Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đọc tin, bài ấy tôi mới biết là mấy hôm ấy ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5, Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh gần như cùng lúc có hai lễ tang của hai vị Đại tá Anh hùng LLVT nhân dân là ông Nguyễn Văn Bảy và ông Trần Nam Hùng.
-Hôm thứ tư tuần rồi tôi đọc trên trang “Ngôi sao rừng dừa” thấy có đưa tin “Đại tá Anh hùng LLVT Trần Nam Hùng từ trần” kèm bài viết “Người Anh hùng làm rạng danh quê hương Tây Ninh”.
Đọc tin, bài ấy tôi mới biết là mấy hôm ấy ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5, Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh gần như cùng lúc có hai lễ tang của hai vị Đại tá Anh hùng LLVT nhân dân là ông Nguyễn Văn Bảy và ông Trần Nam Hùng. Ông làm báo tỉnh nhà đã lâu, ông có biết về vị anh hùng gốc Tây Ninh ấy không, kể tôi nghe với?
-Sao lại không, người ở Tây Ninh những năm đầu mới giải phóng ai mà không biết Đại tá Trần Nam Hùng, thường gọi là chú Năm Hùng, vì lúc ấy ông là Tỉnh đội phó, tức Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh bây giờ. Ông quê ở Lộc Hưng, Trảng Bàng tham gia kháng chiến từ thời “chín năm chống Pháp” rồi tập kết ra Bắc và hồi kết về Nam từ năm đầu kháng chiến chống Mỹ, nhưng đến trước giải phóng 30.4.1975 có ba ngày ông mới được cấp trên điều động về Tây Ninh tham gia giải phóng quê hương.
Nhưng ông cũng ở Tây Ninh không lâu, cuối thập niên 1980 ông được điều về Quân khu 7 làm Tham mưu phó Quân khu cho đến khi về nghỉ hưu tại Gò Vấp, cũng ở đường Phạm Ngũ Lão, không xa nhà tang lễ ấy. Ông muốn biết rõ về vị anh hùng này thì cứ lên Báo Tây Ninh điện tử (Tây Ninh online) mà tìm đọc.
-Thôi mà, ông có biết thì nói tôi nghe tại chỗ đi, còn bảo tìm chi nữa!
-Bàn Dân hiểu ý ông rồi, ý là ông muốn hỏi sao hai ông cùng cấp đại tá, cùng là anh hùng trong kháng chiến, cùng làm lễ tang một lúc, một nơi, sao người ta chú ý ông này nhiều hơn ông kia chứ gì?
-Y vậy, theo ông chuyện đó là thế nào?
-Vâng, để trả lời ông về chuyện đó thì có lẽ Bàn Dân phải bổ sung thêm một điểm tương đồng giữa hai ông Đại tá Anh hùng nữa là: Hai ông cùng có một phương pháp chiến đấu là “bám thắt lưng địch mà đánh”, chỉ khác là một ông “bám địch trên không”, một ông “bám địch dưới đất” thế thôi!
-Thế nghĩa là sao?
-Này nhé, ông phải biết chiến công lẫy lừng để được phong tặng danh hiệu Anh hùng của chú Năm Hùng là trận đánh Bàu Bàng cuối năm 1965, lúc ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9. Mà Sư đoàn 9 là đơn vị chủ lực cấp sư đoàn đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam mới thành lập trước trận Bàu Bàng có hơn 2 tháng (ngày 2.9.1965). Còn quân Mỹ thì mới đổ vào miền Nam khoảng giữa năm ấy.
Đặc biệt, trận Bàu Bàng chính là trận đánh lớn đầu tiên quân ta chủ động tìm địch mà đánh và tiêu diệt cả một lữ đoàn quân Mỹ hơn hai ngàn tên. Và người chịu trách nhiệm về sự “chủ động” ấy chính là chú Năm Hùng, khi mà tiểu đoàn do ông chỉ huy bị gián đoạn liên lạc với cấp trên, trong lúc quân địch đã rút khỏi vị trí trú đóng trước đó chỉ vài giờ.
Vì thế, sau khi nghe chú Năm Hùng báo cáo chi tiết trận đánh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam lúc bấy giờ đã nói: “Đồng chí Trần Nam Hùng chủ động, cương quyết tìm địch, bám nắm địch, dám đánh Mỹ là yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng Bàu Bàng”, từ nhận định này, Đại tướng đã khái quát lên thành chiến thuật “bám thắt lưng địch mà đánh” để phổ biến kinh nghiệm đánh Mỹ trong toàn quân.
-Vậy ra phương pháp “bám máy bay địch mà đánh” của ông Đại tá phi công Anh hùng Nguyễn Văn Bảy cũng xuất phát từ chiến thuật này à?
-Chuyện đó thì có lẽ ông đã được đọc nhiều qua các bài viết về ông phi công huyền thoại ấy rồi…
-Thé còn chuyện hai lễ tang anh hùng cùng lúc cùng nơi nhưng sự chú ý của dư luận chỉ tập trung vào một lễ, theo ông là sao?
-Đơn giản thôi, chuyện trên trời bao giờ cũng hấp dẫn hơn chuyện dưới đất. Mặt khác, sau chiến tranh có những anh phi công Mỹ bị ông Bảy bắn rớt máy bay, nhưng may mắn còn sống, đã tìm sang nước ta xin gặp “đối thủ” đã bắn gục những “con ma”, “thần sấm” của họ, và khi đã gặp, đã nghe người Anh hùng của chúng ta nói chuyện họ mới “khẩu phục, tâm phục”.
Từ đó chính những phi công “nổi tiếng” của đối phương trở thành “phương tiện truyền thông” chuyển tải chiến tích thần kỳ của quân đội ta ra khắp thế giới. Trong khi đó, chuyện “bám thắt lưng địch mà đánh” của những người lính bộ binh thì chỉ ai chịu khó nghiên cứu trong sách sử chính thống của nước ta mới biết thôi. Vì thế, khi những người anh hùng thầm lặng của chúng ta ra đi về cõi vĩnh hằng ít có người biết cũng là chuyện bình thường.
Trong biết bao chiến công chống ngoại xâm của dân tộc ta, có biết bao tấm gương anh hùng thầm lặng. Bàn Dân nghĩ vấn đề cần quan tâm hơn là làm sao để lưu truyền mãi mãi truyền thống anh hùng ấy cho đời sau thôi ông bạn ạ!
BÀN DÂN