Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện về Đại đội Bộ binh 31 Dương Minh Châu
Thứ bảy: 14:24 ngày 03/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Lúc đầu, đội vũ trang chỉ có 20 cán bộ, chiến sĩ được điều động từ Tiểu đoàn 306 bộ đội địa phương thuộc tỉnh Gia Định Ninh làm nòng cốt. Đội vũ trang tích cực vận động thanh niên địa phương tham gia, đủ điều kiện trở thành đơn vị cấp đại đội và được lấy tên là Đại đội 31 (C31) vào tháng 5 năm 1951.

Các đại biểu dự buổi họp mặt truyền thống C31 lần thứ VI năm 2017 (29.5.2017) chụp hình lưu niệm.

Đầu năm 1951, Huyện căn cứ Dương Minh Châu được thành lập, ngay sau đó, đội vũ trang của huyện cũng được thành lập, do đồng chí Huỳnh Văn Một- Bí thư Huyện uỷ đầu tiên trực tiếp phụ trách. Lúc đầu, đội vũ trang chỉ có 20 cán bộ, chiến sĩ được điều động từ Tiểu đoàn 306 bộ đội địa phương thuộc tỉnh Gia Định Ninh làm nòng cốt. Đội vũ trang tích cực vận động thanh niên địa phương tham gia, đủ điều kiện trở thành đơn vị cấp đại đội và được lấy tên là Đại đội 31 (C31) vào tháng 5 năm 1951.

Trong buổi họp mặt truyền thống đơn vị lần thứ 6, năm 2017, ông Lê Văn Đỉnh (Tám Đỉnh)- Trưởng Ban Liên lạc, nguyên Chính trị viên trưởng C31 thời kỳ 1970-1973 bồi hồi ôn lại truyền thống hào hùng của đơn vị trong suốt chặng đường kháng chiến từ năm 1951 đến sau ngày 30.4.1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

Ngược dòng thời gian, năm 1952, trong trận lũ lụt, C31 đã không quản ngại nguy hiểm ra quân ứng cứu người dân. Kết quả, cán bộ, chiến sĩ C31 đã cứu sống được 15 người dân cùng nhiều tài sản, trâu bò đang bị nước cuốn trôi. Trong trận chiến đấu với lũ lụt này, một chiến sĩ tên Tám Phải đã hy sinh. Anh là người chiến sĩ thuộc C31 đầu tiên ngã xuống trên chính mảnh đất thân yêu của mình, hài cốt của anh không tìm được.

Ngay trong những ngày lũ lụt, giặc Pháp vẫn cho máy bay bắn phá vào những nơi không ngập, nhà dân bị trúng đạn bốc cháy, nhiều người dân bị thương. Chiến sĩ Sáu Bé lao vào khói lửa cứu một bé trai, khi chạy ra ngoài, anh bị trúng đạn từ trên máy bay địch bắn xuống. Anh Sáu Bé hy sinh nhưng vẫn ôm chặt bé trai trong vòng tay mình. 

Cuối năm 1952, giặc Pháp huy động 20 tiểu đoàn bộ binh cùng nhiều xe tăng, thiết giáp, máy bay, pháo binh ồ ạt tấn công, bao vây khu vực Tà Dơ- Đồng Rùm (nay thuộc xã Tân Thành, Tân Châu). Nơi ấy có căn cứ của Xứ uỷ Nam kỳ, Bộ Tư lệnh Nam bộ và nhiều cơ quan, đơn vị trú đóng. Đại đội 31 được giao nhiệm vụ đi tiên phong mở đường để đưa cơ quan Xứ uỷ ra khỏi vùng oanh kích của giặc.

Trong cơ quan Xứ uỷ Nam kỳ khi ấy có các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Đức Thuận, Phạm Hùng và nhiều đồng chí khác. Các đồng chí trong cơ quan Xứ uỷ đều được C31 dẫn đường, liên tục trong 10 ngày luồn rừng đi ra vùng giải phóng an toàn tuyệt đối. Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ trọng đại, C31 được lệnh hành quân trở lại Tà Dơ- Đồng Rùm tham gia đánh Pháp.

Trong đợt này, C31 tham gia đánh 3 trận, diệt hơn 100 tên Pháp, bắn rơi 1 máy bay L19 của giặc. Trong kháng chiến chống Pháp, C31 còn kết hợp với quân đội tôn giáo Cao Đài đánh một số trận, tiêu diệt một số lính Pháp và trừng trị 6 tên nguỵ quyền ác ôn.

Khi chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm thực hiện chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, một số chiến sĩ thuộc C31 bị giặc bắt, bị chúng tra tấn dã man, bị tù đày, nhưng không ai khai báo, đầu hàng giặc. Thời kỳ này, Trung ương chưa ban hành chủ trương đấu tranh vũ trang nên tổ chức và hoạt động của C31 tạm thời lắng xuống.

Trận Đồng Khởi- Tua Hai (tháng 2.1960), lực lượng C31 chỉ còn có 10 chiến sĩ trực tiếp tham gia đánh giặc. Sau đó đơn vị tiếp tục củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng, hầu hết cán bộ, chiến sĩ là con em nhân dân Huyện căn cứ Dương Minh Châu, C31 được tái thành lập vào ngày 15.2.1961.

Trong kháng chiến chống Mỹ- nguỵ, lực lượng C31 chủ động đánh địch ở mọi nơi trong huyện khi có điều kiện. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với lực lượng các huyện bạn và bộ đội chủ lực đánh nhiều trận, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá huỷ trang thiết bị của địch, thu nhiều chiến lợi phẩm.

Trong gần 200 trận đánh của C31, phải kể đến trận ngày 24.2.1963. Trận này,  C31 phục kích trên tỉnh lộ 26 tại Bình Linh, giữa ban ngày nổ súng đánh phủ đầu, tiêu diệt đại đội biệt kích Tiên chính, tên đại đội trưởng Cây may mắn chỉ bị thương, hắn bỏ mặc thuộc cấp tháo chạy thoát thân. Ta bắt sống 8 tên, trong đó có 1 tên cố vấn Mỹ, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược.

Chiều ngày 22.6.1972, C31 phối hợp với du kích xã Suối Đá chặn đánh địch khi chúng đi càn về tới bàu Ông Chi, diệt gọn Đại đội 243 bảo an nguỵ, diệt tại chỗ 70 tên, thu hơn 3 xe bò súng đạn. Ngày 26.2.1973, C31 chủ động chặn đánh địch tại Bàu Năng, tiêu diệt tại chỗ 75 tên giặc, tịch thu 38 khẩu súng các loại…

Qua nhiều trận đánh hào hùng, xuất hiện nhiều tấm gương gan dạ, dũng cảm như Đội trưởng Biệt động Đỗ Hoàng Thân, chỉ một mình đương đầu với cả tiểu đội lính bảo an giữa ban ngày, diệt gần hết tiểu đội lính nguỵ, rồi anh dũng hy sinh; Đại đội trưởng Dương Văn Tân đã mưu trí, dũng cảm dùng mìn tự chế và súng phóng lựu diệt và làm hư hỏng hơn 60 xe tăng, xe cơ giới của giặc và nhiều tấm gương khác như anh Sáu Tấm, anh Nguyễn Văn Rân, anh Đỗ Thành Lạc...

Không chỉ đánh địch giỏi, C31 còn tích cực vận động được gần 450 lính nguỵ bỏ ngũ về địa phương, trong đó có hơn 200 người vào vùng giải phóng theo cách mạng.

Cụ thể là anh Đỗ Văn Cu, khi được vận động, anh bỏ hàng ngũ giặc trở về, rồi tình nguyện tham gia lực lượng du kích xã Suối Đá. Trong trận chiến đấu ngày 16.7.1969, anh dùng mìn tự chế tiêu diệt một xe cơ giới của giặc, sau đó anh trúng đạn hy sinh.

Bà Năm Liễu- mẹ anh Cu đào 2 căn hầm bí mật ngay trong nhà để du kích xã ém quân đánh tề nguỵ trong ấp chiến lược Suối Đá. Bà còn đồng ý cho quân ta bí mật gài mìn, phòng khi bị lộ, địch đưa quân đến thì cho mìn phát nổ tiêu diệt chúng.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng C31 cùng du kích các xã Cầu Khởi, Truông Mít, Bến Củi và các xã trong huyện chủ động đánh địch giải phóng quê hương từ ngày 13.3.1975 (xã Bến Củi). Đến sáng ngày 30.4.1975, các xã trong huyện được hoàn toàn giải phóng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ- nguỵ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, chiến sĩ C31 đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trong mọi hoàn cảnh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nhiều lần C31 cử lực lượng bổ sung cho bộ đội chủ lực và đơn vị bạn. Năm 1961, C31 điều động bổ sung cho lực lượng vũ trang của tỉnh 1 tiểu đội và bổ sung cho Sư đoàn 9 bộ đội miền Đông 1 trung đội.

Cuối năm 1974, toàn bộ lực lượng C31 bổ sung vào đội hình Tiểu đoàn 24 của tỉnh Tây Ninh, sau đó, huyện Dương Minh Châu tiếp tục xây dựng đội hình C31 mới.

Khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, lực lượng C31 tiếp tục sáp nhập vào đội hình Tiểu đoàn 14 tham gia trong đoàn quân tình nguyện giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng và C31 được mang phiên hiệu mới. Phiên hiệu Đại đội bộ binh số 31 huyện Dương Minh Châu kể từ đó đến nay không còn hiện hữu.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tổng cộng C31 đã trực tiếp tham gia chiến đấu 182 trận, tiêu diệt 1.421 tên địch (có 615 tên Mỹ), bắt làm tù binh 418 tên; diệt và phá huỷ hơn 200 xe tăng, thiết giáp, xe cơ giới của địch, thu nhiều vũ khí, đạn dược… Đồng thời C31 có 7 đồng chí giữ chức vụ đại đội trưởng, 5 đại đội phó qua các thời kỳ và 58 chiến sĩ anh dũng hy sinh; hàng chục thương, bệnh binh.

Hiện nay, C31 năm xưa vẫn còn hơn 105 người, đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và các tỉnh, thành phố lân cận; hầu hết đã tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn giữ vững truyền thống cách mạng, phẩm chất đạo đức, phong cách “người lính Cụ Hồ”.

Điển hình như ông Nguyễn Văn Sẩn- thương binh 2/4, nguyên Trung đội trưởng, hiện ngụ tại ấp Đông Hà, xã Tân Đông, huyện Tân Châu. Ông Sẩn có 2 người anh trai cùng là chiến sĩ C31 và đều hy sinh. Hiện ông đang thờ cúng Mẹ Việt Nam anh hùng và 2 liệt sĩ trong căn nhà ngói cũ kỹ. Hằng năm, ông đều được bình chọn là gương thương binh tiêu biểu, năm 2012, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen gương “Thương binh, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu của tỉnh”.

Năm 2011, Ban Liên lạc C31 được thành lập nhằm tập hợp những người trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ thuộc C31 trước đây, để động viên nhau giữ vững truyền thống cách mạng, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống, cùng nhau tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng bản thành tích trong kháng chiến của đơn vị làm tài liệu giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.

Hiện nay, Ban Liên lạc C31 đã hoàn thành bản thành tích trong 2 cuộc kháng chiến, đề nghị Nhà nước xét phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho cán bộ chiến sĩ Đại đội 31 huyện Dương Minh Châu. Hồ sơ đã được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp nhận.

KHẮC LUÂN

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục