Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện thời sự
Chuyện từ một bản tin
Thứ năm: 20:08 ngày 24/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tối thứ bảy vừa rồi, tôi theo dõi tin tức thời sự của Ðài, Báo tỉnh nhà trên mạng internet, thấy có đưa tin Bộ Chính trị duyệt nội dung văn kiện, nhân sự Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhà trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới. Ông làm báo, chắc có nắm các nội dung ấy làm ơn nói rõ thêm cho tôi biết với.

- Ông biết theo dõi thông tin qua mạng, muốn nắm rõ thì cứ vô Cổng thông tin điện tử của Tỉnh uỷ mà tìm xem trong chuyên mục Văn kiện Ðại hội Ðảng bộ tỉnh. Chẳng những vậy, ông còn có thể tải văn bản xuống lưu trữ để tham khảo. Ðó là những nội dung công khai minh bạch, đã nhiều lần thông qua và đưa ra lấy ý kiến cán bộ, đảng viên, cả đến nhân dân nữa.

- Tôi biết chứ, nhưng tôi chỉ là dân thường, bận lo mần ăn đầu tắt mặt tối, đâu có thời gian để mà tìm hiểu các thông tin ấy. Nhưng tôi cảm thấy những chuyện quốc kế dân sinh rất cao xa đối với mình. Bởi vậy tôi mới nhờ ông giải thích thêm.

- Thú thiệt, Bàn Dân cũng không hơn gì ông đâu, chẳng qua nghề nghiệp nó buộc mình phải không ngừng cập nhật thông tin. Nhưng cũng chỉ có thể nắm khái quát, chứ còn đi vào chi tiết từng sự kiện, con số thì Bàn Dân cũng chịu, không làm sao nằm lòng được hết đâu…

- Thì bởi… tôi cũng nhờ ông nói khái quát, nói cái chung nhất thôi, chứ đâu có bắt ông “trả bài” đâu mà phải thú thiệt là nằm lòng hay không nằm lòng.

- Vậy thì được. Nhưng ông phải cho phép Bàn Dân “trắc nghiệm” ông chút nghen? Bàn Dân chỉ hỏi ông mấy cái cụ thể, sát sườn, trước mắt thôi. Chẳng hạn như là… mấy năm nay ông có thấy gì thay đổi, khởi sắc hơn trước ở tại nơi ông ở không?

- Ờ, nếu chỉ hỏi vậy thì được. Ðể tôi nói ông nghe. Ðịa phương tôi cư ngụ là một xã “bán thị bán thôn”, mà vốn là “thôn nhiều hơn thị”. Hồi trước thì dân nghèo, người có đời sống khó khăn không ít, nhà dân hầu hết là nhà tranh, lá, một số không nhiều là nhà tôn hoặc nhà ngói vách ván, chỉ có lác đác một ít nhà tường, nhà xây của một vài gia đình khá giả.

Xe cộ để đi lại thì gần như cả xóm không có chiếc ô tô nào, xe máy xe đạp thì ba phần xe máy bảy phần xe đạp, thậm chí có người đi “lô-ca-chưn”. À, có chuyện này nữa, ở ấp kế bên ấp tôi, hai ấp cách nhau một con đường đá xanh, ấp đó là một xóm nhà “toàn lá” cất cheo leo bên mấy cái hầm sạn sâu hoắm chẳng có rào rấp chi hết.

Vậy mà bốn, năm năm nay tôi mới có dịp đi qua đó thì thấy chẳng còn cái hầm sạn nào, nhà tường mọc lên san sát cùng với trường học, nhà sinh hoạt học tập cộng đồng, trạm y tế được xây dựng rất khang trang.

Còn con đường giữa hai ấp nay đã là “đại lộ” rộng rãi, thảm bê tông nhựa phẳng phiu, lại còn có đèn đường sáng choang và mấy chốt đèn xanh đèn đỏ nữa. Mà không chỉ có một con đường phía ấp ấy, cả bốn bề bao quanh ấp tôi đều là các con đường có thể gọi là “đại lộ” như thế.

Trong ấp hoàn toàn không còn con đường đất tối tăm nào, con hẻm nào cũng được “cứng hoá” bằng bê tông hết. Dĩ nhiên là toàn ấp cũng không còn nhà nào “trét vách đất”, mà tất cả đều là nhà xây tường, số nhà xây lầu một, hai tấm chắc cũng không thua số nhà trệt.

Về đi lại thì xe đạp chỉ còn trong “sách đỏ”, “xe máy nghĩa địa” cũng mất dạng lâu rồi. Giờ thì hầu hết là xe tay ga, xe ô tô con cũng không còn là “của hiếm”. Bởi vậy từ hồi tết đến nay, ấp tôi không còn là ấp nữa mà được gọi là khu phố, còn cấp xã thì cũng đã lên phường, bởi vì cả huyện tôi bây giờ đã là thị xã rồi…

- Thôi ông khỏi kể nữa. Bàn Dân tin rằng ông cũng thừa hiểu, cả tỉnh mình ngày nay không chỉ mình ấp ông “lột xác”, mà gần như toàn tỉnh đều thay đổi theo hướng tích cực như thế. Và cho phép Bàn Dân hỏi thêm ông một câu nữa nhé?

- Hỏi gì hỏi đi, tôi sẵn sàng trả lời ông, bảo đảm không quanh co né tránh gì hết.

- Theo ông thì nhờ cái gì mà bộ mặt kinh tế xã hội địa phương nơi ông ở, cũng như cả tỉnh mình bây giờ có sự đổi mới, tăng tốc nhanh chóng như thế?

- À, tôi hiểu cái kiểu “trắc nghiệm” của ông rồi. Và chắc hẳn là ông cũng đoán được câu trả lời của tôi rồi. Xin thưa, tôi nghĩ đó chính là nhờ quyết tâm và sự thực hiện đúng đắn đường lối đổi mới của Ðảng, Nhà nước tại địa phương mình. Có phải vậy không ông?

- Vâng, nhưng theo Bàn Dân, ông chỉ mới nói hai mặt “thiên thời, địa lợi” của tỉnh mình thôi, còn một yếu tố quyết định nữa chứ?

- Ờ, phải rồi, phải kể đến yếu tố “nhân hoà” nữa mới đủ. Về chuyện này thì… mấy năm qua tôi thấy đây đó ở nhiều nơi trong nước có những vụ tham nhũng, tiêu cực bị phanh phui, rồi lắm vị quan chức phải ra “hầu toà”. Còn ở tỉnh mình gần như… không. Ðiều đó chứng tỏ những người có trách nhiệm liên quan đến sự thịnh suy của tỉnh mình, không ai có tai tiếng hoen ố gì cả. Cầu mong sự thanh bạch ấy sẽ được giữ mãi để người dân tỉnh nhà luôn được nhờ, ông hả.

Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh