Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giảm nghèo bền vững:
Có nên duy trì các khoản hỗ trợ nhỏ lẻ, manh mún
Thứ sáu: 07:46 ngày 02/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương về hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm tại một số địa phương chưa cao, làm cho hiệu quả sử dụng vốn tín dụng còn hạn chế.

Sản phẩm mỹ nghệ làm từ lục bình sông Vàm Cỏ Ðông. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Ðông

Một trong những nội dung chính yếu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là việc thực hiện các dự án, tiểu dự án. Giai đoạn 2016-2020, các dự án, tiểu dự án được triển khai như thế nào, kết quả cụ thể ra sao? Bài viết dưới đây hệ thống lại những thông tin chính, qua đó có cái nhìn toàn diện về chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn vừa qua.

Chương trình 135

Trước tiên phải kể đến dự án Chương trình 135. Dự án này được cụ thể hoá bởi nhiều tiểu dự án khác.

Năm 2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 900/QÐ-TTg phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Theo quyết định trên, Tây Ninh có 16 xã thuộc chương trình 135, bao gồm: Tân Ðông, Tân Hoà, Suối Ngô, Tân Hà (huyện Tân Châu); Tân Bình, Hoà Hiệp (huyện Tân Biên); Phước Vinh, Biên Giới, Thành Long, Ninh Ðiền, Hoà Hội, Hoà Thạnh (huyện Châu Thành); Lợi Thuận, Tiên Thuận (huyện Bến Cầu); Bình Thạnh, Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng). Ðây là 16 xã được tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm giao thông được thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Chương trình giảm nghèo bền vững

Kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án cho thấy: Ðối với Tiểu dự án 1 (hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng) các công trình hạ tầng được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới như: giao thông, trường học, trạm y tế, thuỷ lợi nhỏ, nước sinh hoạt.

Tiểu dự án này góp phần giúp người dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ nguồn vốn của chương trình, giai đoạn 2016-2020, 16 công trình giao thông được thi công và 1 công trình kiên cố hoá kênh mương giai đoạn 2011-2015 tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn này. Giai đoạn 2016-2020, thực hiện cải tạo, nâng cấp được 2 trường học, 4 nhà văn hoá ấp, 4 công trình kiên cố hoá kênh mương và 832km đường giao thông nông thôn.

Ðối với Tiểu dự án 2 (hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo). Từ năm 2016 đến cuối năm 2019, Tây Ninh đã thực hiện được 102 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, 41 dự án nhân rộng mô hình sản xuất. Tổng số hộ được hỗ trợ là 2.962 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, trong đó có 93 hộ nghèo, cận nghèo là dân tộc thiểu số. Kết quả, 423 hộ thoát nghèo.

Tiểu dự án 3 (nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở): Tây Ninh đã tổ chức 15 lớp tập huấn cho 1.172 học viên là cán bộ cơ sở và người dân của 16 xã thụ hưởng Chương trình 135.

Lớp tập huấn cung cấp những kiến thức cơ bản, kinh nghiệm thực tế trong việc lập kế hoạch phát triển kinh tế hộ gia đình, nắm vững nội dung của kế hoạch sản xuất, kế hoạch tài chính, nội dung hạch toán hoạt động sản xuất của hộ và những phương pháp để quản lý sản xuất và chi tiêu trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức 1 lớp tập huấn nghiệp vụ giám sát đầu tư cộng đồng và hướng dẫn công tác duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng 135 cho 54 học viên tại huyện Tân Biên.

Một nội dung quan trọng khác thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững là dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Công tác truyền thông giảm nghèo kịp thời tuyên truyền các gương điển hình, chính sách hỗ trợ hộ nghèo để nhân rộng cách làm hay, mô hình giảm nghèo sáng tạo ở địa phương.

100% hộ dân thuộc địa bàn xã nghèo, huyện nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước, về kinh nghiệm sản xuất, tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình giảm nghèo bền vững còn có Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình. Giai đoạn 2018-2020, UBND tỉnh giao 50% kinh phí thực hiện dự án cho các huyện, thành phố thực hiện.

Kết quả, UBND các huyện, thành phố tổ chức tập huấn rà soát hộ nghèo định kỳ hằng năm cho 4.773 lượt cán bộ; tổ chức kiểm tra, giám sát công tác rà soát hộ nghèo, chương trình giảm nghèo; lồng ghép kiểm tra chương trình với các nhiệm vụ thường xuyên khác của địa phương.

Chương trình tín dụng hộ cận nghèo, theo kết quả thống kê, dư nợ đạt 158,22 tỷ đồng, chiếm 6,41% tổng dư nợ, 6.285 hộ còn dư nợ. Chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo, dư nợ đạt 413,97 tỷ đồng, 14.961 hộ còn dư nợ.

Nguồn vốn vay đã đáp ứng được nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của hộ cận nghèo, giảm nguy cơ tái nghèo; giúp hộ mới thoát nghèo có vốn tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, thoát nghèo bền vững.

Chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương, góp phần tích cực khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm. Qua đó ngăn chặn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, bán sản phẩm khi chưa thu hoạch ở nông thôn; góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện điều kiện sinh hoạt, đi lại, học hành cho các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo được áp dụng cho các hộ gia đình ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trong vòng 3 năm chưa bảo đảm đủ thời gian để các hộ có điều kiện thoát nghèo bền vững.

Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương về hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm tại một số địa phương chưa cao, làm cho hiệu quả sử dụng vốn tín dụng còn hạn chế.

Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân thoát nghèo (ảnh minh hoạ: sản xuất bánh tráng ở huyện Gò Dầu). Ảnh: Nguyễn Huỳnh Ðông

Ðề xuất bỏ một số chính sách có khoản hỗ trợ nhỏ lẻ

Các chính sách khác về hỗ trợ giáo dục, y tế, pháp lý, tiền điện, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng đạt một số kết quả nhưng được nhìn nhận là nhỏ lẻ, manh mún.

Tây Ninh tiếp tục hỗ trợ cho trẻ em 5 tuổi theo Quyết định 239/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tổng số trẻ em được hỗ trợ là 11.121 em, tổng kinh phí đã hỗ trợ 11.999 triệu đồng.

Thực hiện Quyết định số 2123/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người, tổng số trẻ em được hỗ trợ là 380 em. Hỗ trợ cho trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, các xã đặc biệt khó khăn, hoặc cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định, trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa theo Quyết định số 60/2011/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổng số trẻ em được hỗ trợ là 1.200 trẻ với tổng kinh phí 1.625 triệu đồng.

Cấp bù học phí, hỗ trợ chi phí học tập, cấp bù theo năm học phù hợp với hoạt động của ngành, sát với số học sinh thực tế để vừa bảo đảm kinh phí hoạt động cho đơn vị, vừa thực hiện tốt chính sách đối với học sinh.

Thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo, việc cấp thẻ BHYT đúng đối tượng, kịp thời đến người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình (nghèo tỉnh), hộ có mức sống trung bình làm nông lâm ngư nghiệp, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, người sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Gần 138 ngàn lượt thẻ đã đến đúng đối tượng, phí hỗ trợ hơn 73 tỷ đồng, đạt 100%.

Về chính sách trợ giúp pháp lý, giai đoạn 2016-2019, có 2.337 lượt người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí, được cung cấp các thông tin, chính sách hỗ trợ...

Chính sách hỗ trợ tiền điện, hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập theo chuẩn trung ương được hưởng chính sách hỗ trợ của trung ương và của tỉnh. Mức hỗ trợ hiện tại, từ 30.000 đồng đến 66.000 đồng mỗi tháng, tuỳ theo nhóm đối tượng. Chính sách hỗ trợ tiền điện còn mang tính nhỏ lẻ, chưa tác động đến cuộc sống của người nghèo.

Giai đoạn 2016-2019, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giới thiệu việc làm cho 339 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu. Tuy nhiên, các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia học nghề ít do có tâm lý không muốn học nghề, chỉ đi làm thuê, làm mướn để có tiền lo cho gia đình hằng ngày.

Trong các chính sách vừa nêu, đã nhiều lần, tại các hội nghị, giám sát, khảo sát, không ít ý kiến kiến nghị nên bỏ chính sách hỗ trợ tiền điện và một số khoản hỗ trợ khác trong giáo dục. Lý do, những khoản hỗ trợ trên không tạo ra sự thay đổi đáng kể nào, ngược lại, còn khiến nguồn vốn đầu tư bị dàn trải.

Việt Ðông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục