Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cứ mỗi dịp đến ngày 30.4, các chiến sĩ du kích của Xã đội Trường Hoà ngày nào lại tề tựu về Căn cứ Năm Trại, tại ấp Năm Trại, xã Trường Đông, nay là Khu di tích lịch sử huyện Hoà Thành để ôn lại kỷ niệm của một thời tuổi trẻ gian lao mà anh dũng...
Được thành lập vào quý III năm 1961, sau chiến thắng Tua Hai mở đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta, huyện Toà Thánh (Hoà Thành ngày nay) lấy Động Kim Quang, Hang Đất, Cây Da... trên núi Bà Đen làm căn cứ chính và xây dựng căn cứ tiền phương ở Năm Trại trực tiếp chỉ huy 2 xã Trường Hoà và Long Thành, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia lực lượng vũ trang của huyện (C36) và Đội du kích xã Trường Hoà để kháng chiến giải phóng quê hương, đất nước.
Thế hệ thanh niên tìm hiểu về lịch sử tại bia tưởng niệm nằm trong Khu di tích căn cứ Năm Trại.
Địa bàn xã Trường Hoà (sau được chia ra thành 3 xã Trường Hoà, Trường Đông, Trường Tây vào năm 1979) được mệnh danh là vùng Nam Toà Thánh, nơi có phong trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ, đã góp phần không nhỏ trong thắng lợi chung của tỉnh, của cả miền Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho cán bộ, nhân dân của xã.
Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã qua đi 42 năm, nhưng những kỷ niệm xưa thời kháng chiến vẫn không phai mờ. Hằng năm, cứ mỗi dịp đến ngày 30.4, các chiến sĩ du kích của Xã đội Trường Hoà ngày nào lại tề tựu về Căn cứ Năm Trại, tại ấp Năm Trại, xã Trường Đông, nay là Khu di tích lịch sử huyện Hoà Thành để ôn lại kỷ niệm của một thời tuổi trẻ gian lao mà anh dũng...
Nói về Đội du kích Trường Hoà, ông Tô Thanh - nguyên Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Hoà Thành, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho hay, bản thân ông được cấp trên phân công về căn cứ Năm Trại vào năm 1973, giữ chức Bí thư Xã đoàn Trường Hoà. Đội du kích xã khi đó là đoàn viên, thanh niên sinh hoạt dưới sự lãnh đạo của Xã đoàn và chi bộ địa phương.
Đội du kích Trường Hoà có công trạng không nhỏ trong truyền thống lịch sử kháng chiến của xã, của huyện Hoà Thành. Chính nhờ những chiến công của đội du kích và cán bộ nhân dân địa phương mà xã Trường Hoà được phong tặng danh hiệu xã Anh hùng LLVTND. Ông cho biết, khi về xã nhận nhiệm vụ, ông cảm thấy hết sức bất ngờ trước sự dũng cảm, mưu trí của Đội du kích xã Trường Hoà. Dù chỉ là một đơn vị LLVT ở cơ sở, nhưng cũng đã làm cho kẻ thù nghe danh là phải “kinh hồn, khiếp vía”.
Ông còn nhớ như in, vào năm 1973, du kích Trường Hoà xâm nhập vào nhà Trưởng ấp G. tại ấp Trường Lưu để tiêu diệt tên ác ôn này. Sau khi tiêu diệt tên G, du kích Trường Hoà còn để bảng tội trạng trên thi thể hắn trước khi rút lui. Lần đó, nguỵ quân, nguỵ quyền tại Trường Hoà đã phải đau đầu, đề cao cảnh giác và không dám bén mảng đến gần khu vực rừng Năm Trại.
Sau đó, năm 1974, du kích Trường Hoà tiếp tục tổ chức tiêu diệt tên C. - Trưởng ấp Trường Đức. Sau vụ này, ở xã Trường Hoà không ai dám lên làm trưởng ấp hoặc tham gia nhân dân tự vệ. Nếu có cũng chỉ là Trưởng ấp bù nhìn, ngồi cho “có vị”, không dám “cựa quậy” gì cả.
Do đặc thù là du kích địa phương, lực lượng mỏng, nên Đội du kích Trường Hoà chỉ tổ chức tiêu diệt địch theo số lẻ. Cứ cách vài ngày, đội du kích hạ gục được vài tên lính. Tuy nhiên, khi có lực lượng của trên về Trường Hoà, đội du kích xã luôn là “quân tiên phong” dẫn đường cho bộ đội đánh nhiều trận oanh liệt, loại khỏi vòng chiến rất nhiều tên địch.
Từ đó, bọn lính nguỵ ở xã, quận Phú Khương càng kiêng nể du kích Trường Hoà, chúng không dám manh động tổ chức tấn công. Khu rừng căn cứ ngày đó chỉ là rừng chòi, diện tích khoảng 5 ha, nhưng cả 1 tiểu đoàn nguỵ cũng không dám càn quét vào do sợ trái gài của du kích Trường Hoà, cho dù đó chỉ là các thanh niên mới 17, 18 tuổi đã thoát ly gia đình theo cách mạng.
Ngoài việc tổ chức mai phục tiêu diệt riêng lẻ những tên ác ôn, Đội du kích Trường Hoà còn thường xuyên tổ chức phục kích bất ngờ tấn công vào đồn Lò Than (tại vị trí đặt trụ sở Công ty Penro ngày nay) và đồn Trường Đức.
Vì bị tấn công liên miên, nên các sĩ quan nguỵ được điều về làm đồn trưởng 2 đồn lính này chỉ bám trụ được một vài tháng là lật đật xin đổi đi hoặc bỏ trốn. Cho nên mặt trận xã Trường Hoà - Nam Toà Thánh ngày đó, lực lượng cách mạng luôn nắm thế chủ động trong tay.
Điều đáng nói, do anh em du kích xuất thân từ nhân dân địa phương, biết rành rẽ từng hang cùng, ngõ hẻm nên những trận đánh của lực lượng tỉnh, huyện tại xã Trường Hoà nhờ sự dẫn đường của lực lượng du kích luôn khiến cho kẻ địch bị bất ngờ, không kịp trở tay. Phải nói là chiến thắng của các lực lượng cách mạng trên chiến trường Nam Toà Thánh đều có công sức của anh em du kích.
Ông Tô Thanh cho biết thêm, những thanh niên trẻ của Đội du kích Trường Hoà, ngoài việc gan dạ chiến đấu, còn sáng tạo vũ khí. Cụ thể, anh em đã cải tạo lại khẩu pháo 155mm tịch thu của địch, để bắn được đạn pháo 105mm. Khi đó, cứ mỗi lần du kích Trường Hoà bắn pháo vào các đồn, bọn lính nguỵ lại hoảng vía ngỡ là có bộ đội chủ lực về đánh, bởi chúng không thể nào ngờ được du kích địa phương lại sử dụng được cả vũ khí hạng nặng.
Một nhân chứng lịch sử, ông Phan Văn Cu (thường gọi là Cu Tiến), nguyên Xã đội trưởng Xã đội Trường Hoà giai đoạn 1973 -1975, còn nhớ như in những ngày ông giác ngộ cách mạng, rồi sau đó thoát ly gia nhập lực lượng du kích tại Xã đội Trường Hoà. Gia đình ông trước đây sống tại Bố Dây Chè, thuộc xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, nhưng có ruộng tại Năm Trại (ngay cạnh khu di tích hiện giờ).
Giai đoạn 1966-1968, dù chỉ là một cậu thiếu niên 13, 14 tuổi, hằng ngày phụ giúp gia đình đi coi trâu gần rừng 16 mẫu, nhưng sau khi nghe các cô, chú trong căn cứ tuyên truyền về ý thức cách mạng nên ông đã sớm giác ngộ. Ngoài việc hằng ngày thả trâu trên cánh đồng, ông Cu còn có nhiệm vụ nghe ngóng tình hình của địch ở phía ngoài ngã tư Trường Đông, tại các chốt gác của địch... để thông tin lại cho các cô chú trong cứ.
Đến năm 1969, ông Cu chính thức thoát ly vào cứ gia nhập Xã đội Trường Hoà để chiến đấu. Lúc đó, Xã đội Trường Hoà đóng quân ở Bố Dây Chè, địa phận xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu. Đến năm 1971, Xã đội Trường Hoà, cùng lực lượng của huyện mới chính thức về căn cứ cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trước đó, các chú Xã đội Trường Hoà chiến đấu oanh liệt khiến nguỵ quân trong khu vực luôn hết sức kinh sợ. Đến khi ông Cu vào căn cứ, ông mới cảm nhận được sự gan dạ, chiến đấu của Xã đội Trường Hoà. Dù lực lượng mỏng, thường xuyên chỉ có 9 người, nhưng Xã đội Trường Hoà luôn có những trận đánh “xuất quỷ nhập thần”, chặn đứng nhiều trận càn quét của quân nguỵ. Có những trận đánh bất ngờ vào chốt của nguỵ quyền, khiến quân địch không kịp trở tay.
Cũng như ông Cu, ông Hoàng Phi Hùng, sinh năm 1954, thoát ly gia đình gia nhập lực lượng Xã đội Trường Hoà khi mới 16 tuổi. Những năm 1967, gia đình gần khu rừng 16 mẫu nên ông cũng sớm được giác ngộ cách mạng. Lúc còn là học sinh Trường trung học Phú Khương (Trường THPT Lý Thường Kiệt ngày nay), ông đã được các chú lãnh đạo giao nhiệm vụ mật.
Khi đi học, ông Hùng có nhiệm vụ đi ngang các đồn, bót địch để nghe ngóng tình hình, theo dõi hoạt động của địch để kịp thời thông báo cho các chú. Là học sinh nên ông dễ dàng tiếp cận, lân la trò chuyện với đám lính nguỵ mà chúng không hề đề phòng. Nhờ vậy, ông đã nghe ngóng được nhiều tin tức có lợi cho các chú.
Đến năm 1969, khi 16 tuổi, ông Hùng chính thức thoát ly gia đình để tham gia lực lượng Xã đội Trường Hoà chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Còn ông Nguyễn Tấn Phát, 60 tuổi, ngụ phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh cho biết, gia đình ông trước đây sống gần khu rừng 16 mẫu, chứng kiến sự chiến đấu anh dũng của lực lượng Xã đội Trường Hoà, cộng với hành vi tàn ác của nguỵ nguyền nên ông sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Năm 1973, ông Phát chính thức vào khu rừng 16 mẫu gia nhập lực lượng Xã đội Trường Hoà, khi đó ông mới 17 tuổi.
Những ngày sống và bám công sự tại căn cứ chiến đấu, nhất là giai đoạn năm 1974, 1975, địch điên cuồng chống phá hằng ngày, có những lúc ông Phát chứng kiến đồng đội hy sinh ngay bên cạnh mình càng khiến ông sục sôi lòng căm thù đối với chế độ nguỵ tàn ác. Người thanh niên trẻ đã cùng đồng đội chiến đấu oanh liệt, đẩy lùi nhiều trận đánh của địch vào căn cứ, cùng Đội du lích xã Trường Hoà tổ chức nhiều trận đánh khiến quân địch kinh hồn, bạt vía.
Chính sự kiên cường của du kích Trường Hoà nên kẻ địch đóng quân trên địa bàn không dám hung hăng, lộng hành đàn áp nhân dân. Cho đến những ngày tháng 3.1975, ông Phát cùng đồng đội được điều động về C36 để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những thành viên của đội du kích Trường Hoà về thăm lại chiến trường xưa tại Khu di tích căn cứ Năm Trại.
Ngày 30.4 lại đến, trong tâm trạng nao nao mừng kỷ niệm 42 năm Ngày miền Nam giải phóng, ông Tô Thanh bộc bạch, điều làm ông trăn trở là sau khi đất nước hoà bình thống nhất, những thành viên Đội du kích Trường Hoà vốn là những thanh niên yêu nước đã về lại địa phương làm nông dân mà không hề đòi hỏi chính sách, chế độ nào.
Trong khi đó, do anh em chỉ là lực lượng du kích địa phương nên không thể có những chế độ như lực lượng khác. Ngoài ra, việc xây dựng một cuốn kỷ yếu để lưu lại hình ảnh, nội dung quá trình lịch sử của đơn vị đến nay vẫn chưa thực hiện do nhiều khó khăn, quan trọng nhất phải có người đứng ra sưu tầm tư liệu, hình ảnh do anh em tham gia lực lượng du kích Trường Hoà trải qua nhiều thời kỳ còn lưu giữ. Nếu không làm được việc này sau khi họ đã qua đời, sẽ là một thiếu sót quan trọng.
HUỲNH TẤN HƯNG