Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cô giáo mỹ thuật vùng biên
Thứ tư: 17:56 ngày 13/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cô Trần Thị Kim Loan- Trường THCS Lợi Thuận đã tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng nhiều phương pháp dạy học sáng tạo, giúp khơi gợi niềm đam mê môn Mỹ thuật nơi các em học sinh vùng biên giới- vốn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trong việc học lẫn trong cuộc sống.

Cô Trần Thị Kim Loan và những sản phẩm thủ công do học sinh của cô sáng tạo.

Đưa Mỹ thuật đến gần với học sinh

Sinh ra ở vùng đất đầy nắng gió huyện Bến Cầu, cô Loan có cơ duyên gắn bó 17 năm với học sinh vùng biên giới xã Long Phước, xã Lợi Thuận và An Thạnh (thị xã Trảng Bàng). Cô Loan chia sẻ, học sinh ở nơi đây đa phần có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không có điều kiện cho con học môn Mỹ thuật. Nhiều phụ huynh còn xem đây là môn học phụ, không cần thiết phải chú trọng dẫn đến việc nhiều em học sinh bị mai một năng khiếu mỹ thuật. “Nhưng trên thực tế, mỹ thuật đã được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống và trở thành một trong những ngành nghề nổi bật được nhiều người lựa chọn như: kiến trúc sư, đồ hoạ, thiết kế nội thất, thiết kế cảnh quan, thiết kế thời trang... Tôi luôn mong muốn các em khám phá được tài năng của mình và có thêm động lực, mạnh dạn theo đuổi ngành nghề yêu thích”- cô Loan chia sẻ.

Cô Loan đã suy nghĩ, tìm tòi nhiều phương pháp giảng dạy giúp các em học sinh nhận thức được tầm quan trọng của môn Mỹ thuật và khơi gợi niềm đam mê nơi các em. Trong suốt những năm qua, cô đã thực hiện 11 sáng kiến, giúp các em học sinh tiếp cận với bộ môn Mỹ thuật một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Sáng kiến mà cô tâm đắc nhất là “Giáo dục học sinh yêu vẻ đẹp mỹ thuật truyền thống địa phương”- năm học 2019-2020. Cụ thể hoá sáng kiến, cô Loan hướng dẫn các em học sinh thực hiện mô hình công trình thiết kế, trang trí cảnh quan khu vực trung tâm huyện gồm biểu tượng hình rồng, vòng xoay trung tâm, Bưu điện huyện và trang trí đèn đường.

Nhờ sự hướng dẫn, đồng hành của cô Loan, các em học sinh Trường THCS Lợi Thuận đã hoàn thành xuất sắc mô hình công trình, đạt giải Nhì Hội thi Khoa học kỹ thuật vòng huyện và đạt giải Khuyến khích vòng tỉnh. Đây chính là niềm vui và sự khích lệ tinh thần cho cô trò trong việc học và sáng tạo mỹ thuật.

Năm học 2020-2021, cô Loan xuất sắc đạt giải sáng kiến giáo dục cấp tỉnh với sáng kiến “Hướng dẫn học sinh học tốt môn học Mỹ thuật thông qua phần mềm Sweet Home 3D”, tạo điều kiện để các em học sinh học tốt môn Mỹ thuật, không bị gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19. Sáng kiến còn giúp các em có thêm kiến thức trong sử dụng công nghệ thông tin để vẽ và sáng tạo.

Mới đây, khi được giao nhiệm vụ giảng dạy bộ môn Giáo dục địa phương, cô Loan nghĩ ra sáng kiến đưa nét văn hoá lễ hội truyền thống của tỉnh Tây Ninh đến các em học sinh với chủ đề “Giúp học sinh Trường THCS Lợi Thuận học tốt chủ đề lễ hội truyền thống Tây Ninh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin”. Trong đó, cô khéo léo giới thiệu đến học sinh những lễ hội lớn của quê hương mình như các lễ hội của đạo Cao Đài, Hội xuân núi Bà và các ngày lễ, tết trong năm. Ngoài ra, cô còn lồng ghép vào bài học những kiến thức về mỹ thuật trong các công trình Phật giáo, tôn giáo Cao Đài, nét đẹp về trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Nói về ý nghĩa của sáng kiến, cô Loan chia sẻ: “Các em học sinh nơi đây hầu hết đều chưa được tham gia các lễ hội lớn của tỉnh vì khoảng cách đến các địa điểm du lịch, tôn giáo khá xa. Các em cũng không có điều kiện vui chơi như các bạn ở khu vực trung tâm. Vì vậy, tôi đã thực hiện sáng kiến này để các em hiểu hơn về nét đẹp lễ hội truyền thống và những mỹ thuật địa phương; mở mang kiến thức về văn hoá, du lịch địa phương, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước".

Mặc dù sáng kiến mới chỉ dạy được 4 tiết nhưng hiệu quả về công tác giáo dục văn hoá địa phương đã được phát huy. Với những thông tin gần gũi với thực tế, những tiết học của cô Loan đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các em học sinh.

Cô Trần Thị Kim Loan dạy môn Mỹ thuật cho các em học sinh.

Rất cần sự quan tâm

Là một giáo viên dạy học ở vùng xa, biên giới, cô Loan hiểu được sự thiếu thốn trong việc học tập của các em học sinh. Những tiết học Mỹ thuật thiếu dụng cụ vẽ đã trở nên quen thuộc đối với các học sinh nơi đây. Thương các em, có lúc, cô đã bỏ tiền ra hỗ trợ cho các em dụng cụ học vẽ như giấy vẽ, màu sáp, màu nước, cọ vẽ... để các em tiếp tục việc học và duy trì niềm đam mê với môn học này. Cô Loan tâm sự, môn Mỹ thuật đòi hỏi học sinh phải có đủ dụng cụ mới có thể thoả sức sáng tạo. Nhưng đối với các em, việc đầu tư cho môn này là chuyện khá xa xỉ. Nhiều em rất có năng khiếu vẽ và thiết kế, nhưng điều kiện học tập không cho phép.

Tuy nhiên, điều cô Loan trăn trở nhất là làm sao có thể thay đổi quan điểm của phụ huynh ở vùng biên này đối với môn Mỹ thuật. Bởi cuộc sống khó khăn, nhiều phụ huynh không mặn mà với môn này- dù con em mình đam mê hay có năng khiếu mỹ thuật. “Tôi mong rằng trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ có sự đầu tư bài bản về môn học Mỹ thuật, để các em học sinh vùng sâu, vùng xa cũng có điều kiện học tập tốt, được thoả sức sáng tạo và bộc lộ tài năng của mình”- cô Loan chia sẻ.

Không chỉ hết lòng với công tác giảng dạy, cô Loan còn quan tâm tìm hiểu hoàn cảnh học sinh, thường xuyên tham gia các hoạt động hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường.

Nói về cô Loan, cô Trương Thị Phương Khanh- Hiệu trưởng Trường THCS Lợi Thuận cho biết, sự sáng tạo của cô đã khơi gợi được niềm đam mê, năng khiếu của nhiều em học sinh. Những sáng kiến giảng dạy và sự hướng dẫn nhiệt tình của cô Loan đã giúp các em học sinh và trường đạt nhiều thành tích trong các hội thi về mỹ thuật, khoa học kỹ thuật.

Với những đóng góp tích cực trong công tác giảng dạy, cô Loan đã được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận là giáo viên tiêu biểu của tỉnh trong tháng 2 vừa qua.

Ngọc Bích - Vi Xuân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục