Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đến với thơ hay
Có một nỗi nhớ khôn nguôi
Thứ bảy: 22:51 ngày 16/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lê Phương là một nhà giáo, hiện là chuyên viên của Phòng Giáo dục - Ðào tạo thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Thơ anh vốn mộc mạc, giản dị như ca dao, song đau đáu một nỗi niềm với vùng quê yêu dấu của mình.

Bài thơ “Nhớ quê” đăng trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam là một bức tranh đẹp, nên thơ và giàu xúc cảm về một vùng quê nghèo. Khổ thơ đầu là những tự sự của người xa quê đã lâu: “Xa quê bốn chục năm rồi/ Ðêm nào lòng cũng bồi hồi nhớ quê/ Nhớ làng nghèo nhỏ ven đê/ Mẹ tôi nón lá đi về nắng mưa”.

Ðó là một làng quê nghèo, nằm ở ven đê, nơi có người mẹ hiền sớm khuya tần tảo “nón lá đi về nắng mưa”. Vùng quê ấy còn có: “Nhà tranh nép dưới bóng dừa/ Bữa cơm, bát tép, bát dưa, bát bầu/ Ruộng làng lầy thụt chân trâu/ Thương cha quần cộc áo nâu đi bừa”.

Những hình ảnh thật gần gũi, thân quen. Là “Bữa cơm, bát tép, bát dưa, bát bầu”, nơi có “ruộng lầy thụt chân trâu” với người cha thân yêu “quần cộc áo nâu đi bừa”... Và tác giả bắt đầu những cảm xúc về nỗi nhớ của mình.

Trước tiên: “Nhớ bà ru cháu dưới trưa/ Gió nồm võng cói đu đưa bên hè/ Tiếng chim chao chác bờ tre/ Trên cây xoan ủ tiếng ve ran đều”. Kỷ niệm một thời người bà ru cháu dưới trưa, có võng cói, gió nồm và cả tiếng chim “chao chác”, tiếng ve “ran đều”, một gợi thương gợi nhớ với những tiếp nối: “Nhớ đêm đi kéo vó lều/ Nước giăng tháng tám, cuốc kêu bờ đầm/ Nhớ em gái hái dâu tằm/ Gặp nhau đuôi mắt lá răm tiếng cười”.

Chắc đó là khi tác giả đã lớn khôn, biết đi “kéo vó lều” vào ban đêm, và nhớ “em gái hái dâu tằm”. Từ cái nhớ đôi lứa, tác giả lại hướng đến: “Nhớ hương lúa nếp tháng mười/ Nhớ nong cau đỏ nằm phơi trên sàn/ Nhớ bè bạn thuở cơ hàn/ Lưng dao cơm nắm, lên ngàn tìm nâu”, đấy là niềm mong mỏi đến sự ấm no: “Lúa nếp tháng mười” và cả hạnh phúc “Nong cau đỏ...”, cho dù cuộc sống vẫn còn những vất vả cơ hàn: “Lưng dao, cơm nắm, lên ngàn tìm nâu”.

Mỗi khổ thơ như là một phác hoạ về công việc và sinh hoạt đời thường của những con người chân quê trong cảnh thanh bình, yên ả, là tiếp nối những “cái nhớ” với điệp từ “nhớ” được nhắc lại nhiều lần trong bài thơ, gieo ấn tượng và cảm xúc cho người đọc.

Khổ thơ cuối: “Bây giờ tứ tán nơi đâu?/ Xa nhau đến bạc mái đầu vẫn xa!/ Quê ơi mắm cáy, sung cà/ Trọn đời cho đến tuổi già vẫn thương” như một câu hỏi gửi đến bạn bè, người thân đã “tứ tán nơi đâu” và “xa đến bạc mái đầu vẫn xa”.

Nhà thơ vẫn mong ước một điều dù “mắm cáy, sung cà” có nghĩa là cuộc sống vẫn nghèo khó, đạm bạc, với những món ăn nghèo của quê kiểng mà vẫn “Trọn đời cho đến tuổi già vẫn thương”. Những câu thơ khiến những người đồng cảnh ngộ xa quê phải rưng rưng nỗi niềm xúc cảm, nhớ thương...

CHÍNH VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục