Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Có hay không trận Trương Quyền đánh Pháp tại Bời Lời ?
Thứ tư: 11:48 ngày 21/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không có gì thú vị hơn khi người nghiên cứu lịch sử phát hiện ra những tư liệu mới trước đây chưa từng có. Người đọc sách "Căn cứ địa Bời Lời huyền thoại" có lẽ cũng cảm thấy như vậy khi phát hiện trong tập sách này một bài viết dài từ trang 85 đến 107, có ghi chú ở cuối như sau: “Viết nhân dịp kỷ niệm 150 năm trận đánh lịch sử trong rừng Bời Lời giữa nghĩa quân Trương Quyền và quân viễn chinh xâm lược Pháp do đại tá Mác-sét chỉ huy (1869- 2019)”

Cầu Quan bằng tre, từng chứng kiến chiến công của Trương Quyền.

Bài viết đã trích cả một đoạn dài, theo đó là của: “một thiên phóng sự được viết tại rừng Bời Lời vào cuối năm 1869, phóng viên tờ báo Pháp Le Monde tường thuật…”. Phóng viên kể mình được cử đi theo đoàn quân của quan năm Mác-sét (Marchaisse- TV), với tâm thế là phải “báo ngay tin chiến thắng nóng hổi về toà soạn”.

Ðoạn văn trích có nhiều chi tiết đặc sắc như khu rừng này có những tán cây to mà dân bản địa gọi là cây cầy. Rồi quân Pháp bị một loại kiến to, chạy rất nhanh cắn người đau khủng khiếp, hoặc có lúc lại bị ong đốt, khiến “binh lính chạy tán loạn, mặt mũi bị sưng vù…”.

Nhưng, đáng sợ nhất vẫn là các: “Phiến quân, chúng như ma quỷ hiện hình, chỉ nghe một tiếng “phực” thì một quân sĩ của ta giãy chết vì trúng phải tên có tẩm thuốc độc…”. Lại có lúc: “Khi một cánh quân ta vừa đến một bìa trảng, bất thình lình phiến quân từ dưới đất chui lên, từ trên cây nhảy bổ vào quân ta và cuộc chiến đấu không ai mong đợi đã diễn ra! Lạy chúa, chung quanh tôi đã có đến 6 người bị chém gục ngã giẫy giụa. Một số khác chạy ra mặt trảng trống định dùng súng kháng cự, nhưng họ chưa kịp phản ứng thì không rõ từ đâu hàng trăm mũi tên lao vút vào họ. Trong số bị trúng tên, chẳng may có ngài quan năm Mác-sét…”.

Quả là một thiên phóng sự rất hay, mô tả rất sát, đúng một chiến trường theo lối đánh du kích xưa nay đã từng nổi tiếng ở nhiều nơi trên đất Tây Ninh và miền Ðông Nam bộ. Người đọc chắc sẽ có nhiều thích thú. Như tác giả bài viết cũng đã bình luận rằng: “Ðiều khiến tôi thích thú nhất là Trương Quyền đã sử dụng cách đánh giặc độc đáo, “từ dưới đất chui lên” và “từ trên cây nhẩy bổ vào”. Trương tướng quân còn huy động được cả cái kiến, con ong vào trận đánh và: “Những cách đánh giặc độc đáo này đã được quân dân ta kế thừa phát huy và vận dụng rất sáng tạo trong 9 năm kháng chiến chống Pháp lần thứ hai và qua 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường miền Nam…” (bài đã dẫn).

Sau những hào hứng, thích thú do bài này mang đến, tôi chợt bình tâm mà nhớ lại. Người quan tâm đến lịch sử Tây Ninh chắc cũng chưa quên, rằng những trận đánh của Trương Quyền trên đất Tây Ninh chủ yếu diễn ra vào năm 1866. Và quan năm Mác-sét cũng đã chết, vào ngày 14.6.1866 trong một trận đánh tại rạch Vịnh (nay là khu vực các xã Hảo Ðước, An Cơ và Phước Vinh của huyện Châu Thành).

Xem lại các sách có liên quan lịch sử Tây Ninh, như các cuốn Lịch sử Ðảng bộ tỉnh, Lịch sử Ðảng bộ hoặc truyền thống đấu tranh cách mạng huyện Châu Thành, Thị xã (nay là TP. Tây Ninh) đều thấy có mô tả các trận đánh Pháp của Trương Quyền tại Tây Ninh là vào năm 1866, trong đó có trận rạch Vịnh vào ngày 14.7.1866. Sách ký sự lịch sử "Ba thế hệ xanh, một chặng đường" (1998) của Tỉnh đoàn cũng vậy.

Ngay cả cuốn "Tây Ninh xưa" của Huỳnh Minh in năm 1973 tại Sài Gòn, cũng viết rõ các trận đánh này diễn ra vào các ngày tháng cụ thể trong năm 1866. Các cuốn sách mang tính chất “chính sử” như "Chống xâm lăng" của Trần Văn Giàu (NXB TP. HCM, 2001) hay "Bình Tây đại nguyên soái Trương Ðịnh" (tác giả Nguyễn Xuân Huy và Tô Minh Trung, NXB Quân đội nhân dân 1965) đều có các chương mục nói về hoạt động của Trương Quyền tại Tây Ninh vào năm 1866.

Ngay cả sách lịch sử do người Pháp viết tại thời điểm khá gần với sự kiện, như cuốn "Ðại Nam quốc lược sử" của Alfred Schreiner (Sài Gòn, 1906) cũng đã ghi tỉ mỉ từng trận đánh của liên quân Trương Quyền- Pu-Kom-Pô diễn ra trong năm 1866. Liên quân này chỉ tồn tại đến cuối năm 1867.

Theo Trần Văn Giàu trong "Chống xâm lăng" thì năm ấy: “Pháp chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây/ Phan Thanh Giản giao đất nạp thành, nạp súng mà không hô hào kháng chiến/ Ðiều này rất bất lợi cho liên quân Khơ me-Việt…; quân khởi nghĩa phải rút về vùng Suối-giây nghèo nàn, dân thưa, lúa ít ở Bắc Tây Ninh… Ngày 28.7.1867, căn cứ Suối-giây (nay là Suối Dây) bị địch phá, nghĩa quân Việt Nam bắt buộc phải rút lui từng toán nhỏ về xa dưới vùng Hậu Giang. Còn Po- kum-pao thì qua bên kia sông Cửu Long, đánh vào Kôm pông- Soai; nhà ái quốc Khơ me bị trọng thương, bị bắt và bị hại ngày 3.12.1867 tại tỉnh lỵ Kom pông Thơm".

Vậy thì làm sao đến cuối năm 1869, lại xuất hiện một “trận đánh lịch sử trong rừng Bời Lời giữa nghĩa quân Trương Quyền và quân viễn chinh xâm lược Pháp, cũng do quan năm Mác-sét chỉ huy”? Khi người trong cuộc đã ngậm ngùi ở dưới “suối vàng”? Chúng ta đành truy tìm ngược lại nguồn tài liệu tham khảo mà tác giả bài viết trên đã tham khảo.

Tại cuối trang 95 của bài viết có ghi chú, đoạn trích kể trên là từ: “Báo Le Monde ngày 26.12.1869. Trích trong quyển sách Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Trảng Bàng (1945-1954). Sách do Ðảng uỷ quân sự huyện Trảng Bàng xuất bản 2005”.

Quả nhiên từ trang 26 sách này có một chương với tiêu đề chữ to in đậm ghi: “Nghĩa binh ông Két, ông Tòng và căn cứ địa lòng dân”. Tiêu đề là vậy, nhưng chuyện về Lãnh binh Két, Lãnh binh Tòng chỉ có 2 trang, còn lại 9 trang là chuyện về Trương Quyền và liên quân với “nhà sư yêu nước tên là Pô-Căm-Pô”.

Ðiều đáng ngạc nhiên là các trận đánh của liên quân với Pháp đã được ghi tất cả là vào năm 1869. Ðấy là trận đầu tại bến Trường Ðổi diễn ra vào ngày 7.6.1866 (theo các sử sách Tây Ninh đã viết) tiêu diệt quan chủ tỉnh Lac-cơ-lô; thì sách này ghi là: “Bất ngờ vào khoảng tháng 6.1869, nghĩa quân Trương Quyền đột nhập vào thị xã, bao vây phủ đường và nhà riêng tên chủ tỉnh Lác-cơ-lô nhưng sau đó hắn trốn thoát, tên Lesax (Lơ-xa) sĩ quan tuỳ tùng của tỉnh trưởng Lác-cơ-lô và 9 tên Pháp bị giết.

Nghĩa quân làm chủ tỉnh lỵ đến 4 giờ sáng hôm sau, dán yết thị tờ rơi kêu gọi nhân dân chống giặc Tây Phương. Trước sức mạnh của nghĩa quân, bọn lính Pháp đồn trú hoảng sợ ra lệnh cố thủ đồn và sau đó cấp báo về Sài Gòn xin cứu viện…”.

Vậy là trận Trường Ðổi, mà theo các sách sử Tây Ninh vẫn gọi với chiến công tiêu diệt 11 tên, trong đó có quan ba chủ tỉnh Lac-cơ-lô và sĩ quan Lơ-xa đã không diễn ra ở bến Trường Ðổi, mà là ở ngay trong thị xã (tỉnh lỵ) Tây Ninh. Và trận này, theo sách trên thì Lac-cơ-lô cũng “trốn thoát” mà không bị giết.

Vậy vì sao, sau đó khi đặt tên đường phố chính quyền thực dân đã cho đặt tên đường Quai Larclauze (Lac-cơ-lô) tại đường Phan Châu Trinh, TP. Tây Ninh ngày nay, nơi dẫn ra bến Trường Ðổi ngày xưa như để kỷ niệm một sĩ quan chết trận đầu tiên trên đất Tây Ninh.

Câu hỏi tiếp theo là:- Ðồn Tây Ninh cấp báo về Sài Gòn xin cứu viện, thì làm sao mà đội quân cứu viện do Mác-sét chỉ huy lại: “Ðổ bộ lên bến Sóc Lào làng Ðôn Thuận hành quân càn bố cả hai mũi quân thuỷ hợp điểm với cánh quân bộ tại Bời Lời lùng sục về hướng Bà Nhã, Bến Sắn, Bến Củi…” (Sđd, trang 33). Ðể từ đó mới có “trận đánh lịch sử trong rừng Bời Lời” như các nhà viết sử địa phương đã tả? Câu trả lời sẽ có ở phần tiếp theo, xem ở kỳ sau.

TRẦN VŨ

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục