Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá:
Có ý nghĩa trong việc xây dựng cộng đồng văn minh
Thứ sáu: 06:07 ngày 01/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ đề nghị các địa phương khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Dù còn những hạn chế, bất cập nhưng theo bà, phong trào đã đạt được nhiều kết quả, có ý nghĩa trong việc xây dựng cộng đồng văn minh, hiện đại.

Người dân xã Tân Bình, TP. Tây Ninh trồng hoa trong khu dân cư. Ảnh: Nhật Quang

Chiều 30.5, tại khách sạn Sunrise (TP. Tây Ninh), Ban Chỉ đạo Trung ương về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tổ chức hội nghị giao ban khu vực Ðông Nam bộ và Tây Nam bộ. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ, đại diện các cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo uỷ ban nhân dân các tỉnh khu vực Ðông và Tây Nam bộ.

XÂY DỰNG CON NGƯỜI VĂN HOÁ

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, năm 2017, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đã được các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc. Ban Chỉ đạo đã ban hành các văn bản chỉ đạo khắc phục có trọng tâm, trọng điểm những bất cập, hạn chế trong thực hiện phong trào, trong đó tập trung chấn chỉnh công tác bình xét các danh hiệu văn hoá, đặc biệt là gia đình văn hoá.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, các cơ quan Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đã chỉ đạo các cơ quan siết chặt kỷ cương, kỷ luật, xây dựng nội quy, quy chế, lối ứng xử văn hoá trong cơ quan, đơn vị.

Việc thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá là một trong những tiêu chí bình xét thi đua hằng năm nhằm cụ thể hoá các nội dung trong thực hiện nghị quyết của Ðảng. Với mục tiêu xây dựng con người văn hoá, môi trường văn hoá, đời sống văn hoá đã thúc đẩy sự phát triển bền vững trong các hoạt động kinh tế, trong đó có doanh nghiệp. Các thiết chế văn hoá đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm bố trí quy hoạch sử dụng quỹ đất, nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt về văn hoá, thể thao của người dân.

 Năm 2017, các cơ quan thành viên thuộc Ban Chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý. Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch- cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi những bất cập trong các thông tư thuộc lĩnh vực văn hoá. Bộ đã tham mưu cho Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về “tăng cường bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”; chỉ thị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trong cán bộ công chức, viên chức…

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hướng dẫn Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh tham mưu cho các cơ quan lãnh đạo chỉ đạo trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Mặt trận các cấp đã vận động người dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hướng dẫn các cấp Công đoàn phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức xây dựng đời sống văn hoá trong công nhân viên chức, đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời tổ chức hội nghị hai miền Nam, Bắc triển khai các hoạt động tuyên giáo công đoàn, trong đó tập trung triển khai xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá.

Các cơ quan thành viên khác thuộc Ban Chỉ đạo như Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông - Vận tải, Uỷ ban Dân tộc, Bộ Nội vụ, Hội Cựu chiến binh, Ðài Tiếng nói Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ… đã tích cực xây dựng, thực hiện phong trào theo đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành nghề.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thuỷ phát biểu tại hội nghị.

Ngoài những kết quả đã đạt được, việc triển khai xây dựng phong trào cũng còn hạn chế. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, một số địa phương còn gặp lúng túng trong tổ chức thực hiện. Hiện tượng chạy theo thành tích, hình thức dẫn đến việc bình xét các danh hiệu được thực hiện một cách qua loa, thiếu dân chủ, công khai, minh bạch, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư và xã hội.

Công tác truyền thông về thực hiện phong trào theo Quyết định số 2478/QÐ-TTg ngày 30.12.2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Ðề án truyền thông phát triển phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tuy đã được Ban Chỉ đạo các cấp triển khai nhưng hiệu quả chưa cao. Ðến nay, mới có 44 trên tổng số 63 tỉnh, thành ban hành kế hoạch triển khai Ðề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

SẼ CÓ ÐIỂM LIỆT

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đại diện tỉnh An Giang cho rằng, các danh hiệu gắn với khái niệm văn hoá như gia đình văn hoá, ấp, xóm văn hoá đang trở nên dễ dãi, có tính phổ cập, vì vậy, cần xem lại để các danh hiệu nêu trên có tính thực tế hơn. Ví dụ, một hộ được công nhận là gia đình văn hoá sẽ được khen thưởng như thế nào, mức thưởng bao nhiêu, cần cụ thể hoá. Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết, Trung ương đã nhìn thấy những bất cập trong phong trào và đang chấn chỉnh. Riêng chuyện khen thưởng còn phụ thuộc Luật Thi đua - Khen thưởng.

Ðại diện tỉnh Long An phát biểu, sau khi được công nhận gia đình văn hoá, nhiều gia đình nảy sinh “tâm lý tự mãn”, làm ảnh hưởng đến danh hiệu đã được trao. Nhiều quy định hiện hành cần được sửa đổi để bảo đảm tính khách quan, khoa học trong việc thực hiện phong trào. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch thừa nhận việc công nhận các danh hiệu đúng là có chuyện cảm tính, cả nể. Tới đây, Chính phủ sẽ có một nghị định về xây dựng đời sống văn hoá, trong đó, quy định mới sẽ có cả thang điểm cụ thể, có quy định về điểm liệt.

Ðại diện tỉnh Long An cũng đề nghị điều chỉnh lại tỷ lệ hộ dân tham gia bình xét các loại danh hiệu văn hoá, quy định hiện nay 60% hộ dân trong ấp tham gia. “Tiêu chí để công nhận danh hiệu gia đình văn hoá hiện nay quá dễ, hầu như nhà nào cũng đạt, trừ khi quá tệ mới trượt. Ngay cả chuyện khen thưởng cũng cần tính toán lại, vì số gia đình được công nhận văn hoá quá nhiều nên cũng đòi hỏi phải có kinh phí”- đại diện đến từ Long An nói. Ðại biểu Long An cũng đề nghị, việc xây dựng các văn bản liên quan đến xây dựng đời sống văn hoá cần được diễn đạt sao cho đơn giản nhất, vì “phần lớn trưởng ấp đọc văn bản nhưng không hiểu, cuối cùng rồi mấy ông chi bộ Ðảng lại đứng ra làm”.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo tỉnh Bạc Liêu bày tỏ sự lo lắng về đạo đức xã hội, trong đó có hai ngành liên quan đặc biệt là Giáo dục và Y tế. “Người dân đang lo lắng trước thực trạng xã hội với những diễn biến xấu về đạo đức”- đại diện tỉnh Bạc Liêu nhận xét.

 Trưởng Ban phong trào của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Sinh cho rằng hiện có quá nhiều cuộc vận động, phong trào khác khiến cho chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá bị ảnh hưởng. Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ bổ sung, tổng hợp từ một số bộ, ngành, đoàn thể cho thấy, hiện có 107 phong trào, cuộc vận động, nhưng liên quan đến xây dựng đời sống văn hoá chỉ có một ban chỉ đạo mà thôi. Tới đây, việc sáp nhập các ban chỉ đạo phụ trách phong trào, cuộc vận động sẽ được tính đến.

Ðại diện cho địa phương đăng cai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng, những bất cập trong việc bình xét các danh hiệu văn hoá là có thật, Tây Ninh cũng chưa yên tâm với tỷ lệ đang có. Tây Ninh đã và đang siết chặt, chấn chỉnh tình trạng công nhận tràn lan các danh hiệu.

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, không nên áp dụng một tiêu chí chung của Trung ương cho từng địa phương, nên chăng phân cấp cho địa phương thực hiện những tiêu chí cụ thể, còn Trung ương chỉ ra định hướng chung, khái quát. Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Ngọc thẳng thắn cho rằng, các danh hiệu được công nhận một cách khá đơn giản khiến cho nhiều hộ dân không mặn mà với danh hiệu văn hoá.

iệc bình xét cũng còn tính hình thức, nhiều nơi chỉ có cán bộ địa phương tham gia bình xét, thiếu vắng tiếng nói của người dân tại nơi cư trú. Trước ý kiến lo lắng về đạo đức xuống cấp, ông Ngọc bình luận, điều này cần được nhìn nhận thấu đáo, bởi vì trong xã hội, cái xấu chỉ là thiểu số, cái tốt luôn nhiều hơn cái xấu.

Văn nghệ chào mừng hội nghị.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ đề nghị các địa phương khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Dù còn những hạn chế, bất cập nhưng theo bà, phong trào đã đạt được nhiều kết quả, có ý nghĩa trong việc xây dựng cộng đồng văn minh, hiện đại.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết, năm 2017 được coi là năm đỉnh cao trong xây dựng đời sống văn hoá. Bà đề nghị trong thời gian tới, khi triển khai cuộc vận đồng xây dựng đời sống văn hoá cần thực hiện cho được môi trường sống lành mạnh, nêu bật cách ứng xử vợ chồng (chung thuỷ), hiếu thảo (con cái với cha mẹ), yêu thương (giữa anh chị em trong gia đình)…

VIỆT ÐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh