Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cô thợ may người Khmer này chia sẻ ước mơ về một tiệm may lớn hơn, khang trang hơn so với hiện tại.
Cô thợ may Lóc Ni Sa luôn tỉ mỉ với công việc.
Năm 17 tuổi, chị Lóc Ni Sa (sinh năm 1990, ngụ ấp Tân Châu, xã Tân Phú, huyện Tân Châu) bắt đầu học nghề may. Chị nói rằng, lúc đó nhiều bạn bè, người thân chọn đi làm xí nghiệp để có thu nhập nhưng chị ốm yếu, sợ không đủ sức làm công nhân nên chọn học nghề.
Không chỉ may đồ tây, Lóc Ni Sa còn qua tỉnh Svay Rieng (Campuchia) học may trang phục truyền thống Khmer và là một trong những người thợ hiếm hoi may đồ truyền thống cho phụ nữ Khmer trên địa bàn tỉnh.
Sau gần hai năm học nghề, Lóc Ni Sa mở một tiệm may nhỏ tại nhà. Thời gian đầu tiệm ít khách, lại bận bịu chuyện gia đình, con nhỏ nên Lóc Ni Sa không nhận may quần áo thường xuyên. Gần đây, chị đầu tư thêm vải vóc, nhờ đó lượng khách tìm đến đặt may tăng lên. Tính đến nay, Lóc Ni Sa đã may trên 100 bộ trang phục cho phụ nữ Khmer.
Vào những ngày Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay (tháng 4) của đồng bào Khmer và dịp tựu trường của học sinh (tháng 8-9) là chị lại bận rộn, có khi phải làm việc từ tờ mờ sáng tới khuya để kịp giao đồ cho khách. Giá may một bộ trang phục truyền thống Khmer cho người lớn và trẻ con từ 1-3 triệu đồng.
Ngoài may đồ, Lóc Ni Sa còn nhận sửa những bộ trang phục truyền thống không đúng kích cỡ, do người dân mua từ xa về. Chị nói: “Có những bộ phải gần như may lại hết mới mặc vừa. Nhưng mình không nhận cũng không có ai sửa thì tiếc lắm”.
Năm nay, lượng đồ chị nhận may vào dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay nhiều hơn mọi năm. Chị Lóc Ni Sa bày tỏ niềm vui: “Dịp tết vừa qua, tôi nhận may được 15 bộ đồ, nhiều nhất trong các năm. Có người vừa lấy đồ đã đặt thêm bộ khác cho tết năm sau”. Năm nay, dịch bệnh được kiểm soát, mọi việc dần trở lại bình thường, tết vui hơn nên mọi người đặt may áo mới nhiều hơn.
Nói về cơ duyên với nghề, Lóc Ni Sa vẫn nhớ, lúc trước, bà con Khmer muốn mặc đồ truyền thống phải đặt mua từ Campuchia, có lúc quần áo mua không vừa người, lại đắt nên bà con rất buồn. Do đó, chị muốn học may quần áo truyền thống để bà con thuận tiện đặt may cho vừa ý.
Chị tâm niệm, người thợ may phải thường xuyên học tập nâng cao tay nghề, có như vậy mới thu hút được người khác tìm đến với mình. “Mẫu đồ thay đổi liên tục, tôi thường học những kiểu đồ mới trên quyển sách mẫu, Facebook, hay đi đâu thấy kiểu đẹp thì chụp ảnh lưu lại”- Lóc Ni Sa chia sẻ.
Chị Lóc Ni Sa chỉnh lại áo vừa may.
Để theo kịp nghề, chị còn đăng ký học thêm các khoá học may nâng cao. Được tự tay may những bộ đồ truyền thống cho phụ nữ Khmer, nhìn họ mặc vào vừa vặn, Lóc Ni Sa rất vui. Những khách hàng đầu tiên của chị là người mẹ, người chị trong gia đình.
Chị khẳng định: “Với tôi, được may trang phục truyền thống- ngoài là nghề kiếm sống còn góp phần gìn giữ những nét văn hoá của dân tộc nên tôi luôn vui và tự hào với công việc của mình. Dù vẫn có những khó khăn, tôi cũng sẽ giữ nghề, không nghỉ đâu”.
Cô thợ may người Khmer này chia sẻ ước mơ về một tiệm may lớn hơn, khang trang hơn so với hiện tại. “Mình làm nghề phải có ước mơ tiến tới chứ không thể ở mãi hiện tại được”. Có tiệm may lớn sẽ thêm nhiều người biết đến, nhiều chị em Khmer sẽ được mặc những chiếc áo truyền thống vừa ý. Nếu có ai muốn học nghề, chị cũng sẵn lòng truyền lại để cùng nhau lưu giữ, lan toả nét đẹp của văn hoá dân tộc mình.
VI XUÂN