Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong cuộc sống, có những đam mê không chỉ đáp ứng sở thích riêng của cá nhân mà người thực hiện nó còn mang đến nhiều ý nghĩa cho cộng đồng. Đối với em Nguyễn Khắc Thành Đạt (SN 1999)- Uỷ viên BCH Xã đoàn Suối Dây, huyện Tân Châu, Bí thư Chi đoàn ấp 2, việc sưu tầm các mô hình gắn liền với những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc chính là cách để truyền lửa tự hào, thắp sáng tình yêu Tổ quốc đến với mọi người.
Nếu lịch sử được xem là môn học “khó nuốt” của rất nhiều học sinh thì đối với Đạt, môn học này lại trở thành “sở trường” từ khi còn bé. Tiếp xúc với lịch sử từ những năm học cấp 1, Đạt càng cảm thấy yêu thích và nhận ra bản thân phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp, lâu đời của dân tộc Việt Nam. Nói về bí quyết học môn lịch sử, em cho biết phải đem những kiến thức đã học, truyền thống tốt đẹp của thế hệ trước áp dụng vào thực tế để nhớ kỹ và nhớ đúng.
“Kiến thức học từ sách vở là chưa hoàn chỉnh, cần có sự kết hợp của việc thực hành. Một lòng muốn đưa văn hoá, lịch sử dân tộc đến với tất cả mọi người, em ấp ủ, tìm kiếm những cách thức tuyên truyền sáng tạo để thu hút các bạn tìm hiểu và biết thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam”- Thành Đạt nói.
Theo lời Thành Đạt, vào một lần tìm kiếm thông tin trên mạng internet, em tình cờ phát hiện 1 cửa hàng chuyên bán các mô hình lắp ráp về kỳ quan của thế giới. Từ đó, Đạt nảy ra ý tưởng sẽ tìm kiếm, sưu tầm các mô hình liên quan đến địa danh nổi tiếng ở Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng để lồng ghép vào các hoạt động tuyên truyền, tạo sự gần gũi, chân thật.
Nhiều trường hợp thường gặp khó khăn khi tiếp thu lịch sử qua những sự kiện và con số thì tại sao không nhờ các mô hình giáo cụ trực quan để kể câu chuyện của quá khứ? Nghĩ là làm, kể từ đó, Đạt đã sưu tầm gần 20 mẫu mô hình khác nhau về các địa danh, công trình mang ý nghĩa lịch sử.
Thành Đạt hy vọng các mô hình sẽ phần nào giúp các bạn đoàn viên hiểu thêm về lịch sử dân dộc.
Sau khi mua các mô hình, Thành Đạt tập trung lắp ráp và nhờ sự hỗ trợ của người em họ là Cao Đại Vĩ, học lớp 10C11 Trường THPT Tân Châu cùng nhau nghiêu cứu và so sánh với công trình ngoài thực tế để chế tạo, gắn thêm đèn chiếu sáng vào những vị trí phù hợp, tạo cảm giác tương đồng với mẫu thật.
Hiện nay, có 6 mô hình đã được bố trí hệ thống đèn hoàn chỉnh, còn 12 mô hình đang trong quá trình lắp ráp và gắn đèn. Một số mô hình nổi bật có thể kể đến như chùa Một Cột, Toà thánh Tây Ninh, Lăng Bác, Bến Nhà Rồng, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, Cung đình Huế, tượng Nữ thần tự do, tháp Eiffel... Trong đó, Toà thánh Tây Ninh là mô hình công phu, mất nhiều thời gian thực hiện.
Đạt cho biết: “Các mô hình được thiết kế bằng giấy, chân thật đến từng chi tiết nhỏ. Để giữ được độ chính xác của mô hình so với công trình thực tế, chúng em phải tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn. Mỗi công đoạn có lúc mất cả ngày mới có thể hoàn thành.
Sau khi mô hình hoàn chỉnh, em thường đăng tải lên mạng xã hội, có lồng ghép thêm trong bài viết những thông tin lịch sử liên quan đến mô hình, góp phần quảng bá văn hoá, sự kiện lịch sử của Việt Nam, du lịch của tỉnh nhà. Các mô hình được cất giữ trong tủ kính để hạn chế hư hỏng, có thể sử dụng lâu dài trong các hoạt động tuyên truyền về lịch sử của đoàn thanh niên”.
Ông Nguyễn Văn Trọng- Phó Bí thư Đảng uỷ xã Suối Dây cho biết, việc sưu tầm các mô hình của đoàn viên thanh niên xã nhà đã thể hiện sự sáng tạo của người trẻ, góp phần thúc đẩy hoạt động tuyên truyền về lịch sự, truyền thống dân tộc.
Thông qua việc quan sát trực tiếp mô hình, đoàn viên, thanh niên, học sinh chưa có điều kiện đi nhiều nơi sẽ phần nào có những trải nghiệm chân thật hơn về các địa danh, sự kiện lịch sử mà trước đây chỉ được nghe qua sách, báo, mạng xã hội…
Để vận dụng hiệu quả các mô hình vào công tác tuyên truyền, cần phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm các chú thích, cách thuyết trình để mọi người dễ đọc, tìm hiểu về những ngày lễ lớn, địa điểm nổi tiếng ở Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng.
Mô hình Chùa Một Cột được lắp thêm hệ thống đèn, tạo sự đẹp mắt và sống động hơn.
Không chỉ đam mê các mô hình lịch sử, Nguyễn Khắc Thành Đạt là nhân tố nổi bật trong các hoạt động Đoàn, phong trào thi đua từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường (từng làm Bí thư Đoàn trường) cho đến khi về địa phương công tác.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Thành Đạt theo học chuyên ngành Kinh doanh quốc tế tại Trường đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh và chuyên ngành thiết kế đồ hoạ chuyên nghiệp tại Trung tâm tin học Đại học Khoa học Tự nhiên. Sự nỗ lực trong học tập và tinh thần chủ động khám phá điều mới đã giúp Đạt có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng để trở về cống hiến cho địa phương.
Em tích cực tham gia nhiều hoạt động, phong trào do các cấp phát động như cuộc thi an toàn giao thông trực tuyến của Tỉnh đoàn, một trong những tác giả tham gia thiết kế biểu trưng cho Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, sáng tác bài hát, thiết kế sổ tay thể hiện tình cảm của thế hệ trẻ với Bác Hồ…
Ngoài ra, Thành Đạt còn tham gia thiết kế logo cho CLB xe đạp liên xã Suối Dây – Tân Thành, tạo nhóm Zalo kết nối các thành viên để có thêm nhiều hoạt động thể thao bổ ích. Hằng ngày, mọi người thường cùng nhau chạy xe đạp hơn 20km để nâng cao sức khoẻ, phát triển phong trào thể dục thể thao của địa phương.
Anh Nguyễn Hoàng Tuấn- Phó Bí thư Xã đoàn Suối Dây cho biết, Thành Đạt là người năng động, có sự sáng tạo cao, tự nguyện tham gia các hoạt động, phong trào từ xã đến tỉnh.
Các mô hình do Đạt sưu tầm mang ý nghĩa lịch sử, góp phần đưa các hoạt động tuyên truyền đến gần hơn với đoàn viên, thanh niên. Trong tương lai, Xã đoàn sẽ có những hoạt động gắn liền với các mô hình để tuyên truyền cho các bạn đoàn viên hiểu thêm về lịch sử dân tộc.
Các mô hình được lắp ráp kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ.
Với quyết tâm lan toả giá trị văn hoá, lịch sử, Nguyễn Khắc Thành Đạt sẽ tiếp tục tham gia các phong trào, hoạt động ý nghĩa; cố gắng truyền tải thông điệp về văn hoá, lịch sử một cách mới mẻ, không nhàm chán thông qua các mô hình thu nhỏ.
Với vai trò là Uỷ viên BCH Xã đoàn Suối Dây, Thành Đạt hy vọng các bạn đoàn viên sẽ có một hình thức tiếp cận mới, hiểu thêm về truyền thống dân tộc, yêu lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử tỉnh Tây Ninh nói riêng.
Phương Thảo