Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Coi chừng du khách "bye bye" chỉ vì quán ăn hè phố
Thứ năm: 18:42 ngày 01/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Du khách nào đến Việt Nam cũng một lần lê la ăn hè phố, đó đang là một sản phẩm du lịch, nhưng nó cũng khiến nhiều du khách “bye bye Vietnam”.

Dịch vụ ăn uống đường phố rất hấp dẫn du khách. Ngay du khách đến từ các nước phát triển, thức ăn đường phố bán ở các vỉa hè luôn lôi cuốn họ vì ngon, lạ.

Du khách nước ngoài ăn uống tại chợ đêm Đà Lạt - Ảnh: M.Vinh

Nói không quá thì du khách nào đến Việt Nam cũng một lần lê la ăn hè phố dù họ ở nhà nghỉ hay khách sạn 5 sao. Thức ăn đường phố ở VN đang là một sản phẩm du lịch, nhưng nó cũng khiến nhiều du khách “bye bye Vietnam”.

Nhiều lần trong hơn 10 năm làm dịch vụ lữ hành quốc tế, đa số những đoàn khách nước ngoài tôi đưa đi tour ăn uống đường phố đều hào hứng. Nhưng gần như không có lần nào chúng tôi thoát khỏi sự phàn nàn vì có vài khách bị vấn đề tiêu hóa.

Sự việc lặp lại nhiều lần đến mức hãng buộc phải bỏ tour, thậm chí trong hợp đồng yêu cầu khách không được ăn uống hè phố. Hiển nhiên, chúng tôi có mất khách vì sự chặt chẽ này.

Chúng ta đang mất khách từ thức ăn đường phố như thế nào? Có những lý do rất đơn giản.

Có lần, một nữ du khách đến từ châu Âu trong đoàn của tôi trả tiền ăn cho người bán hàng. Cô cố đưa tiền vào tay không đeo găng tay của người bán hàng nhưng chị này cứ tiện tay nào cầm tiền tay ấy. Nữ du khách đã sốc dù bữa ăn trước đó cô cho là rất ngon. Dường như người bán hàng đeo găng tay lấy lệ, không ý thức được chức năng của găng tay nilông.

Có du khách lại sốc khi thấy người bán hàng rửa chén qua loa với một thùng nước nhỏ đen ngòm. Hàng ngàn chuyện có thể sốc như thế quanh gánh hàng rong ở VN.

Không thể chỉ trách người bán hàng rong. Họ có thể phải bỏ chạy khi lực lượng chức năng xuất hiện. Cơ bản, họ không được thừa nhận dù chính họ và quầy hàng của họ là một sản phẩm du lịch. Họ chỉ có thể cố gắng làm cho món ăn hấp dẫn.

Cần nhận thức đúng vai trò của thức ăn đường phố và cần bàn tay Nhà nước. Quy hoạch với người bán hàng rong nghe có vẻ to tát, thực tế chỉ cần sắp xếp lại theo một trật tự, lấy chữ sạch sẽ, thân thiện làm trọng tâm.

Nếu thừa nhận những người bán hàng rong thì họ yên tâm buôn bán và hiển nhiên những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm được tôn trọng. Nếu thừa nhận người bán hàng rong thì có thể thu thuế từ họ và tiền thuế này dùng để làm vệ sinh khu vực buôn bán.

Tại Hàn Quốc, Thái Lan... những khu ăn uống hè phố của họ không khác VN nhưng khách nước ngoài rất yên tâm vì nó sạch. Người bán hàng cũng rất sợ bị phạt vì các hành vi gây mất vệ sinh thực phẩm. Họ có thể bị mất quyền buôn bán và bị phạt tiền rất nặng nếu vi phạm.

Dẫu thế nào thì hàng rong đã thành sản phẩm du lịch, phải công nhận và nên quản lý nó. Quán ăn vỉa hè, chợ cũng nói lên sự văn minh của một địa phương...

Theo TTO

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục