Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Có nên thành lập chợ tư nhân cầu K8 ?
Thứ tư: 05:36 ngày 20/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo ý kiến của bà con tiểu thương đang kinh doanh mua bán tại khu vực cầu K8, nơi đây nên thành lập chợ tư nhân do ông Phan Văn Quẹo- chủ đất quản lý, có như vậy mới đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân 4 xã.

>> Sớm di dời chợ tự phát ở khu vực Cầu K8

Chợ tự phát cầu K8.

Khoảng 3 năm nay, khu vực cầu K8, hay còn gọi là cầu Kênh Đông (ấp Lộc Hiệp, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu) trở thành điểm mua bán nhộn nhịp, đông đúc. Vào mỗi buổi chiều, người dân từ các xã Truông Mít, Lộc Ninh, Bến Củi, Phước Minh đổ về mua bán tấp nập, lâu ngày hình thành nên một khu chợ tự phát. Tất nhiên, chợ tự phát này có khá nhiều vấn đề phức tạp đáng lo!

RỦ NHAU MUA - BÁN RỒI THÀNH “CHỢ”

“Chợ” cầu K8 được người dân xem như là “chợ chiều” xã Lộc Ninh, vì chợ thường hoạt động khoảng từ 14 giờ đến 18 giờ hằng ngày. Trước năm 2011, khu vực này là một mảnh đất trống hơn 4.000m2 bên cạnh cầu K8, nằm dọc bờ kênh Đông, hướng về phía hạ lưu dòng kênh.

Đây là phần đất do ông Phan Văn Quẹo (53 tuổi) làm chủ. Sau năm 2011, khi Công ty CanSport đi vào hoạt động, vào giờ tan tầm, lượng công nhân từ các xã Truông Mít, Lộc Ninh, Bến Củi, Phước Minh đổ về khu vực cầu K8 rất đông.

Trước nhu cầu về chỗ ở và mua bán, ông Quẹo đã xây dựng phòng trọ cho công nhân thuê dài hạn, đồng thời cho một số bà con nông dân trong xóm “mượn” chỗ bán vài mớ rau cải trồng được để kiếm chút thu nhập. Thấy người mua ngày càng đông vào mỗi chiều, các tiểu thương khác rủ nhau đến khu vực đất ông Quẹo ngày một đông hơn.

Ban đầu, họ chỉ bày bán lặt vặt vài thứ như rau, củ, quả, về sau, lượng hàng hoá của tiểu thương đổ về ngày càng nhiều, ngoài thịt, cá tươi sống, họ còn bày bán thêm gà, vịt, thực phẩm đóng gói và đồ nhựa.

Trước nhu cầu mua bán không nhỏ trên mảnh đất trống của mình, ông Quẹo dỡ bỏ các phòng trọ, tiến hành “phân lô”, “dựng sạp” cho các tiểu thương vào buôn bán và bắt đầu thu phí thuê chỗ bán theo thoả thuận. Một tiểu thương bán rau tươi tại đây cho biết, mỗi ngày, ông Quẹo thu phí 3.000 đồng/chỗ, ai bày bán chỗ rộng hơn thì 5.000 đồng/chỗ. Nếu bán ở “mặt tiền” gần đường đi, số tiền có thể cao hơn đến 10.000 đồng/chỗ.

Hiện khu vực cầu K8 có khoảng 30 tiểu thương buôn bán trên khuôn viên đất của ông Quẹo, trung bình mỗi tiểu thương phải trả tiền phí từ 3.000 đến 20.000 đồng/người/chỗ. Đó là chưa kể đến một số tiểu thương “tự do” bày bán dọc bờ kênh Đông, ngoài khu vực đất của ông Quẹo.

Bà V, một tiểu thương cho biết, những người bán ngoài đất của ông Quẹo thường là vì hết chỗ, nhưng quan trọng là để tiện bán buôn nên họ đã “xí” mặt tiền sát bờ kênh. “Như vậy mới bán được, người ta mua nhanh lắm, cứ ngồi trên xe mua, trả tiền rồi chạy đi liền. Ở khu này xe ra vào đông đúc, bán không nhanh tay sẽ cạnh tranh không lại người ta đâu!”- tiểu thương này nói.

TIỀM ẨN NHỮNG NGUY CƠ

Xã Lộc Ninh có duy nhất ngôi chợ Suối Ông Hùng, nhưng chỉ hoạt động vào buổi sáng hằng ngày, lúc 8-9 giờ, không hoạt động vào buổi chiều. Trong khi đó, dân cư các xã chung quanh đều có nhu cầu trao đổi mua bán, đặc biệt là vào buổi chiều. Chính vì vậy, khi chợ cầu K8 hình thành, ngoài số công nhân Công ty CanSport, người dân các xã Truông Mít, Bến Củi và Phước Minh kéo đến để mua thực phẩm tươi sống, dù chợ không mấy vệ sinh, lấn chiếm cả khúc đường bờ kênh Đông.

Khu vực cầu K8 là nơi giao nhau giữa xã Lộc Ninh, Bến Củi, Phước Minh, cũng là tuyến đường chính kết nối giao thông giữa hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương. Vì vậy, lưu lượng xe qua lại hằng ngày nhiều vô kể, đặc biệt là các xe có tải trọng lớn. Trong khi đó, nhiều người dân và tiểu thương cứ vô tư bày mặt hàng như xe bánh mì, giày dép nhựa, heo, gà tràn ra sát mặt đường ĐT784; người mua hàng điềm nhiên ngồi trên xe, mặc cho đoạn đường ùn tắc giao thông. Bà N.T.Q (ngụ xã Lộc Ninh) nói: “Vì ở xã không có chợ chiều nên chúng tôi phải đi chợ cầu K8 thôi, thấy xe tải qua lại nhiều cũng sợ, nhưng không đi chợ này thì biết đi chợ nào bây giờ?”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Quẹo cho biết, từ khi người dân đến đây xin chỗ bán nhờ vào buổi chiều, ông chỉ nghĩ giúp vài người thân quen có nơi buôn bán đàng hoàng. Lâu ngày, nhu cầu buôn bán ở khu vực này ngày một tăng, nên họ cũng đến xin chỗ. Vì không muốn bà con “cự cãi” việc chia chỗ, ông mới phân lô đất, cho dựng sạp và thu phí đổ rác, dọn dẹp vệ sinh và trông giữ xe.

“Tôi biết khu vực này rất nguy hiểm. Vì vậy, mỗi khi họp chợ, tôi phải ra trông giữ xe và “nhắc” họ dời vào trong cho an toàn. Tiền thu mỗi ngày của họ chủ yếu dùng vào việc thu gom rác, dọn dẹp vệ sinh, chi phí nước dùng. Đối với một số người bán bên ngoài phần đất, họ thường dọn ra ngoài đường, tôi đã nhiều lần nhắc nhở nhưng được”- ông Quẹo nói.

CÓ NÊN THÀNH LẬP CHỢ TƯ NHÂN ?

Theo ý kiến của bà con tiểu thương đang kinh doanh mua bán tại khu vực cầu K8, nơi đây nên thành lập chợ tư nhân do ông Phan Văn Quẹo- chủ đất quản lý, có như vậy mới đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân 4 xã. Giải thích về vấn đề này, ông Quẹo trần tình: “Người buôn bán ở đây chủ yếu đến từ xã Lộc Ninh và Phước Minh.

Người mua chủ yếu là công nhân Công ty CanSport. Phía UBND xã Lộc Ninh đã đề nghị tôi làm “quy hoạch” để xây chợ tư nhân, vì đây là nhu cầu thực tế. Nếu được UBND xã, huyện đồng ý và cấp phép, tôi sẽ tiến hành xây nhà lồng, làm hàng rào để đưa bà con vào trong buôn bán cho an toàn”.

Theo ông Nguyễn Duy Phú- Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh, trước nhu cầu của người dân, UBND xã đã gửi văn bản đề nghị Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Dương Minh Châu xin chủ trương thành lập chợ tư nhân cầu K8. Phía huyện cũng đã đề nghị xã làm quy hoạch, sử dụng đất của ông Quẹo để làm chợ tư nhân.

Theo ông Phú, trong năm 2012-2013, UBND xã đã nhiều lần “dẹp” chợ tự phát cầu K8, để phòng ngừa tai nạn giao thông, đồng thời đưa các tiểu thương về chợ Suối Ông Hùng buôn bán. Tuy nhiên, do địa bàn chợ Suối Ông Hùng nằm dọc theo đường ĐT784, mật độ xe ra vào cũng đông, trong khi đó, người dân vẫn “cương quyết” kéo nhau ra ngoài “mặt tiền” buôn bán.

Sau một thời gian, khu vực chợ Suối Ông Hùng trở nên phức tạp. Tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri, UBND xã đã giải trình về vấn đề để chợ tự phát cầu K8 tồn tại đến nay. Trước đây, UBND xã cũng đã có phương án di dời các tiểu thương ra chợ Suối Ông Hùng nhưng không kết quả.

Hiện tại, chợ tự phát vẫn hoạt động mặc dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. “Nếu chủ trương thành lập chợ tư nhân được chấp thuận, ông Quẹo nên mở rộng vào bên trong phần diện tích đất theo lộ giới để tạo hàng rào chắn, trả lại hành lang an toàn cho kênh Đông”- ông Phú nói.

Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh cho biết thêm, đây chỉ là hướng giải quyết tạm thời. Giai đoạn 2020- 2025, để đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí chợ, UBND xã đã quy hoạch đất công khoảng 1 ha gần chợ Suối Ông Hùng để làm chợ, tổ chức buôn bán cả 2 buổi sáng - chiều. Khi đó, các tiểu  thương khu vực cầu K8 sẽ có điểm chợ “đàng hoàng” để mua bán.

Bày hàng lộn xộn tại chợ tự phát cầu K8.

Về phía Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Dương Minh Châu, lãnh đạo cơ quan này cho hay, chợ cầu K8 không nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.

Bên cạnh đó, việc tụ tập buôn bán ngay cầu sẽ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Phòng Kinh tế - Hạ tầng đã có văn bản đề nghị UBND xã Lộc Ninh có hướng giải quyết dứt điểm tình trạng tụ tập buôn bán của người dân, đồng thời xem lại quỹ đất ở khu vực thuận lợi bảo đảm an toàn giao thông để sắp xếp cho nhóm tiểu thương có chỗ buôn bán.

Nếu xét theo nhu cầu thực tế, chợ tư nhân có thể được thành lập nhưng phải theo quy hoạch của UBND tỉnh. Bởi vì theo quy định, chợ muốn được xây dựng và đưa vào hoạt động phải được UBND huyện chấp thuận trên cơ sở quy hoạch của UBND tỉnh. Khi xét thấy đủ điều kiện và phù hợp với nhu cầu thực tế, phù hợp với quy hoạch chung, UBND huyện mới đề xuất, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Rõ ràng, “chợ” ở đây đang có nhiều bất hợp lý cả về quy mô và địa điểm, mặc dù đã phần nào giải quyết được nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hoá hằng ngày của người dân 4 xã trong thời gian qua. Để giải quyết tình trạng này, UBND xã Lộc Ninh cần xem xét lại mục đích sử dụng đất của ông Phan Văn Quẹo, đồng thời rà soát quy hoạch của UBND tỉnh.

Nếu nhu cầu mua bán của người dân trên tuyến đường ĐT784 phù hợp với tình hình thực tế, UBND xã nên sớm quy hoạch quỹ đất công gần khu vực chợ Suối Ông Hùng, tổ chức mua bán hai buổi sáng-chiều để tạo điều kiện cho người dân trao đổi hàng hoá.

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh