Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cố nén hắt hơi, coi chừng mang vạ!
Thứ bảy: 22:12 ngày 20/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Một người đàn ông 34 tuổi ở thành phố Leicester, Anh phải nhập viện vì bụm kín mũi miệng để cố ngăn không hắt hơi. Chuyện gì đã xảy ra?

Thỉnh thoảng chúng ta lại hắt hơi (hắt xì), và ai cũng được dạy bảo từ nhỏ là phải giữ lịch sự khi bị hắt hơi bằng cách bụm tay che mũi và miệng để nén cơn hắt hơi, nếu không ngăn được thì ít nhất cũng không làm nước mũi, nước bọt bắn tung toé sang những người xung quanh.

Nhưng mới đây, các bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo rằng việc che kín mũi và miệng khi hắt hơi sẽ gây nguy hiểm cho bản thân chúng ta. 

Vừa qua, một người đàn ông 34 tuổi ở thành phố Leicester (Anh) đã phải nhập viện vì bụm kín mũi miệng để cố ngăn không hắt hơi. Hậu quả là người này bị rách các cơ, mô ở phần thực quản nên nuốt và nói chuyện rất khó khăn. 

Khi thăm khám, các bác sĩ đã nghe thấy nhiều âm thanh lạ ở phần bên trong cổ họng chạy dài xuống xương sườn. Qua quét siêu âm, người ta nhận thấy là do không khí trong phổi bệnh nhân thâm nhập vào các mô và cơ vùng ngực vì không thể thoát ra khi người này cố nén hắt hơi. 

Trong thời gian điều trị suốt một tuần, bệnh nhân này đã phải ăn bằng đường ống, tiêm kháng sinh và thuốc giảm đau để điều trị các phù nề trong thực quản cũng như giảm bớt cơn đau.

Một cái hắt hơi có vận tốc lên đến 320km-h và bắn các hạt nước li ti xa đến 8m - Ảnh: Telegraph

Sau đó, các bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng tại bệnh viện đại học Leicester - nơi đã điều trị cho bệnh nhân, đã lập một báo cáo y khoa về ca chấn thương này và đăng tải trên chuyên san y khoa uy tín British Medical Journal. Bản báo cáo cũng cảnh báo về sự nguy hiểm khi người ta cố nén hắt hơi.    

Ít ai biết rằng một cái hắt hơi có sức mạnh đến thế nào. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Học viện Kỹ thuật Massachussets MIT (Mỹ), hắt hơi sẽ làm không khí từ trong phổi thoát ra ngoài với vận tốc 300km/h, và mạnh đến nỗi có thể làm nước mũi, nước bọt dưới dạng những hạt cực nhỏ bắn ra xa đến 8m. 

Mỗi lần hắt hơi, chúng ta tống ra ngoài khoảng 40.000 hạt nước cực nhỏ có kích thước trên/dưới 50 micrômét (50 phần triệu mét) và chừng 100.000 con vi khuẩn.

Do đó, khi bị ngăn không cho thoát ra ngoài miệng, áp lực của không khi bị dội ngược trở vào và kẹt lại trong phổi sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho phổi, não và tai như tràn khí trung thất ở phổi, làm vỡ các mạch máu não đang bị phình (có nguy cơ tử vong lập tức) và gây thủng màng nhĩ.

Đã có nhiều trường hợp chấn thương vì cố nén hắt hơi, các bệnh nhân khác khi nhập viện đã bị những chấn thương nghiêm trọng như vỡ mạch máu mắt, hư hỏng dây dây thần kinh mặt, thủng màng nhĩ, co thắt cơ và một vài trường hợp bị rạn nứt xương sườn.

Trên góc độ y học, sự hắt hơi chính là cơ chế phản xạ của cơ thể để tống ra ngoài những phần tử dị vật có nguy cơ gây hại, những thứ gây kích ứng đường hô hấp, đờm tích tụ trong họng và cả vi khuẩn nữa. 

Cố ngăn chặn hắt hơi không chỉ gây nguy hiểm cho các cơ quan nội tạng mà còn tạo cơ hội cho vi khuẩn tích tụ và sinh trưởng, cũng như có thể gây nên một cơn suyễn bất ngờ.

Các bác sĩ khuyến cáo nếu muốn ngăn một cú hắt hơi, bạn nên xoa xoa vùng mũi hay phần nhân trung (vùng dưới mũi bên trên môi trên) và hít thở mạnh bằng mũi. Nhưng tốt nhất bạn cứ hắt hơi tự nhiên nhưng dùng khăn giấy hoặc hai tay che phía ngoài mũi và miệng để tránh nước mũi và nước bọt bắn ra xung quanh. 

Tuyệt đối không được bụm chặt mũi và miệng để tránh những chấn thương ngoài ý muốn như "nạn nhân" bên trên. Như thế, vừa vẫn giữ được phép lịch sự lại vừa an toàn cho chính mình.

Nguồn TTO (Nguồn: Telegraph, MIT News)

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh