Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xã hội hoá một số lĩnh vực văn hoá xã hội:
Có nâng nhưng chưa cao
Thứ hai: 15:35 ngày 08/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Kết quả ghi nhận, việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực văn hoá, thể thao chưa như trông đợi.

Ông Lê Minh Thế- Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Tây Ninh phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Tân Biên

Ngày 5.5 vừa qua, Ban Văn hoá - Xã hội của HĐND tỉnh do ông Lê Minh Thế- Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Tây Ninh làm trưởng đoàn khảo sát công tác xã hội hoá lĩnh vực văn hoá, thể dục thể thao tại xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên. Kết quả ghi nhận, việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực văn hoá, thể thao chưa như trông đợi.

Chưa thu hút được nhà đầu tư

Thạnh Bình là xã nông thôn mới nâng cao (được công nhận xã nông thôn mới năm 2014, nông thôn mới nâng cao năm 2021). Do đó, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, đi lại, học hành, thụ hưởng văn hoá và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.

Cơ sở vật chất văn hoá được đầu tư đạt chuẩn, hội trường Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng (gọi tắt là Trung tâm) có sức chứa 250 chỗ ngồi, âm thanh, ánh sáng bảo đảm chất lượng phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá, văn nghệ. Xã có sân bóng đá, bóng chuyền, công trình phụ và cảnh quan môi trường sạch, đẹp, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt thể dục thể thao, học tập cộng đồng của người dân trên địa bàn xã.

Hoạt động của Trung tâm luôn được sự hướng dẫn kịp thời về mặt chuyên môn nghiệp vụ của Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện, Phòng Văn hoá - Thông tin, Phòng GD&ĐT huyện. Giám đốc Trung tâm cơ cấu là phó chủ tịch UBND xã, 2 phó giám đốc, 3 cộng tác viên.

Từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã thu hút được một số dự án xã hội hoá. Cụ thể, năm 2019, một nhà hảo tâm tặng cụm trò chơi cho thiếu nhi, trị giá 60 triệu đồng; năm 2020, lắp đặt cụm trò chơi cho các em thiếu nhi tại ấp Thạnh Phước trị giá 15 triệu đồng; năm 2021, lắp đặt cụm trò chơi cho các em thiếu nhi tại ấp Thạnh Phước (văn phòng ấp) trị giá 15 triệu đồng; năm 2022, xã vận động cán bộ, đảng viên, các nhà hảo tâm xây dựng phòng sinh hoạt các câu lạc bộ, làm mái che, láng nền sân nhà văn hoá ấp Thạnh  Phú, trị giá 39 triệu đồng; lắp đặt cụm trò chơi cho các em thiếu nhi tại ấp Thạnh Phú, Thạnh Hoà (văn phòng ấp) trị giá 40 triệu đồng.

Lãnh đạo xã Thạnh Bình đánh giá, công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt chủ trương xã hội hoá của Đảng, Nhà nước đối với các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao chưa sâu rộng, chưa có giải pháp tích cực thực hiện xã hội hoá trong các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao ở địa phương, đơn vị. Việc huy động các nguồn lực trong nhân dân và toàn xã hội cùng chăm lo phát triển sự nghiệp văn hoá, thể dục thể thao chưa nhiều.

Kinh phí đầu tư của Nhà nước cho văn hoá, thể dục thể thao còn thấp, cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật văn hoá, thể dục thể thao còn thiếu và lạc hậu. Thị trường kinh tế thể thao trên địa bàn xã chưa phát triển, chưa đủ điều kiện hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài huyện. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát làm đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, sản xuất trì trệ, không tiêu thụ được nông sản, giá cả bấp bênh, ảnh hưởng nhiều đến thu nhập người dân.

Sau khi nghe lãnh đạo địa phương báo cáo, thành viên đoàn khảo sát nêu một số vấn đề xung quanh việc xã hội hoá các lĩnh vực nêu trên: các cơ sở tín ngưỡng văn hoá dân gian, hoạt động của Trung tâm như thế nào; khai thác, sử dụng cơ sở vật chất hiệu quả đến đâu, người dân có thường xuyên đến sinh hoạt, tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao hay không…

Trao đổi một số nội dung, bà Phạm Thị Thu Hồng- Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Bình cho biết, mỗi năm xã tổ chức từ 6-8 giải thể thao phong trào. Sân bóng đá, bóng chuyền mở cửa thường xuyên, người dân có thể vào chơi, tập luyện. Cơ sở vật chất hoạt động theo quy định, chưa làm dịch vụ (chưa cho thuê). Tủ sách trong Trung tâm đã xuống cấp, đang có kế hoạch nâng cấp, có người phục vụ nhưng số người đến đọc sách không nhiều.

Ông Lê Minh Thế- Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Tây Ninh đánh giá, cơ sở vật chất, phong trào thể dục thể thao, văn hoá xã Thạnh Bình tốt hơn, thuận lợi hơn nhiều địa phương khác. Nhưng, xã hội hoá còn hạn chế, chưa kêu gọi được sự tham gia của xã hội, nhà đầu tư.

Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên.

Đề nghị rút giáo viên về trường

Tại UBND huyện Tân Biên, lãnh đạo UBND huyện Tân Biên kiến nghị xem xét lại việc có nên bố trí một giáo viên làm việc ở Trung tâm hay không, vì địa phương đang thiếu giáo viên, trong khi bố trí giáo viên làm việc tại Trung tâm không thật sự cần thiết, lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên, đại diện UBND xã Tân Lập đề nghị cân nhắc việc rút giáo viên khỏi Trung tâm.

Tại buổi làm việc với UBND huyện Tân Biên, thành viên đoàn khảo sát đặt ra một số vấn đề liên quan chủ trương xã hội hoá văn hoá, thể dục thể thao. Trong đó, ý kiến nêu quỹ đất của huyện dành cho hoạt động, xây dựng cơ sở vật chất cho thiết chế văn hoá, thể dục thể thao như thế nào; văn hoá đọc ra sao, có nhiều người đọc sách không.

Người dân có thường xuyên vào sinh hoạt ở nhà văn hoá ấp, Trung tâm không, Trung tâm hoạt động hiệu quả đến đâu; các câu lạc bộ sinh hoạt như thế nào; những tài sản chưa sử dụng hết công năng, công suất thiết kế có cho thuê không…

Đại diện UBND các xã của huyện Tân Biên cho hay, Trung tâm mỗi năm chỉ được cấp 40 triệu đồng hoạt động, kinh phí này được nhìn nhận là eo hẹp, “không xã hội hoá khó bề hoạt động, có thể xã hội hoá bằng một cách nào đó”. Nhiều hoạt động thể thao, câu lạc bộ hoạt động tốt nhưng… không báo cáo, họ hoạt động vì yêu thích, đam mê, rèn luyện sức khoẻ.

Việc yêu cầu chức danh phó giám đốc Trung tâm phải có bằng đại học chuyên ngành thể dục thể thao là không thực tế, vì chức danh này chỉ kiêm nhiệm, người có bằng đại học không dễ gì chấp nhận điều kiện làm việc, tính chất công việc và thu nhập như hiện tại. Tủ sách của Trung tâm ít người đến đọc, kể cả cán bộ. Do nhiều nguyên nhân, trong đó có hành lang pháp lý, nhà đầu tư chưa thật mặn mà đầu tư vào các thiết chế văn hoá.

Theo bà Nguyễn Thị Tình- Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Tân Biên, quỹ đất dành cho việc xây dựng, hoạt động văn hoá, thể dục thể thao còn khó khăn, vì liên quan giá đất, đền bù. “Số người đến đọc sách không đáng kể. Theo quy định mới đối với xã nông thôn mới nâng cao, mỗi năm phải có tối thiểu 3.000 người đến Trung tâm đọc sách, làm sao cho đủ con số ấy”- bà Tình băn khoăn.

Về kinh phí hoạt động của Trung tâm, bà Tình nhìn nhận, mỗi năm chỉ được cấp 40 triệu đồng, không đủ hoạt động. Bà Đoàn Thị Minh Thanh- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên thừa nhận thực tế, việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia xây dựng cơ sở vật chất lĩnh vực văn hoá thể dục thể thao chưa hiệu quả.

Lãnh đạo UBND huyện tán thành ý kiến của lãnh đạo Phòng Văn hoá - Thông tin huyện rằng, việc giao chỉ tiêu 3.000 người đọc sách một năm tại Trung tâm không thực tế, vì công nghệ phát triển, người dân có nhiều cách tiếp cận thông tin, giải trí.

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Tân Biên, ông Lê Minh Thế đánh giá, lĩnh vực hoạt động văn hoá, thể dục thể thao ở địa phương khá tốt, có mặt còn nổi trội hơn vùng đô thị. Phong trào văn hoá văn nghệ, câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ cờ tướng… điều đó cho thấy nhu cầu về văn hoá, giải trí lành mạnh của người dân là có.

Khó khăn hiện nay của Tân Biên trong xã hội hoá lĩnh vực văn hoá, thể dục thể thao là nguồn lực tài chính, nguồn lực con người để xây dựng, phát triển. Kiến nghị của Tân Biên sẽ được tổ khảo sát ghi nhận, báo cáo đầy đủ lên cấp có thẩm quyền xem xét.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục