Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vụ án “Cố ý làm trái…” xảy ra tại BQLDA Hoà Thành:
Cơ quan tố tụng còn phải làm rõ nhiều vấn đề
Thứ bảy: 23:19 ngày 18/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhiều bạn đọc phản hồi đến toà soạn bày tỏ sự quan tâm đến những tình tiết mới của vụ án, phóng viên Báo Tây Ninh đã có cuộc trao đổi với luật sư Lý Thanh An về tình tiết mới thể hiện qua phiên xử này.

Phiên toà phúc thẩm.

Sau 3 lần hoãn xử, ngày 15.3, khi xét xử trở lại vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình huyện Hoà Thành (BQLDA Hoà Thành), TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh tuyên huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh, trả hồ sơ về VKSND tỉnh điều tra lại theo thủ tục chung.

Ngay sau khi Báo Tây Ninh số ra ngày 17.3 tường thuật diễn biến phiên toà, nhiều bạn đọc phản hồi đến toà soạn bày tỏ sự quan tâm đến những tình tiết mới của vụ án, phóng viên Báo Tây Ninh đã có cuộc trao đổi với luật sư Lý Thanh An (Đoàn Luật sư Tây Ninh – tham gia bào chữa cho bị cáo Dân) về tình tiết mới thể hiện qua phiên xử này.

- Thưa luật sư, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã huỷ án sơ thẩm, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Vụ án đã có xuất hiện một tình tiết mới khá quan trọng, có thể làm thay đổi bản chất của vụ án, mà trước đây cấp xét xử sơ thẩm ở Tây Ninh không dự liệu được. Do vậy, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được khiếm khuyết này. Ngoài ra, theo tôi còn có một số nội dung khác cần phải làm rõ, nên HĐXX phải huỷ án trả hồ sơ về VKSND tỉnh điều tra lại theo thủ tục chung.

- Luật sư có thể nói rõ hơn “tình tiết mới” ở đây là gì?

- Cơ bản là trước khi TAND cấp cao xét xử phúc thẩm, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 3079/QĐ/UBND có nội dung đồng ý phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành. Điều quan trọng là, sau quyết toán này, cân đối lại thì BQLDA Hoà Thành còn thừa tiền, chứ không thất thoát. Có nghĩa là hậu quả của vụ án không xảy ra. Theo tôi, như thế là không hội đủ dấu hiệu quy buộc các bị cáo vi phạm đến mức phải xử lý hình sự.

- Luật sư có thể phân tích, về mặt pháp luật việc này được điều chỉnh như thế nào?

- Đơn giản, Điều 165 BLHS nêu rõ: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ở đây, tôi cho là các bị cáo tuy có “cố ý làm trái” nhưng không có “gây hậu quả nghiêm trọng” thì không thể xử lý hình sự, mà có thể xử lý hành chính theo Luật Cán bộ, công chức…

Tôi lấy một ví dụ đơn giản: một tài xế chạy xe cố ý lấn trái, lấn tuyến nếu xảy ra tai nạn nghiêm trọng chết người – lỗi ở anh thì anh phải chịu trách nhiệm hình sự, bị xử tù là đương nhiên. Còn trường hợp anh có cố ý lấn trái mà không đụng ai, nếu Cảnh sát giao thông phát hiện, anh bị phạt hành chính, bị thu hồi bằng lái, chứ không thể xử lý hình sự được!

- Thế nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, việc UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt quyết toán hoàn thành là động thái “khắc phục hậu quả”, mà đã có “hậu quả phải khắc phục”, các bị cáo vẫn bị xử lý hình sự theo quy định?

- Theo tôi, đó không phải là tình tiết khắc phục hậu quả. Chừng nào khi phê duyệt quyết toán xong, mà ngay tại thời điểm này, anh còn hụt, thiếu tiền, bị phát hiện, anh chạy lo nộp tiền vào, đó mới là khắc phục hậu quả.

Còn ở đây thực tế căn cứ vào khái toán ban đầu, tiền ứng ra đó, khối lượng công trình đã hoàn thành như thế, hiển nhiên nó phải tồn tại như thế. Nay đối trừ thì cân bằng, không thiếu hụt, không thất thoát, thậm chí còn dư tiền, chẳng qua là tại chậm quyết toán mà thôi. Mà việc chậm rãi này không phải hoàn toàn là do lỗi của các bị cáo.

Như trường hợp của Nguyễn Thiên Dân, sau khi ký tạm ứng tiền cho đối tác, Dân đã được điều chuyển đi công tác ở cơ quan khác. Rồi mãi đến một năm rưỡi sau công trình mới được phê duyệt, như thế người kế thừa nhiệm vụ phải thực hiện việc quyết toán, thu hồi tạm ứng theo luật, chứ Dân đâu thể quay về làm việc đó được.

Hơn nữa, số tiền 2 tỷ đồng tạm ứng đã thu hồi đủ trước khi vụ án khởi tố cả năm trời, bây giờ truy hồi trách nhiệm là hết sức khiên cưỡng. Còn khoản tiền tạm ứng bảo hành công trình là quan hệ dân sự với nhà thầu, phải được xem xét theo thủ tục tố tụng dân sự, chứ đâu thể “cột” trách nhiệm hình sự ở đây được.

- Nói như luật sư, có thể hiểu là các bị cáo trong vụ án này không phạm tội?

- Điều đó, lúc này chưa khẳng định được. Tất cả còn phải chờ cơ quan tiến hành tố tụng ở Tây Ninh giải quyết lại. Phải đợi có kết luận cuối cùng bằng bản án có hiệu lực pháp luật, hoặc nhanh hơn là có một quyết định đình chỉ vụ án nếu có căn cứ. Dưới góc độ là luật sư, chúng tôi đưa ra luận cứ bào chữa và mong muốn được toà án tuyên xử các bị cáo tuy có vi phạm nhưng không đến mức phải bị xử lý hình sự. Đối đế, cũng có thể áp dụng việc miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình theo Điều 25 BLHS…

- Tại phiên toà phúc thẩm, cả 7 luật sư bào chữa đều có chung ý kiến phản biện- không đồng tình với đề nghị huỷ án của đại diện Viện Kiểm sát, mà yêu cầu toà tuyên án các bị cáo không phạm tội. Những người dự khán cũng có ý kiến rằng, nếu đủ căn cứ buộc tội theo quy định nên tuyên buộc tội theo luật, chứ trả hồ sơ về làm lại sẽ mất nhiều thời gian, công sức của nhiều người. Ý kiến của luật sư như thế nào?

- Tôi nghĩ, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm vừa rồi không chọn phán quyết ngay, bởi vì còn nhiều vấn đề chưa làm rõ. Mấu chốt của vấn đề là kiểm tra lại xem vụ án này có thiệt hại hay không, đây là điều kiện “đủ”, là yếu tố bắt buộc về dấu hiệu để định tội. Điều kiện “cần” là có “cố ý làm trái” rồi, nhưng có “gây hậu quả nghiêm trọng” hay không? Trước mắt, chứng cứ thể hiện, theo tôi nhận thấy là chưa có thiệt hại, nhưng việc này cần phải có một kết luận giám định tài chính cụ thể, chính xác hơn. Cấp phúc thẩm không thể tự mình làm việc đó được, vì thế dù có tốn thời gian, công sức đến đâu cũng phải trả về làm lại thôi. Trước khi quyết định số phận pháp lý của một con người, cần phải thận trọng.

- Theo luật sư, những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến kết quả xét xử lại sau này?

- Cơ quan tiến hành tố tụng ở Tây Ninh còn phải thẩm tra lại tình tiết mới và còn làm rõ nhiều vấn đề liên quan. Kết quả sau này còn lệ thuộc nhiều vấn đề: Xem xét đánh giá lại chứng cứ; giám định tài chính sau kết quả quyết toán; kết quả tranh tụng công khai tại phiên toà... Luật sư tham gia tố tụng là để góp phần làm sáng tỏ sự thật của vụ án, chứ không thể nói trước, hứa trước hay quyết định được điều gì!

- Xin cảm ơn luật sư.

ĐỨC TIẾN

(Thực hiện)

Tin cùng chuyên mục