Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Lâu nay, người ta ít dùng cụm từ cánh Đông để nói về những xã ở phía Đông, phía tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông thuộc huyện Trảng Bàng. Trong khi cụm từ cánh Tây vẫn thường xuất hiện. Đấy là 3 xã bên hữu ngạn của dòng sông. Muốn tìm thăm tháp cổ Bình Thạnh? Hoặc ra biên giới Tây Nam ư? Thì cũng được chỉ đường về 3 xã cánh Tây.
Phù điêu ở nghĩa trang liệt sĩ Trảng Bàng.
Vẫn còn một cánh Đông ít người nhớ tới. Trong sách “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và quân dân huyện Trảng Bàng anh hùng” (Ban Tuyên giáo Huyện uỷ xuất bản năm 1997), cánh Đông là chỉ phần lớn huyện Trảng Bàng nằm bên tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông. Bài viết này xin chỉ đề cập đến 5 xã trải ra bên rìa phía Đông của huyện Trảng Bàng: An Tịnh, Gia Lộc, Lộc Hưng, Hưng Thuận và Đôn Thuận.
An Tịnh thì người Tây Ninh ai cũng biết rồi! Nhưng sao lại phía Đông? Trong khi bia kỷ niệm Suối Sâu, ngay dưới chân cổng chào tỉnh Tây Ninh ghi rõ: “Địa đầu phía Nam tỉnh Tây Ninh là An Tịnh, xã được tuyên dương anh hùng/ Địa đầu xã An Tịnh là ấp Suối Sâu…”.
Thưa, đúng thế! Nhưng An Tịnh còn là điểm đầu của đường ranh phía Đông nữa. Giáp giới bên Đông là huyện Củ Chi “đất thép thành đồng”.
Trên tấm bảng đồng bia đá kỷ niệm Suối Sâu, ngoài những tóm tắt về sự kiện lập phòng tuyến Suối Sâu, nổ phát súng đầu tiên vào giặc Pháp, mở màn cho cuộc kháng chiến dài 30 năm; ngoài những sự tích anh hùng của quê hương An Tịnh, có một câu: “Thằng nào ở đây mà hung ác thì khó lòng ăn hết một tĩn nước mắm”. Đấy là câu mà hồi đó bọn tề nguỵ và quan lính Sài Gòn được bổ về đây thường rỉ tai nhau. Bốn xã còn lại, thật ra trong thời kháng chiến chỉ là 3 xã Lộc Hưng, Đôn Thuận và Gia Lộc.
Đến năm 2004, theo một nghị định của Chính phủ, mới tách từ 2 xã Lộc Hưng, Đôn Thuận để lập thêm xã mới Hưng Thuận với 8.917 người và 4.287 ha diện tích. Cũng chính là Lộc Hưng và Đôn Thuận, như hai cánh tay ôm lấy rừng Bời Lời, khu căn cứ của nhiều lực lượng cách mạng Tây Ninh và cả Sài Gòn- Gia Định suốt hai thời kháng chiến.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, phía địch còn có một câu giống như thành ngữ: “Bời Lời còn, Sài Gòn mất”. Sau biết bao cuộc càn quét với cả phi pháo, xe tăng và B52 ném bom huỷ diệt của chúng, Bời Lời vẫn còn kia “trơ như đá, vững như đồng”. Sách đã dẫn có câu: “Bời Lời trở thành lá cờ hiệu triệu toàn dân Trảng Bàng đánh giặc” (trang 74).
Theo một nghiên cứu trong sách “Căn cứ địa cách mạng ở Tây Ninh trong chiến tranh giải phóng 1945-1954” (Nxb Quân Đội Nhân Dân, 2002) thì Bời Lời chính là căn cứ bàn đạp vùng trung tuyến (vùng đệm) trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây không chỉ là “thủ phủ” của lực lượng cách mạng huyện Trảng Bàng, mà còn là của Phân khu 1 Sài Gòn Gia Định và sau đó là Quân khu miền Đông Nam bộ.
Sau tết Mậu Thân: “khu trung tâm Bời Lời có cả hàng trăm căn cứ lớn nhỏ của Miền xuống Phân khu… và huyện Trảng Bàng… Có lúc tới hàng ngàn người… Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đây là hướng tiến công thần tốc của quân đoàn 3, giải quyết căn cứ Đồng Dù trước khi tiến vào chiếm Bộ Tổng tham mưu- một trong 5 mục tiêu lớn nhất của địch tại Sài Gòn trong chiến dịch tháng 4.1975…”.
Đấy cũng là lý do để quân địch luôn nhắm tới để xoá sổ Bời Lời. Chỉ trong mùa khô 1966-1967, quân Mỹ và Sài Gòn đã có tới 3 cuộc càn quét nổi tiếng về quy mô tiến đánh vào căn cứ và dĩ nhiên là các xã cực Đông huyện Trảng Bàng. Đặc biệt từ năm 1968 đến năm 1972): “căn cứ Bời Lời bị quân Mỹ đánh phá vô cùng ác liệt bằng B52, phản lực, pháo bầy, xe tăng… chà đi xát lại… Địch huy động tới 300-400 xe tăng, xe bọc thép ủi phá rừng và càn vào căn cứ. Địa hình hầu như bị huỷ diệt hoàn toàn… nhưng địch vẫn không đánh trốc được ta ra khởi Bời Lời…”.
Thế nhưng, tổn thất cũng vô cùng to lớn. Chỉ riêng Trung đoàn 268 chủ lực của Phân khu I trong 3 năm ấy đã “bị tổn thất trên 1.500 cán bộ, chiến sĩ…”.
Hiếm có một cuốn sách nào mô tả cho đúng và đầy đủ về lịch sử một vùng đất có địa chính trị và địa quân sự quan trọng như ở Trảng Bàng, đặc biệt là ở các xã cực Đông, huống chi một bài báo ngắn. Vậy chỉ xin điểm lại những sự kiện đã lâu không được nhiều người nhắc đến, đã ghi trong cuốn “Lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân huyện Trảng Bàng anh hùng”, trên địa bàn các xã cánh Đông.
Đây là mặt trận Suối Sâu ngày 8.11.1945, những phát súng (và cả tên, ná) của người Trảng Bàng bắn vào đoàn quân Pháp. Đấy là 30 tết năm Bính Tuất (1.2.1946); hội thề của nhóm thanh niên yêu nước Trảng Bàng nhóm họp tại rừng Rong, An Đước (đều thuộc xã An Tịnh).
Cuối năm 1946, Đại hội nhân dân huyện tổ chức tại đình Lộc Hưng, có ông Dương Minh Châu- Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính (UBKCHC) Tây Ninh về dự. Đại hội bầu ra UBKCHC huyện. Từ đây, Trảng Bàng đã kiên cường chiến đấu với cả quân đội thực dân và giáo phái suốt cuộc kháng chiến 9 năm.
Tiếp đó là cuộc đấu tranh chính trị suốt 3 năm (1954-1956) đòi địch thực hiện Hiệp định Genève, tiến tới hoà bình thống nhất. Đến tháng 2.1958 có cuộc nổi dậy tự phát của quân dân Trảng Cỏ, Đôn Thuận, như là cuộc tập dượt đầu tiên của đồng khởi kết hợp chính trị và vũ trang, để tiến tới đồng khởi vũ trang làm nên chiến thắng Tua Hai lừng lẫy đầu năm 1960.
Không đợi tới Tua Hai, lực lượng cách mạng xã An Tịnh đã làm chủ tình hình toàn xã từ năm 1959. Sau Tua Hai, cuộc đồng khởi nở rộ tưng bừng trên mọi xã, ấp Trảng Bàng. Tại Lộc Hưng, chỉ sau: “một đêm nổi dậy, 12 trong tổng số 13 ấp của xã được giải phóng”. Rồi: “Thanh niên Gia Lộc tích cực tòng quân, đào công sự phá đường”. Tại Đôn Thuận: “làm bè chuối thả trôi sông trên cắm cờ và truyền đơn”. Tháng 2.1961, Uỷ ban Mặt trận dân tộc giải phóng huyện Trảng Bàng ra mắt trước 4-5 vạn người dân tại Sóc Lào, Đôn Thuận.
Giữa năm 1961, đơn vị C54 bộ đội huyện Trảng Bàng chính thức thành lập tại Trảng Sa, làm lực lượng nòng cốt chiến đấu giành và giữ đất quê hương… Các đội văn công của cách mạng cũng góp sức mình vào cuộc đấu tranh giải phóng. Các đội ra đời từ năm 1961, An Tịnh, Lộc Hưng, Đôn Thuận đều có.
Riêng Gia Lộc còn có đội văn nghệ thiếu nhi. Các đội trên tiếp tục tồn tại, phát triển qua từng chiến lược chiến tranh của địch. Đến năm 1967 có thêm đội Văn công xung kích huyện ra đời. Đội từng diễn tại Lộc Hưng với 2.000 khán giả và sau đó lại hành quân về An Tịnh chuẩn bị phối hợp trận tiến công vào Chi khu Quân sự Trảng Bàng sau đó.
Và cũng kỳ diệu làm sao, khi giữa cuộc phản công mùa khô thứ 2 (1966-1967), huyện vẫn duy trì được tới 7 ngôi trường kháng chiến ở cả 3 xã Lộc Hưng, Gia Lộc và An Tịnh. Trong cuộc chiến đấu ấy, ở đâu cũng thấy bóng dáng người phụ nữ. Như má Trần Thị Nghĩa ở Bùng Binh, Đôn Thuận- bị giặc giết khi dẫn đầu cuộc đấu tranh chính trị tháng 5.1962. Như các nữ liệt sĩ anh hùng: Đặng Thị Hiệt- Bí thư Chi bộ Đôn Thuận và Huỳnh Thị Hương- Chính trị viên Đội pháo binh nữ Trảng Bàng…
Phụ nữ Trảng Bàng không chỉ chống giặc dồn dân, cào nhà, lập ấp chiến lược mà còn khởi xướng các phong trào: phụ nữ cầm cày, tự túc nuôi quân, đi dân công hoả tuyến, chăm sóc thương binh… Họ còn trực tiếp đánh giặc trong các đội du kích và lực lượng vũ trang của huyện, điển hình như trận đánh một tiểu đoàn quân Mỹ trực thăng vận xuống Lộc Hưng trong mùa xuân 1968.
Thế trận toàn dân ở các xã cực Đông Trảng Bàng còn được duy trì cho tới mùa xuân năm 1975 đại thắng. Đã có biết bao địa chỉ được giữ lại làm di tích cách mạng. Nhưng cũng có biết bao sự tích anh hùng mới chỉ được ghi lại ở vài trang sử ít ỏi, hoặc chỉ còn lưu trong trí nhớ người trong cuộc. Mà đây là ở cánh Đông của huyện Trảng Bàng, từng có một thời hiên ngang như thành đồng, luỹ thép.
TRẦN VŨ