Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyến xe chở những tấm lòng
Thứ sáu: 12:57 ngày 06/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiếc xe tự chế đơn sơ không chỉ chở đầy thực phẩm mà còn là cả tấm lòng của người trao. Chủ chiếc xe này là vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Hà và anh Bùi Đăng Nhiên, ngụ ấp Bàu Dài.

Các chị cho thực phẩm lên xe.

Tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu từ những ngày đầu phải thực hiện giãn cách xã hội trên toàn huyện, hình ảnh "Chuyến xe thực phẩm 0 đồng" len lỏi vào các ngõ hẻm, xóm ấp để trao gửi những phần rau củ quả, thức ăn hay thuốc men cho người dân dần quen thuộc. Chiếc xe tự chế đơn sơ không chỉ chở đầy thực phẩm mà còn chở cả tấm lòng của người trao. Chủ chiếc xe này là vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Hà và anh Bùi Đăng Nhiên, ngụ ấp Bàu Dài.

Chị Hà vốn làm nghề bán rau quả tại chợ xã Phước Ninh, khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, chị chuyển sang bán rau bằng hình thức giao tận nhà, lúc ấy, hàng bán rất được, mỗi ngày chị Hà có thể kiếm hơn một triệu tiền lời. “Nhưng lúc đó tôi nghĩ, mình đi bán lỡ bị nhiễm rồi lây bệnh cho cộng đồng thì không hay”- chị Hà chia sẻ.

Xe chuẩn bị lên đường đến với người dân.

Vậy là, dù còn mớ rau củ chưa bán hết nhưng chị Hà cũng quyết định nghỉ, số còn dư sẽ mang tặng bà con có hoàn cảnh khó khăn hay trong khu cách ly. Ngay lúc vừa nghỉ, chị được Hội LHPN xã gợi ý cùng tham gia mô hình  “Chuyến xe thực phẩm 0 đồng” hỗ trợ thực phẩm cho bà con. Do cũng từng có ý định làm việc này nên chị đồng ý ngay, đến nay chị tham gia hoạt động thiện nguyện được hơn hai mươi ngày.

Lúc đầu, chị Hà cùng với chị gái mình là chị Nguyễn Thị Thu Hoa (ngụ ấp Phước Tân) cùng đi thu gom rau để gửi tặng người dân. Chiếc xe dùng để chở hàng cũng tận dụng từ thùng xe lôi của chồng chị Hà vừa mua về để vận chuyển nông sản.

Chị nói: “Chuyến đầu tiên, chúng tôi chở khoảng 50 phần thực phẩm, mỗi phần từ 3-5 kg tùy loại, gửi tặng cho người dân tại ấp Bàu Dài”. Sau đó được sự gợi ý từ lãnh đạo địa phương, chuyến xe của vợ chồng chị Hà đã len lỏi đến nhiều xóm ấp trong xã, hỗ trợ được nhiều người hơn.

Anh Bùi Đăng Nhiên (chồng chị Hà) cho biết: “Mỗi chuyến đi tùy độ xa gần mà có thể mất từ hơn một tiếng đến ba tiếng đồng hồ”. Sau mỗi chuyến đi, các anh chị toàn thân đều ướt đẫm mồ hôi vì phải mặc quần áo bảo hộ nhưng họ đều vui vẻ, “bảo vệ mình, mình có khỏe thì mới giúp được bà con lâu dài hơn”. 

Chị Hà chuẩn bị rau quả.

Sau vài chuyến xe, thông qua mạng xã hội, nhiều người đã biết đến và mang rau, thực phẩm đến cùng hỗ trợ. Nhà của chị Hà là nơi tập kết rau, củ, quả. Mỗi ngày có trung bình khoảng 10 lượt người ủng hộ, sau đó chị Hà cùng chồng, chị Hoa, đại diện hội LHPN xã chia ra những phần nhỏ để gửi tới người dân. Qua mỗi chuyến đi, chị Hà tìm hiểu xem bà con cần gì, hoặc đang thiếu gì để ở chuyến sau mang đến tặng.

Theo chị Hà, số lượng thực phẩm không biết bao nhiêu cho đủ, có những lúc đã tăng gấp ba số lượng ban đầu cũng không đủ chia, nhất là ở những ấp xa có nhiều người khó khăn. Chị chia sẻ: “Những lúc như vậy, tôi cũng thấy buồn lắm, nhận lời cảm ơn nhưng không đủ phát, nhìn cảnh ấy đôi khi lại rơi cả nước mắt”.

Qua hơn hai mươi ngày, đã có hơn chục chuyến xe chở thực phẩm gửi tặng người dân, có chuyến hơn 200 phần. Điều này, đã vượt quá sức tưởng tượng của chị Hà và những người cùng thực hiện, bởi khi khởi phát ý định, chị cũng rất đắn đo vì sợ không duy trì được lâu dài.

Ban đầu chị nghĩ chỉ cho rau tại các khu cách ly và các hộ nghèo nhưng thấy nhiều người cần nên mới quyết định mua, vận động thêm để gửi tặng cho bà con. Và đến hiện tại: “Ai cần thì mình tặng, hiện nay không chỉ người nghèo mới cần giúp đỡ, mà có nhiều gia đình gặp bất tiện trong đi lại hoặc do hạn chế ra đường để  phòng, chống dịch cũng cần”- chị Hà chia sẻ.  

Chị Hoa cũng rất tích cực hỗ trợ em gái.

Ngoài số rau, củ quả vận động mọi người đóng góp, chị còn dùng cả tiền tiết kiệm của gia đình để mua rau hỗ trợ bà con. Chị Hà cười nói: “Dù tiêu hết số tiền tiết kiệm nhưng mình thấy vui vì giúp được bà con trong lúc khó khăn. Tôi cũng không lo lắng gì, vì mình có thể làm kiếm lại, còn bây giờ lo cho bà con trước đã”.

Chị Hà duy trì được việc là thiện nguyện trong khoảng thời gian qua là nhờ sự đồng hành, góp sức của những người thân. Cùng cảnh “nhàn rỗi” vì nghỉ việc do dịch bệnh, chị Hoa tận lực góp sức, góp của với em gái để duy trì công việc ý nghĩa này. Chị Hoa vui vẻ cho biết: “Thường, khi mình đi làm có tiền mà vui không nói, còn bây giờ vừa tốn tiền, vừa mệt mà được vui hơn, nhìn bà con có đồ ăn là thấy hạnh phúc”. 

Ngoài chị gái, chị Hà luôn có chồng, con cùng đồng hành. Con trai lớn của chị Hà là sinh viên, về nhà nghỉ tránh dịch cũng tham gia đội thanh niên tình nguyện của Huyện đoàn hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Chị Hà nói: “Gần một tháng rồi cháu vẫn chưa về nhà, nhưng hai mẹ con thường xuyên gọi điện, động viên và chia sẻ công việc cùng nhau nên vui lắm”.

Anh Bùi Đăng Nhiên nhiều năm tham gia lực lượng dân quân tự vệ tại địa phương, những ngày này, công việc của anh cũng nhiều hơn bình thường, nên chiều tranh thủ đi cạo mủ, tối tham gia trực chốt, sáng đi trút mủ, về vận chuyển, phụ chia rau rồi cùng vợ đi phân phát.

Một ngày của anh Nhiên rất nhiều việc, nhưng anh vẫn vui vẻ: “Nhiều lúc rất mệt nhưng mình phải ráng cố gắng đồng hành với bà con, hỗ trợ tinh thần để bà con vượt qua khó khăn, cùng chiến thắng dịch bệnh chứ”. Trong công việc, khi thấy mệt hay khó khăn hai vợ chồng anh thường xuyên động viên nhau để làm tốt hơn.

Anh Nhiên chia sẽ: “Tôi thấy công việc này có nhiều ý nghĩa, nhất là khi cả gia đình đồng lòng góp chút sức cùng địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Dù có những khó khăn nhưng vợ chồng tôi sẽ cố gắng duy trì công việc này đến hết dịch, mọi thứ trở lại bình thường mới thôi”.

Vi Xuân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục