ngon cũng kêu “để dành cho thằng Lợi”. Còn vợ tôi, từ khi quen biết cho tới lúc sống chung với nhau, chưa bao giờ cô ấy lớn tiếng hay kêu than gì cả. Tôi thấy, con gái Khmer hiền lành, chịu thương, chịu khó lắm!”.

Anh cười rồi bùi ngùi: “Về tới Việt Nam, vì loạn lạc nên cô ấy không kịp mang theo giấy tờ tuỳ thân nào. Tôi đã đặt lại tên cho cô ấy là Mỹ Dơm, cái tên giống tên người Việt Nam dù đã nhiều năm rồi, cô ấy chưa được công nhận là người Việt Nam”. 

Khó mấy cũng chấp nhận

Gia đình chị Dơm có tổng cộng 5 thành viên. Ở cái tuổi 53, gương mặt chị trông già nua khắc khổ. Chị không biết chữ, cả tiếng Việt và Khmer. Sau thời gian dài ở Việt Nam, tiếng Khmer mẹ đẻ chị quên dần, nói lơ lớ, tiếng được, tiếng không.

Hằng ngày, chị và đứa con trai thứ hai mưu sinh từ vài công đất trồng mì do cha mẹ anh Lợi để lại. Thời gian trống, chị tranh thủ nhận giẫy cỏ mì thuê cho người khác.

Sau trận hoả hoạn năm 1992 ở Giồng Cà, tất cả những gì trong nhà đều bị lửa thiêu đốt, cuộc sống gia đình chị càng thiếu trước, hụt sau.

Còn anh Lợi, luôn ân cần, an ủi, động viên chị Dơm, cố gắng làm bờ vai vững chắc cho chị. Vào giờ nghỉ, anh thường đọc báo cho chị nghe về các thông tin trong và ngoài tỉnh, có khi kể cho chị nghe về những chuyến đi của anh lúc còn ở nước bạn Campuchia.

Nhờ vậy, chị Dơm hiểu khá rõ về quê hương thứ hai của mình. Anh Lợi thủ thỉ kể: “Vợ tôi theo tôi về sống trên mảnh đất Tây Ninh này đã gần 30 năm, nhưng chưa lần nào cô ấy có dịp quay trở về thăm gia đình mình bên Campuchia nữa. Tôi chỉ mong một điều duy nhất, vợ tôi được công nhận là người Việt Nam, để được làm ăn sinh sống hợp pháp trên quê hương thứ hai của mình”.

Mặc dù khó khăn, nhưng hạnh phúc đã gõ cửa mối tình xuyên biên giới. Họ có với nhau ba mặt con. Đứa con gái lớn theo chồng về Đồng Tháp, người con trai lớn cũng đã tự tìm cho mình một công việc để có thu nhập riêng.

Hiện tại, anh chị chỉ còn lo cho đứa con gái nhỏ vừa học năm thứ nhất Trường cao đẳng sư phạm Tây Ninh. Nhắc đến chuyện nuôi dạy con ăn học, anh chị mừng lắm! Chị Dơm phấn khởi: “Tôi không biết chữ đã đành, nhưng các con tôi thì không thể. Giờ, tôi còn đứa con gái út nên phải ráng lo cho nó học, để mai mốt còn đi làm như người ta. Không như tôi và anh chị nó, suốt ngày dang nắng thôi!”.

Chia tay tổ ấm của hai người trong mối tình xuyên biên giới, được chứng kiến cuộc sống hạnh phúc của họ sau bao nhiêu năm vượt qua bao khó khăn, gian khổ, hay đạn bom trong chiến tranh ác liệt, nhưng tình yêu của họ vẫn luôn bền vững, và kết cuộc đó là niềm hạnh phúc to lớn cho mỗi cuộc đời.

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục