Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20-10-2024
0-10-2024
Cô giáo tài năng
Thứ tư: 09:48 ngày 12/04/2017

(BTNO) - Vốn có năng khiếu ca hát từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp THPT, cô gái trẻ Trần Thị Ngọc Nữ không do dự đăng ký thi vào ngành âm nhạc- công tác Ðội, Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Năm 2006, Ngọc Nữ đã chính thức trở thành giáo viên dạy âm nhạc tại Trường THCS Thị trấn (huyện Châu Thành).

Ở nhà, cô Nữ là một người mẹ hiền của hai con.

Những ngày đầu mới chân ướt chân ráo vào nghề, cô giáo trẻ cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng với tinh thần ham học hỏi, cô bắt nhịp khá nhanh với môi trường làm việc mới và ngày càng tiến bộ trong công tác giảng dạy. Cô luôn mạnh dạn đổi mới phương thức dạy học, có nhiều sáng kiến tạo nên sự hấp dẫn cho học sinh trong các tiết học âm nhạc. Hơn 10 năm gắn bó với nghề, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, cô giáo Nữ đã đạt được nhiều thành tích trong công tác, trong đó có danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm học 2014-2015. Cô cũng đã được trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khuyến học do Trung ương hội Khuyến học Việt Nam trao tặng.

Không chỉ dạy giỏi, cô Nữ còn tích cực tham gia các hoạt động nghệ văn hoá văn nghệ do ngành Giáo dục và các đơn vị, đoàn thể tổ chức. Với khả năng hát hay, đàn giỏi, cô đã trở thành hạt nhân nòng cốt của đội văn nghệ ở địa phương. Cô còn được biết đến với vai trò một người dẫn chương trình duyên dáng.

Gần đây nhất, cô giáo trẻ Ngọc Nữ thêm một lần khẳng định mình khi đoạt giải Ba hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc” năm 2017, do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục- Ðào tạo tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 3 vừa qua. Khi biết mình được ngành Giáo dục tuyển chọn làm đại diện tham dự hội thi này, cô giáo Nữ cảm thấy rất vinh dự. Nhưng bên cạnh niềm hân hoan, cô cũng không tránh khỏi áp lực, lo lắng không biết mình có làm tốt nhiệm vụ được giao hay không.

Tham dự hội thi, các nữ giáo viên phải trải qua 4 phần thi: trình bày một chuyên đề, xử lý tình huống sư phạm, thể hiện năng khiếu và thi duyên dáng. Ở phần thi duyên dáng, các thí sinh phải trình diễn áo dài truyền thống và trang phục tự chọn. Dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, nhưng cô thí sinh đến từ Tây Ninh có vóc dáng nhỏ nhắn, mảnh mai hơn so với các thí sinh khác vẫn cảm thấy khá hồi hộp. Nhưng rồi nét dịu dàng và phong thái duyên dáng của cô trong bộ áo dài truyền thống đã nhận được sự khen ngợi của mọi người.

Ở phần thi chuyên đề, cô Nữ đã chọn trình bày sáng kiến kinh nghiệm “Lồng ghép đồng dao vào tiết học nhạc lý cho học sinh lớp 6”. Theo cô, các bài giảng về nhạc lý còn mang tính lý thuyết, khô khan, do đó không tạo được sự hứng thú cho học sinh trong giờ học. Một bài đồng dao có vần, có điệu khiến học sinh dễ nhớ, dễ thuộc sẽ góp phần khắc phục được nhược điểm trên.

Người viết đã được “mục sở thị” một tiết dạy âm nhạc có lồng ghép đồng dao dành cho các em học sinh lớp 8 của cô Nữ. Giờ dạy khá sinh động, thu hút, cô giáo chỉ hướng dẫn qua một lần, các em đã có thể đọc vanh vách và nhớ bài ngay sau đó. Ví dụ, dựa theo vần điệu bài đồng dao “Ông giẳng ông giăng”, cô đã dạy các em so sánh về trường độ giữa các nốt nhạc: “Mời bạn cùng chơi, trò chơi âm nhạc. Một tròn hai trắng, một trắng hai đen, một đen hai đơn, một đơn hai kép. Nào ta cùng ghép, nốt nhạc trò chơi”. Trong mỗi bài học lồng ghép đồng dao, cô còn cho kết hợp bộ gõ để các em gõ theo tiết tấu, cùng với chơi trò chơi dân gian để giúp các em khắc sâu kiến thức bài học.

Năng động, nhiệt tình, dịu dàng và thân thiện, cô Nữ được đồng nghiệp và các em học sinh yêu mến. Em Nguyễn Vũ Tường Nguyên, học sinh lớp 8A1 chia sẻ: “Em rất thích giờ học âm nhạc. Cô Nữ luôn tạo ra môi trường học tập vui vẻ, thoải mái học mà chơi, chơi mà học, giúp chúng em tiếp thu bài rất nhanh và tự tin thể hiện năng khiếu ca hát của mình. Cô không chỉ là cô giáo mà còn là người bạn, luôn lắng nghe tâm sự của chúng em. Cô đàn giỏi, lại hát rất hay, chúng em thích nghe cô hát và biễu diễn lắm”.

Thầy Nguyễn Văn Thanh- Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn (Châu Thành) nhận xét: “Cô Nữ là một giáo viên có tài năng, lại có tâm huyết với nghề, giảng dạy đạt kết quả cao. Cô cũng rất năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào hoạt động của trường, của ngành. Chúng tôi cảm thấy tự hào khi trường mình có một cô giáo như cô Nữ”.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo, từng có biết bao niềm vui nỗi buồn, cô Nữ bày tỏ: công việc nhiều lúc cũng áp lực lắm nhưng chính tình yêu thương, sự ủng hộ của học sinh và của đồng nghiệp đã là động lực giúp cô toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghề. Ðối với cô, việc ca hát và dạy học trò ca hát là niềm vui không thể thiếu trong cuộc sống. Qua cuộc thi “Cô giáo tài năng duyên dáng”, cô giáo Ngọc Nữ càng ý thức rõ hơn về năng lực và trách nhiệm của người giáo viên đối với đàn trò nhỏ- những chủ nhân tương lai của đất nước.

CHÂU PHA- ÐỨC NGUYỄN

Tin liên quan