Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam:
Cổ động tuyên truyền, hướng dẫn đường lối cách mạng miền Nam
Thứ sáu: 09:10 ngày 26/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những đóng góp to lớn của Ban Tuyên huấn trong cuộc kháng chiến cứu nước là một phần lịch sử tất yếu và quan trọng của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia của địa điểm Căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Kỳ cuối: Địa chỉ đỏ cho các thế hệ mai sau

Trân trọng lịch sử...

Căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam được xây dựng và khánh thành từ năm 2005, toạ lạc ấp Tân Nam, xã Tân Bình, huyện Tân Biên. Khu di tích được khoanh vùng với diện tích 1.371,1m2, thuộc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Đến năm 2020, một số vị trí đã xuống cấp, cần phải trùng tu, tôn tạo và nâng cấp nên di tích được cải tạo, nâng cấp với tổng kinh phí đầu tư khoảng 4,9 tỷ đồng. Bên cạnh việc nâng cấp, công trình có thêm một số hạng mục mới như: nhà kho, nhà vệ sinh, hàng rào, bảng hiệu, hệ thống cáp điện, nước sinh hoạt...

Hiện nay, đến tham quan khu di tích này, mọi người sẽ thấy các hạng mục công trình chính, phía trước đặt một tấm đá hoa cương khắc dòng chữ: “Di tích Nhà bia tưởng niệm nơi làm việc của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam thời kỳ 1962-1975”.

Bên trong di tích, nhà bia được xây dựng theo kiểu tứ trụ, có 2 nóc mái, mái đúc xi măng giả ngói, xung quanh không có vách, chỉ có các cột trụ tròn bằng xi măng, ở giữa có đặt một tấm bia bằng đá hoa cương màu đen. Mặt trước tấm bia, phía trên khắc biểu tượng bông lúa và cờ Đảng, phía dưới khắc dòng chữ: “Nơi đây là căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (từ năm 1962 đến 1975).

Mãi mãi tự hào nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, những người con ưu tú của Đảng và Nhân dân đã chiến đấu, hy sinh trên mặt trận tư tưởng - văn hoá, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên những chiến công vẻ vang trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”. Phía dưới cùng ở giữa có khắc biểu tượng hoa sen cách điệu.

Bên trái nhà bia là Đài tưởng niệm, được xây dựng trên một bậc tam cấp bằng xi măng ốp đá hoa cương. Mặt trước Đài tưởng niệm phía trên trang trí biểu tượng cờ Đảng, ở giữa tạo hình trang sách và có khắc chữ màu vàng trên nền đỏ với nội dung: “Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, từ ngày 23.11.1962 đến 30.4.1975”.

Mặt sau, chạm nổi hình một trang sách- trong đó gắn một tấm đá hoa cương màu đỏ gạch, khắc chữ vàng: “Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Mật danh C31-C51-C107”. Ngoài ra, nơi đây còn khắc tên các tiểu ban và đơn vị trực thuộc: Văn phòng ban, Tiểu ban tuyên truyền, Tiểu ban văn nghệ…

Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Tổ quốc giao phó trong mọi tình huống của cuộc chiến tranh ác liệt, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đã có 548 người con của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam hy sinh, 353 thương binh, hàng trăm chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhiều cán bộ chuyên viên, nhà giáo, cán bộ khoa học kỹ thuật cấp cao và văn nghệ sĩ nổi tiếng được tặng các phần thưởng cao quý. Ba cơ quan thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam là Thông tấn xã Giải phóng, Nhà in Trần Phú, Điện ảnh Giải phóng đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Giáo dục truyền thống tốt đẹp cho thế hệ tương lai

Trải qua 90 năm, ngành Tuyên giáo có nhiều thay đổi về tên gọi, nhưng chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hoá, khoa giáo thì vẫn luôn thống nhất và xuyên suốt.

Địa điểm Căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ngành Tuyên giáo đã góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng của Đảng, nền tảng chính trị của chế độ, nền tảng tinh thần của xã hội, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đánh thắng mọi kẻ thù hung bạo, giữ vững bờ cõi thiêng liêng, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tuyên giáo đã luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam là địa chỉ đỏ mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên ngành Tuyên giáo tỉnh Tây Ninh tổ chức về nguồn, các cuộc họp mặt nhằm ôn lại truyền thống lịch sử, những cống hiến, thành tựu công tác của ngành Tuyên giáo tỉnh Tây Ninh, giáo dục truyền thống, niềm tự hào cho các thế hệ cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp trong tỉnh.

Đặc biệt, đây còn là nơi được các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và các tỉnh, thành phố về thắp hương tưởng nhớ, tri ân các thế hệ đi trước trong những dịp quan trọng.

Có thể nói, Căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam là công trình xây dựng thể hiện truyền thống, đạo lý, nghĩa cử cao đẹp “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc ta, là “cầu nối” giữa quá khứ với hiện tại và tương lai.

Đây là tấm lòng, trách nhiệm của người đang sống đối với các liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; sự ghi nhận công lao đóng góp to lớn của các cán bộ ngành Tuyên giáo cả nước nói chung và Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam nói riêng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Căn cứ còn là nơi lưu giữ di tích lịch sử của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam nói riêng và ngành Tuyên giáo nói chung, qua đó, giáo dục, tiếp sức cho các thế hệ trẻ phát huy khí phách của các thế hệ đi trước, vững bước đi trên con đường dẫu lắm gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang và đáng tự hào của ngành Tuyên giáo Đảng, tích cực đóng góp vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục