Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, trước mắt số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị mới hình thành sau khi sắp xếp có thể nhiều hơn quy định, nhưng phải giảm trong 5 năm.
Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chủ tịch các tỉnh, thành nêu định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động khi sắp xếp bộ máy hành chính.
Theo đó, các chức danh diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sẽ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét quyết định theo thẩm quyền.
Chức danh do cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, địa phương quản lý theo phân cấp, do các đơn vị chủ động xây dựng phương án. Các cơ quan căn cứ vào điều kiện thực tiễn và tiêu chuẩn, năng lực cán bộ để lựa chọn người đứng đầu đáp ứng nhiệm vụ của đơn vị mới sau sắp xếp. Nhân sự người đứng đầu có thể lựa chọn trong hoặc ngoài cơ quan sáp nhập thành cơ quan mới.
Nếu người đứng đầu không tiếp tục đảm nhiệm vị trí này sẽ được bố trí làm cấp dưới liền kề và hưởng chính sách theo quy định của Chính phủ về sắp xếp bộ máy.
Các cơ quan căn cứ thực trạng số lượng cấp phó của người đứng đầu để bố trí vào vị trí này ở cơ quan mới sau hợp nhất theo yêu cầu và năng lực cán bộ. Trước mắt, số lượng cấp phó của cơ quan mới hình thành có thể cao hơn quy định, nhưng trong 5 năm phải giảm về đúng quy định.
Cán bộ, công chức, viên chức khác được bố trí vào các vị trí phù hợp với nhiệm vụ họ đang đảm nhiệm trước khi hợp nhất; nếu không còn nhiệm vụ thì bố trí sang đơn vị khác phù hợp với chuyên môn hoặc giải quyết chế độ chính sách cho họ.
Trước mắt, biên chế các cơ quan mới không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức đang có mặt trước khi sáp nhập, nhưng phải giảm biên chế trong 5 năm với người không đáp ứng yêu cầu, thiếu tinh thần trách nhiệm.
Công chức Đà Nẵng làm việc tại Trung tâm hành chính Đà Nẵng, tháng 5/2024. Ảnh: Nguyễn Đông
Bộ Nội vụ khuyến khích bộ ngành, địa phương bổ sung chính sách (ngoài chính sách của Trung ương) khi giải quyết chế độ chính sách với cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp bộ máy. Nguyên tắc là sử dụng cán bộ năng lực nổi trội, trách nhiệm, tâm huyết với công việc, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
Các cơ quan đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở yêu cầu của vị trí việc làm để sắp xếp nhân sự, tinh giản biên chế. Sau 5 năm, các đơn vị mới phải hoàn thành sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư.
Việc lựa chọn bố trí cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý phải căn cứ vào năng lực, sở trường, uy tín, kinh nghiệm công tác, sản phẩm cụ thể phù hợp với tổ chức mới.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 7/12, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết cơ quan này đang xây dựng dự thảo nghị định trong đó đề xuất chính sách "đủ mạnh và vượt trội" để tinh giản đội ngũ cán bộ công chức và giữ chân người tài khi tinh gọn bộ máy.
Tinh thần là vừa đảm bảo mục tiêu tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và sự phát triển, nhưng quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng của họ. Người có trình độ, phẩm chất, năng lực vượt trội sẽ được ưu tiên bố trí, sử dụng, nhất là trong lĩnh vực đặc thù.
Theo kế hoạch định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ công bố ngày 6/12, dự kiến có 5 bộ và 3 cơ quan ngang bộ sẽ duy trì, chỉ tinh gọn bên trong. 14 bộ, cơ quan ngang bộ được sắp xếp và hợp nhất. Các bộ, cơ quan ngang bộ được giao nhiệm vụ xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại, đảm bảo tinh gọn, cơ bản không duy trì mô hình tổng cục thuộc bộ.
Mỗi bộ duy trì một đầu mối tổ chức tương ứng với lĩnh vực tổ chức cán bộ, pháp chế, hợp tác quốc tế, văn phòng, kế hoạch tài chính, thanh tra. Các bộ rà soát cục, vụ theo hướng tinh gọn, chỉ duy trì các cục, vụ có đối tượng quản lý chuyên ngành. Với các cục, vụ liên thông gắn kết, cần kiện toàn thành một đầu mối.
Thực hiện phương án nêu trên, Chính phủ sau khi tinh gọn sẽ có 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ); 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 cơ quan). Nhiều địa phương cũng đang xây dựng phương án hợp nhất, sắp xếp lại các sở, ngành.
Nguồn vnexpress