Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện về người in Báo Tây Ninh số ra mắt 75 năm trước
Thứ ba: 21:21 ngày 16/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Khi bài báo này đến tay bạn đọc, có một người từ 75 năm trước từng “tự tay” cho ra đời ấn bản đầu tiên của tờ báo Dân Quyền, tiền thân của Báo Tây Ninh, vừa yên nghỉ trong lòng đất mẹ ở Nghĩa trang liệt sĩ Trà Võ. Đó là ông Nguyễn Văn Choàng (thường gọi là Năm Choàng, còn có tên khác là Nguyễn Tấn).

Ông Năm Choàng phát biểu tại Hội nghị sơ thảo truyền thống Báo Tây Ninh, ngày 19.5.2010. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Cụm từ “tự tay” ở đây được đặt trong ngoặc kép vì nghĩa chính xác là như thế. Điều này do chính ông Năm Thệ, một trong hai người trực tiếp phụ giúp ông Năm Choàng in tở báo Dân Quyền số ra mắt từ ba phần tư thế kỷ trước, kể lại tại cuộc Hội thảo lịch sử báo chí cách mạng Tây Ninh diễn ra tại Toà soạn Báo Tây Ninh vào cuối năm 2000: “Lũ giặc cho tàu chạy tuần tra liên tục theo sông Vàm Cỏ Đông, chặn đường qua lại.

Đường số 7 vào thị xã Tây Ninh bị bọn lính kín, mã tà luôn có mặt. Dù cơ cực lắm, nhưng bộ phận tiếp liệu đã đạp đầu thù, vượt qua vùng phong toả của giặc, đưa vật liệu (giấy, mực) về kịp in, dù in bằng đất sét.

Thật là một kỳ công. Bộ phận in chỉ có một mình đồng chí Năm Choàng in không kịp, nếu để bản cảo cách đêm in không được mấy bản, các đồng chí Năm Thệ và Hoàng Minh Hiệp cùng phụ in. Báo in gần xong, mọi người đều sung sướng thở phào nhẹ nhõm”.

Khi người ghi biên bản hội thảo gặng hỏi lại: “bản cảo là cái gì?”, ông Năm Thệ giải thích: “Là cái khuôn đất sét trắng, đã được viết chữ bằng mực policopy lên mặt khuôn, mà phải viết chữ ngược in ra mới xuôi, đọc được”.

Sự kiện tờ báo kháng chiến của tỉnh chính thức ra đời, phát hành vào tận trung tâm thị xã (nay là thành phố) qua đường dây bí mật đến tay ông Phan Minh Chọn (đồng chí Phan Văn, thường gọi là Tư Văn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh), lúc ấy còn làm công chức Sở Trường Tiền của chính quyền Pháp thuộc tại Tây Ninh.

Từ đây tờ báo kháng chiến đến với nhân dân trong tỉnh, trở thành niềm tin, tiếng gọi yêu nước, động viên đồng bào hưởng ứng ủng hộ kháng chiến, thoát ly tham gia kháng chiến, quyết đánh đuổi bọn thực dân vừa tái xâm lược nước ta chưa đầy một năm trước đó.

Ông Năm kể lại chuyện làm báo thời kháng chiến. Ảnh: Đức An

Sau thắng lợi quan trọng này, ông Năm Choàng chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, vì thế khi tờ báo ra đời và phát triển được 75 năm, cũng chính là năm ông Năm Choàng được nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Và còn một ngẫu nhiên hết sức đặc biệt nữa, ngày truyền thống của tờ báo - ngày 5.10 lại trùng với sinh nhật của ông 5.10.1930. Điều này xác định, ông Năm Choàng vào Đảng lúc vừa tròn 16 tuổi. Khi người viết bài này hỏi thăm, sao chú được kết nạp Đảng sớm dữ vậy, ông Năm trả lời, giặc tới thì đi theo kháng chiến, chứ hồi đó có giấy tờ gì đâu, chỉ tính tuổi theo năm âm lịch.   

Đó là chuyện ông Năm Choàng làm báo Dân Quyền và vào Đảng từ “kháng chiến chín năm” chống Pháp. Còn đến khi tờ báo Đảng của tỉnh tiếp tục xuất bản với tên Báo Giải Phóng thời chống Mỹ, ông Năm Choàng cũng lập được thành tích rất độc đáo: cải trang, đột nhập vào tận sào huyệt của kẻ địch ở “Đô thành Sài Gòn” đưa về căn cứ cách mạng, tái lập nhà in với tên mới “Nhà in Hoàng Lê Kha” tên của một vị lãnh đạo kháng chiến Tây Ninh, Anh hùng LLVT nhân dân, người đầu tiên bị kẻ thù hành hình dã man bằng máy chém theo Luật 10/59 của chế độ nguỵ quyền Ngô Đình Diệm.

Tiếp nối truyền thống nhà in Dân Quyền, nhà in Dương Minh Châu thời kháng Pháp và sau này lại có tên bí mật “nhà in Trịnh Phong Cương” khi in tờ báo “Nước Vinh Đạo Sáng” để phát hành vào khu vực Toà Thánh - Long Hoa (thị xã Hoà Thành ngày nay) thời chống Mỹ.

Cả bốn cái tên của nhà in kháng chiến này đều do ông Năm Choàng lãnh đạo “tác chiến” bằng “vũ khí” xu xoa, đất sét, giấy sáp, chữ chì trộn với máu, nước mắt, mồ hôi của những người công nhân yêu nước. Điều này được khẳng định vì suốt 30 năm chiến tranh ông Năm Choàng chỉ ghi trong lý lịch một chức danh “Uỷ viên Ban Tuyên huấn”, phụ trách nhà in kháng chiến.

Tờ báo Tây Ninh ngày nay, lúc ban đầu cách đây 75 năm được xuất bản  bằng các phương pháp in thủ công, bán cơ giới như thế, do máy in chỉ là máy tự chế, đóng bằng gỗ. Thật ra ở nửa đầu thế kỷ XX, công nghệ in typo (chữ chì) là hiện đại nhất, tiên tiến nhất trên thế giới lúc bấy giờ.

Và ông Năm Choàng đã là người trực tiếp thực hiện công việc in báo, bằng tất cả các “công nghệ” ấy từ khi Báo Dân Quyền, tiền thân của Báo Tây Ninh, mới ra mắt số đầu tiên cho đến ngày Báo Giải Phóng “từ trong rừng ra” trở thành Báo Tây Ninh xuất bản công khai, chính thức được mệnh danh “Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tây Ninh”.

Thành tích cống hiến của ông Năm Choàng nổi bật nhất là việc ông cải trang đi từ căn cứ bí mật ở Lợi Hoà Đông, An Tịnh, Trảng Bàng vào tận Chợ Lớn, Sài Gòn mua thiết bị in typo về “mở nhà in” để in tờ báo Giải Phóng.

“… Thật là một kỳ công. Bộ phận in chỉ có một mình đồng chí Năm Choàng in không kịp, nếu để bản cảo cách đêm in không được mấy bản, các đồng chí Năm Thệ và Hoàng Minh Hiệp cùng phụ in. Báo in gần xong, mọi người đều sung sướng thở phào nhẹ nhõm”.

Ông Năm Thệ, một trong hai người trực tiếp phụ giúp ông Năm Choàng in tở báo Dân Quyền số ra mắt đầu tiên

Tại cuộc các hội thảo trước và sau năm 2000 để biên soạn phần Báo Tây Ninh trong các sách “Lịch sử báo đảng bộ các tỉnh và thành phố” (NXB Sự Thật in năm 2000) và Sơ thảo truyền thống lịch sử Báo Tây Ninh (Toà soạn Báo Tây Ninh in năm 2010), cũng như trong các cuộc tiếp xúc với nhiều cán bộ, phóng viên Báo Tây Ninh, các nhân chứng lịch sử Tư Văn, Năm Choàng, Năm Thệ đều kể rất chi tiết về các chuyến đi công khai của hai ông Tư Văn, Năm Choàng trong vai khách thương.

Ông Năm Thệ kể: “Vốn có kinh nghiệm xây dựng nhà in trong thời chống Pháp, trước tiên các đồng chí tập trung lo tạo phương tiện như con chữ (đúc bằng chì), giấy, mực in… muốn có được các thứ này là phải đi Sài Gòn, vậy ai đi? Đồng chí Năm Choàng thì rành về chữ nghĩa mà ít người thân quen, có thân thế ở Sài Gòn. Đồng chí Tư Văn thì có người thân quen nhưng không biết nhiều về chữ in.

Cuối cùng các đồng chí quyết định đồng chí Tư Văn đi bằng cách móc với cơ sở nội tuyến lấy cắp cho mấy tờ giấy cử tri (lúc đó chế độ Sài Gòn chưa làm thẻ căn cước-NV) có đóng mộc và chữ ký tên sẵn của tay quận trưởng (quận Trảng Bàng-NV) rồi đồng chí Tư Văn ghi tên mình vào. Đồng chí Tư Văn ra đi mà mọi người đều lo ngại. Giấy tờ tuỳ thân là giấy giả chẳng ra sao, quần áo giày dép mượn của bà con mặc vào chẳng giống ai. Nhưng việc gì đến sẽ đến, cứ đi. Rất may là chuyến đi của đồng chí được trót lọt”.

Tuy nhiên, số chữ chì đồng chí Tư Văn mua về không đủ các kiểu chữ, cỡ chữ và không đủ số lượng để có thể in một tờ báo cũng như các tài liệu cần thiết cho cán bộ cách mạng hoạt động công khai trong thời kỳ bí mật. Thế là phải đi Sài Gòn một lần nữa.

Lần đi lần khó, các đồng chí thống nhất đề nghị Tỉnh uỷ xin thêm tiền để mua chữ, và các thiết bị dùng để sắp chữ đủ cho một nhà in chữ chì. Ông Năm Choàng nói: “Nhờ có kinh nghiệm chuyến đi trước của đồng chí Tư Văn, nên lần đi này của Năm Choàng có thuận lợi và an toàn hơn”.   

Trong vai một khách thương, ông Năm Choàng đáp xe đò từ Trảng Bàng xuống bến xe Bà Quẹo, Sài Gòn rồi đi xe lam đến một hãng đúc chữ chì ở Chợ Lớn. Khi ông còn lúng túng mở lời với nhân viên bán hàng ở tầng trệt cửa hàng về chuyện muốn mua thiết bị in thì từ trên lầu một người Hoa, là tài phú (người quản lý) của hãng vội vã bước xuống mời ông lên lầu, vào phòng làm việc.

Ông Năm Choàng tin chắc là tay tài phú đã biết được ông là người cách mạng vào mua hàng để chuyển ra căn cứ kháng chiến, vì vậy ông đinh ninh là “phen này chết chắc”. Thế nhưng không ngờ người tài phú không hỏi han, truy vấn ông gì cả mà lại tận tình hướng dẫn ông những việc cần làm, những gì cần mua để có thể lập được một nhà in typo trong điều kiện cần thiết tối thiểu.

… Ông Năm Choàng chuyển được mấy trăm ký chữ chì và các thiết bị cần thiết khác từ Chợ Lớn về tận căn cứ kháng chiến an toàn. Phương tiện vận chuyển là xe hàng của một cơ sở cách mạng. Cơ sở ấy chính là gia đình của  Út Thuỷ - Nguyễn Thị Thu Thuỷ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.

Sau đó người tài phú kêu nhân viên lấy hàng đóng gói gọn gàng cẩn thận cho khách dễ nhận, dễ chuyển. Trong lúc đó, ông Năm Choàng kiếm chuyện đi khỏi cửa hàng, đứng xa xa nhìn lại xem… có tên mật thám nào đến không! Thế rồi công việc “táo bạo” ấy đã trót lọt, ông Năm Choàng chuyển được mấy trăm ký chữ chì và các thiết bị cần thiết khác từ Chợ Lớn về tận căn cứ kháng chiến an toàn. Phương tiện vận chuyển là xe hàng của một cơ sở cách mạng. Cơ sở ấy chính là gia đình của bà Út Thuỷ - Nguyễn Thị Thu Thuỷ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.

Từ đó, tờ báo Giải Phóng của Tỉnh uỷ Tây Ninh được in bằng công nghệ in hiện đại, với số lượng hàng ngàn bản mỗi kỳ, báo được phát hành không chỉ ở chiến khu mà còn vào được tận các vùng địch tạm chiếm ở thành thị.

Sự hiện diện của tờ báo kháng chiến được in ấn đàng hoàng, rõ đẹp với nội dung tuyên truyền đường lối cách mạng, giải phóng đất nước, vạch mặt, lên án kẻ thù, động viên nhân dân tham gia, ủng hộ kháng chiến đã làm cho các tầng lớp nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào chính nghĩa của cách mạng; đồng thời làm cho kẻ thù hết sức sợ hãi vì chúng không thể nào ngờ “Việt Cộng” lại có thể in được tờ báo kháng chiến độc đáo như thế, không kém gì các tờ báo xuất bản tại đô thành Sài Gòn.

Từ xuất xứ ban đầu ấy, tờ báo của Đảng bộ tỉnh duy trì việc ấn loát, xuất bản liên tục cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Có thể nói, trong giai đoạn cực kỳ khó khăn của những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, trước ngày Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (20.12.1960), tờ báo của tỉnh chỉ có hai người làm “một người là cả toà soạn” và “một người là cả nhà in”: ông Phan Văn - chú Tư Văn và ông Nguyễn Tấn- chú Năm Choàng.

Ông Phan Văn-Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Báo Tây Ninh (theo Quyết định về việc thành lập cơ quan báo của Đảng bộ, ngày 5.10.1976 của Tỉnh uỷ Tây Ninh, do Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Văn Hải - chú Bảy Hải ký) đã nói về người đồng đội, đồng nghiệp của mình tại cuộc hội thảo báo chí năm 2000 như sau:  

“Nói đến chữ chì, giữa năm 1947 hai đồng chí Hoàng Hiệp và Năm Choàng vốn không phải thợ nhà in, lặn lội về một nhà in của Nam bộ học nghề (nhà in Lý Chính Thắng của Liên hiệp Công đoàn Nam bộ ở An Phú Đông, Gia Định), nhất là đồng chí Năm Choàng, một học sinh khi ra kháng chiến mới 17 tuổi…

Tôi nhớ mãi và rất xúc động khi dự lễ mừng công của Xí nghiệp in trong dịp Tết 1963. Chuyện kể lại y như quay phim, đồng chí Năm Choàng làm trọn tháng tết. Đồng chí mệt lả đến mức gục đầu trên mâm chữ. Bởi vì đồng chí làm việc 24/24 tiếng trong ngày mà cả tháng tết đều như vậy. Trong giấc ngủ đồng chí còn nói mê “phải in cho kịp báo Xuân”.

Máy in thời kháng chiến. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Ý chí và tấm lòng của người duy nhất thuộc thế hệ làm báo đầu tiên ở Tây Ninh, từ ngày ra mắt tờ báo Dân Quyền cho đến ngày kỷ niệm 75 năm truyền thống của tờ báo Đảng bộ tỉnh nhà 5.10.2021 là như thế.

Buồn thay, bộ phim tài liệu về truyền thống Báo Tây Ninh, chưa kịp phát hành vì lễ kỷ niệm 75 năm của Báo chưa thể tổ chức trọng thể theo kế hoạch đã được cơ quan chủ quản tờ báo Tỉnh uỷ Tây Ninh chấp thuận vì rơi vào những ngày cao điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đồng chí Nguyễn Văn Choàng đã qua đời ngày 13.11.2021, ông không kịp xem, kịp nghe những hình ảnh thật sáng sủa, sinh động, những lời kể đầy tâm huyết của mình với thế hệ làm báo thời công nghệ 4.0 hiện nay.

Thời của chúng con, chúng cháu bây giờ không thiếu một phương tiện hiện đại, tối tân nào cho hoạt động tác nghiệp của nghề báo với đầy đủ các loại hình, từ báo in truyền thống đến báo điện tử trên mạng thông tin toàn cầu internet. Nhưng có lẽ là ý chí, nghị lực và tâm huyết với nghề chắc khó mà theo kịp thời làm báo dưới mưa bom, bão đạn của chú, của ông Năm Choàng và thế hệ làm báo đầu tiên của tờ báo Đảng bộ tỉnh.

Nguyễn Tấn Hùng

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh