Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nếu chỉ tính kết quả 5 trận gần nhất, đội bóng Nam Định mới là kẻ đứng đầu bảng V.League chứ không phải đương kim vô địch CLB Hà Nội hay TP.HCM.
Đội bóng có tiếng nghèo nhất V.League, không sở hữu bất kỳ ngôi sao nào, được dẫn dắt bởi một HLV vô danh (Nguyễn Văn Dũng) với vị trí quen thuộc nằm trong nhóm cuối bảng, giờ đang là CLB có phong độ tốt nhất V.League.
Trong 5 trận gần nhất, CLB Nam Định giành 3 chiến thắng, một trận hòa, có 10/15 điểm tuyệt đối. Chính họ chứ không phải CLB Hà Nội hay TP.HCM mới đang là đội bóng có phong độ ấn tượng nhất giải đấu.
So với những mùa bóng trước, Nam Định không có nhiều đổi khác. Họ thậm chí phải chia tay tuyển thủ hiếm hoi trong đội hình là Đinh Viết Tú hồi đầu mùa. Đội bóng cũng đã phải thay tướng một lần khi ông Nguyễn Văn Sỹ chủ động từ chức. Lực lượng của họ từ nội binh tới ngoại binh không có gì đặc biệt và càng không thể so sánh với các đối thủ. Dù vậy, họ vẫn “sống khỏe” ở V.League.
CLB Nam Định thăng hoa trước hết phản ánh sự tiến bộ của đội bóng này ở V.League 2019. Tuy nhiên, nó cũng hé lộ nhiều vấn đề của V.League trong mùa giải khốc liệt và căng thẳng bậc nhất lịch sử.
10/15 điểm tuyệt đối mà Nam Định đã có trong 5 vòng gần nhất là con số ấn tượng, nhưng chưa xuất sắc đến mức không một CLB nào đuổi kịp. Điều quan trọng là những đối thủ có khả năng giành số điểm tương tự đều chơi bóng không đúng với kỳ vọng dành cho họ.
CLB dẫn đầu TP.HCM chỉ thắng 2 trong 5 trận gần đây, giành được 8/15 điểm tuyệt đối. Đương kim vô địch CLB Hà Nội bất bại nhưng để hòa tới 3/5 trận, giành 9/15 điểm. Sự tiến bộ của CLB Nam Định không thể đặt ngoài bối cảnh cụ thể của các đội bóng ấy.
Đội Nam Định là CLB có phong độ cao nhất V.League trong bối cảnh các đối thủ lớn đều gặp khó khăn với lịch thi đấu khốc liệt.
Với TP.HCM, lực lượng của họ chưa tương xứng tham vọng và sức mạnh hiện tại của đội bóng. HLV Chung Hae-seong tài năng, nhưng đội bóng của ông đang dần chạm tới giới hạn. Mùa trước, vẫn với lực lượng ấy, TP.HCM chỉ xếp hạng 12 tại V.League. Nhiều cầu thủ của HLV Chung chưa từng trải nghiệm vị trí dẫn đầu V.League, chưa có kinh nghiệm trong cuộc chiến giành ngôi vô địch.
Với CLB Hà Nội, việc họ không thể bứt lên là bằng chứng cho thấy phải thi đấu cả ở đấu trường châu Á và quốc nội vẫn là thử thách quá tầm cho các đại diện Việt Nam. Bằng thời điểm vòng 18 mùa trước, Quang Hải và đồng đội đã giành tới 47 điểm. Mùa này, họ mới có 34 điểm.
Việc phải chia sẻ lực lượng cùng tuyển Việt Nam ở King’s Cup cũng là nguyên nhân gián tiếp tạo ra tình trạng hiện tại ở V.League. Bên cạnh sự thăng hoa của Nam Định, 2/3 CLB dẫu đầu V.League lúc này (TP.HCM và Quảng Ninh) là những đội không đóng góp cái tên nào cho tuyển quốc gia. Đà Nẵng, SLNA, Nam Định ở phía sau cũng chỉ cung cấp tổng cộng 2 người cho HLV Park Hang-seo.
Lịch thi đấu khốc liệt khiến CLB Hà Nội gặp quá nhiều khó khăn ở các mặt trận.
So với CLB Hà Nội, HAGL hay Viettel, các đội bóng trên có điều kiện để giữ gìn thể lực cho những trụ cột. Họ cũng là những CLB không phải thi đấu AFC Cup, đã bị loại ở cúp quốc gia. Họ có đủ thời gian để tập trung vào mục tiêu duy nhất còn lại là V.League. Sự thảnh thơi ấy là điều mà Quang Hải, Văn Hậu, Duy Mạnh không thể có được, bởi CLB Hà Nội đã vào tới chung kết AFC Cup, góp mặt tại bán kết cúp quốc gia. Trước mặt họ vẫn còn những đợt tập trung tuyển Việt Nam và U23 quốc gia.
Nói như HLV Chu Đình Nghiêm: “Mật độ thi đấu liên tục khiến chúng tôi phải đá gần hơn, được nghỉ ngắn hơn các đội khác. CLB Hà Nội buộc phải có các tính toán về nhân sự. Việc phải đá 8, 9 trận trong một tháng khiến chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều”.
V.League 2019 vẫn còn 8 vòng đấu, xen lẫn bởi các đợt tập trung tuyển quốc gia, U23, loạt trận AFC Cup và cúp quốc gia. Bối cảnh ấy chắc chắn sẽ tiếp tục tạo ra những câu chuyện thú vị mà CLB Nam Định không phải là điển hình duy nhất.
Nguồn Zing