Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện về các cựu thanh niên xung phong làm báo
Thứ sáu: 23:41 ngày 19/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong khoảng 40 năm qua, tại Báo Tây Ninh đã có bốn người “đi và về” ở đội ngũ TNXP chiến tranh biên giới của tỉnh. Đến nay cả bốn anh TNXP đều không còn “tại ngũ” ở Báo Tây Ninh.

Nhà báo Nguyễn Tấn Hùng - cựu TNXP. Ảnh: Đ.H.T

Trong đội ngũ người làm báo ở Báo Tây Ninh từ trước đến nay, phần đông là từ ngành nghề khác chuyển sang, tác nghiệp một thời gian rồi mới được đào tạo nghiệp vụ một cách căn cơ, bài bản. Trong suốt quá trình 74 năm hoạt động của Báo, chỉ vài mươi năm gần đây mới có những người làm báo được đào tạo chính quy bậc đại học trong nghề báo.

Thành phần xuất thân của đội ngũ làm báo cũng rất đa dạng. Từ những công nhân, nông dân lao động đến các công chức, viên chức, sinh viên, học sinh… Đồng thời qua quá trình công tác, cũng có những người từ cơ quan báo chí chuyển sang lực lượng vũ trang, bán vũ trang trong các thời kỳ kháng chiến giải phóng đất nước.

Sau ngày giải phóng 30.4.1975, Báo Tây Ninh từ trong chiến khu ra đô thị vùng mới giải phóng, có thêm những người mới tham gia làm báo cùng những người làm báo kháng chiến. Và khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra có những người làm báo tình nguyện đi bộ đội, đi thanh niên xung phong (TNXP).

Rồi đến sau khi kết thúc cuộc chiến tranh biên giới lại có những người từ các đơn vị TNXP chuyển về làm báo. Trong khoảng 40 năm qua, tại Báo Tây Ninh đã có bốn người “đi và về” ở đội ngũ TNXP chiến tranh biên giới của tỉnh.

Đến nay cả bốn anh TNXP đều không còn “tại ngũ” ở Báo Tây Ninh. Trong đó, có một anh đã qua đời, ba anh đã nghỉ hưu, nghỉ việc do quá tuổi lao động. Nhưng kỷ niệm về những anh TNXP làm báo này, nhiều đồng nghiệp ở toà soạn vẫn còn chưa quên.

Người đầu tiên từ Báo Tây Ninh tình nguyện tham gia TNXP là anh Đỗ Dư Thiên, phóng viên trong những năm 1976-1977. Sau ngày giặc Pol Pot tàn sát đồng bào ta ở Tân Biên, Bến Cầu đêm 25.9.1977, Tổng đội TNXP Tây Ninh được thành lập, anh Dư Thiên tình nguyện tham gia TNXP, công tác tại Phòng Chính trị Tổng đội.

Thời gian thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng của Tổng đội không dài, sang đầu những năm 1980 đơn vị giải thể, nhưng cho đến nay anh em đồng đội vẫn còn nhớ “dấu ấn” của anh Thiên trong tập san Thanh niên xung phong Tây Ninh xuân Kỷ Mùi 1979, ấn phẩm duy nhất của Tổng đội, là bài thơ “Đồng chí Tổng đội trưởng, hãy cho tôi lên đường!”. Tiếc là ấn phẩm khá đẹp (bìa in 4 màu, ruột in 2 màu) ngày ấy đến nay không tìm lại được nên người viết bài này chỉ nhớ được…cái tựa đề bài thơ của anh Thiên.

Ngoài ra, anh còn viết nhiều tin, bài và biên tập nội dung tập san, vì anh là “nhà báo chuyên nghiệp” duy nhất trong số những người tham gia thực hiện tập san. Sau ngày rời đơn vị TNXP, Đỗ Dư Thiên trở lại với nghề báo, nhưng không phải trở về nơi anh đã ra đi, mà anh công tác ở Đài Truyền thanh Thị xã, nay là thành phố Tây Ninh. Buồn là bây giờ không còn anh “cựu nhà báo - TNXP” này nữa. Anh Thiên bất hạnh qua đời sau một vụ tai nạn giao thông.

Cũng từ sau chiến tranh biên giới, có ba anh “cựu TNXP làm báo”. Trong đó có hai anh làm báo khá lâu, trên 30 năm từ khi rời đơn vị TNXP cho đến tuổi nghỉ hưu trong mấy năm gần đây. Và một anh đến tuổi “tri thiên mệnh” mới đi làm báo.

Hai anh làm báo lâu năm, một anh là dân thành phố Hồ Chí Minh, sau ngày giải phóng chuyển lên Tây Ninh ở vài năm rồi đi TNXP, đóng quân ở vùng biên giới phía Bắc của tỉnh. Năm 1980 từ Kà Tum anh được đơn vị cử đi học Trung cấp rồi Đại học Nông nghiệp.

Ra trường anh công tác trong ngành mấy năm đến tuổi “tam thập” anh mới “nhi lập” ở Báo Tây Ninh. Ba mươi năm sau nữa, anh về nghỉ hưu sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí người đứng đầu toà soạn Báo và tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp báo chí của tỉnh.

Cuộc đời làm báo của anh có nhiều dấu ấn đậm nét mà những người làm báo và bạn đọc báo vẫn còn nhớ. Đó là việc anh và hai đồng nghiệp “phanh phui” vụ tiêu cực về đất đai ở dự án 327 Bàu Rã từ khi mới khởi phát, nhưng đến mười mấy năm sau mới bùng lên thành vụ khiếu nại rất phức tạp mà tỉnh phải mất không ít công sức mới giải quyết được yên ổn.

Đó là việc anh là người phản ánh đầu tiên một vụ khiếu kiện không đúng pháp luật ở con đường trước cửa số 1 ngôi chợ lớn nhất trong tỉnh. Vụ việc dai dẳng suốt mấy chục năm mới giải toả được nạn lấn chiếm lòng, lề đường để hoàn thành dự án thi công con đường có giá trị đất mặt tiền cao nhất tỉnh.

Ngoài ra còn có những vụ anh xông pha vào những chỗ nóng bỏng nhất khi bùng phát tình trạng lấn chiếm trái phép đất nông, lâm trường trên vùng Bắc Tây Ninh… Đó cũng chính là lý do khiến anh đang là phóng viên báo địa phương phải chuyển sang làm phóng viên thường trú của báo Trung ương tại nơi ở của mình. Rồi bảy, tám năm sau lại chuyển về làm lãnh đạo báo tỉnh.

Một cựu TNXP làm báo lâu năm nữa cũng được nhiều bạn nghề, bạn đọc biết đến vì anh vừa cầm bút xanh, vừa cầm bút đỏ. Cầm bút xanh là làm phóng viên đi viết tin, bài; cầm bút đỏ là làm người biên tập, sửa bài của phóng viên.

Trong nghề làm báo, anh em trong nghề thường “phụ nhĩ” (bỏ nhỏ vào tai nhau) những câu như “bút anh là anh bút đỏ” và “bút đỏ chơi xỏ bút xanh”. Các câu nói ít nhiều có tính châm biếm này ý muốn nói: người phóng viên trực tiếp viết bài, đòi hỏi phải “có nghề” nên mới là “đàn anh” trong nghề, còn người biên tập thì “gác cổng ở… phía sau” nếu không khéo sẽ không làm cho tác phẩm của người viết hay hơn và… hỏng bét cả.

Rất may, sau nhiều năm làm báo anh cựu TNXP này chưa bị “sự cố” nào “hỏng bét” như thế, dù không ít lần phải “ra hầu toà” cùng với các phóng viên bị thưa kiện và chưa lần nào bị thua kiện. 

Anh cựu TNXP còn lại là người làm báo khi đã vào tuổi 50. Lý do anh đến với nghề khi đã có tuổi, là vì để thực hiện ước mơ làm phóng viên từ thời còn đi học trường phổ thông. Anh đã thôi làm Phó Hiệu trưởng một trường Trung cấp nghề trong tỉnh.

Gần mười năm làm phóng viên khi tuổi không còn trẻ, anh vẫn hết sức xông xáo khi tác nghiệp, không ngại chuyện “sáng Tân Biên, chiều Trảng Bàng” để thực hiện nhiệm vụ của mình. Có lẽ đây là phẩm chất của người thanh niên xung phong không bao giờ phai nhạt trong anh.

Đặc biệt anh còn là phóng viên luôn đạt giải nhất mỗi khi cơ quan Báo, Hội Nhà báo tổ chức thi…“Tiếng hát người làm báo”. Anh hát hay đến nỗi chỉ được dự thi ba lần, đến lần thứ tư thì bị ban tổ chức “cấm thi”, để cho các đồng nghiệp trẻ hơn có dịp thi thố tài năng ca hát. Quá sáu mươi, thôi làm báo, anh trở về địa phương nhận nhiệm vụ thực hiện vai trò “nhân chứng lịch sử và nghĩa tình đồng đội” trong vị trí Chủ tịch Hội Cựu TNXP thị xã quê mình.

Đề tài về các anh cựu TNXP làm báo người viết ấp ủ đã lâu, nhưng chưa được những người trong cuộc đồng ý. Đến nay, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (1925-2020), đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống TNXP Việt Nam, đều là những dịp kỷ niệm trọng đại trong cuộc đời hữu hạn của mỗi người có liên quan đến nơi xuất thân và nơi trưởng thành, cống hiến của mình.

Vì thế, người viết bài này xin mạn phép các “nhân vật” kể trên ghi lại một số nét đáng nhớ của các anh. Và chỉ ghi sự việc chứ không nêu đích danh mỗi người, rất mong bạn viết và bạn đọc hiểu cho.

N.T.H

Tin cùng chuyên mục