Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tổng kết năm học 2017-2018:
Cởi mở, minh bạch để phát triển
Thứ sáu: 06:54 ngày 03/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, khác với công trình xây dựng, đổi mới giáo dục là một quá trình, do đó cần có lộ trình, không thể “làm cái rụp” mà xong. Giáo dục Việt Nam phải hội nhập với thế giới, đó là xu thế không thể đảo ngược.

Giáo viên tiếng Anh người Philippines tại Tân Châu.

Bằng hình thức trực tuyến, ngày 2.8, Bộ GD&ÐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm học 2018-2019. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam, lãnh đạo Bộ GD-ÐT cùng đại diện các bộ, ban, ngành liên quan.

Tại điểm cầu Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, Giám đốc Sở GD-ÐT Mai Thị Lệ cùng lãnh đạo các đơn vị trường học cùng dự hội nghị.

MỘT BỘ PHẬN CÁN BỘ CHẬM ÐỔI MỚI TƯ DUY QUẢN LÝ 

Báo cáo tại hội nghị, thứ trưởng Bộ GD-ÐT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm học 2017-2018, ngành Giáo dục đã rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước. Bộ GD-ÐT hướng dẫn các địa phương thực hiện việc sáp nhập các điểm trường mầm non, trường phổ thông phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Bộ đã xây dựng đề án quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035; xây dựng chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035.

Ngoài ra, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ huỷ bỏ các văn bản phê duyệt chủ trương thành lập hoặc cho phép thành lập 13 trường đại học đã quá thời hạn theo quy định, đồng thời, quyết định thành lập 3 phân hiệu trường đại học, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 1 trường đại học sư phạm kỹ thuật.

Lãnh đạo Bộ GD-ÐT cũng cho biết, một số địa phương dồn các điểm trường, sáp nhập trường không đúng quy định, tổ chức sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên với cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa tạo được sự thống nhất giữa quy hoạch phát triển GD-ÐT với quy hoạch khác như quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất....

Năm học vừa qua, Bộ đã tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Trong đó, đề xuất sửa đổi các nội dung về nhà giáo trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi); ban hành kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Cơ quan liên quan đã rà soát, xây dựng các chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông, xây dựng chuẩn giảng viên sư phạm, ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên, giảng viên, nhân viên trường học.

Các địa phương đã phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên rà soát hiện trạng đội ngũ, tính toán, dự báo nhu cầu sử dụng, nhu cầu đào tạo giáo viên để thực hiện giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm từ năm 2018 sát với nhu cầu sử dụng, khắc phục tình trạng thừa, thiếu như hiện nay. Một số địa phương đã xây dựng các đề án liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; sắp xếp, cơ cấu đội ngũ, tinh giản biên chế....

Ðể chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD-ÐT đã ban hành chỉ thị tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo, trong đó yêu cầu các cơ sở GD-ÐT phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng và tập huấn cho giáo viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức.

Theo yêu cầu của Bộ, ngành Giáo dục các địa phương phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết nhanh các vụ việc xúc phạm danh dự, thân thể nhà giáo.

Theo đánh giá của Bộ, quy mô, cơ cấu, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý chưa phù hợp, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên các môn học, cấp học và tại các địa phương.

Thời gian qua, một số địa phương đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công giáo viên, gây nhiều bức xúc trong đội ngũ giáo viên và xã hội. Tư duy về lãnh đạo, quản lý giáo dục trong một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục còn chậm đổi mới, vẫn nặng về chỉ đạo, quản lý theo kiểu hành chính, mệnh lệnh, nên chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở.

Một nội dung quan trọng của ngành là đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông. Về lĩnh vực này, Bộ GD-ÐT cho biết, các cơ sở giáo dục mầm non tăng cường áp dụng đa dạng các hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm” theo phương châm “học mà chơi, chơi mà học”, phù hợp với lứa tuổi.

Năm qua, các địa phương tiếp tục thực hiện Ðề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”. Sau khi Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thông qua, dự thảo chương trình các môn học đã được biên soạn, đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ÐT để xin ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.

Ðồng thời, các chương trình môn học cũng đã được tổ chức thực nghiệm tại 48 trường phổ thông thuộc 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện 6 vùng kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước. Ðến nay, chương trình các môn học đã được Hội đồng quốc gia thẩm định lần 2 và đang tiếp tục hoàn thiện để ban hành trong tháng 8.2018.

Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, rà soát, điều chỉnh kế hoạch tổng thể thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo các nghị quyết của Quốc hội…

ÐÃ THI CỬ LÀ PHẢI CÔNG BẰNG

Tại hội nghị, lãnh đạo ngành Giáo dục nhiều địa phương phát biểu ý kiến liên quan đến tình hình của ngành. Lãnh đạo Sở GD-ÐT Lào Cai đề nghị Bộ GD-ÐT có giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, đồng thời chuẩn bị chương trình, sách giáo khoa mới thật chu đáo, khoa học.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, địa phương này đã sắp xếp, sáp nhập hàng chục trường học lại với nhau. Ðịa phương này kiến nghị khi sắp xếp lại hệ thống mạng lưới trường lớp cần lưu ý khoảng cách, cự ly đi lại của học sinh các cấp học; đồng thời, đề nghị Bộ GD-ÐT, Bộ Nội vụ xem xét sắp xếp lại phòng giáo dục.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Sở GD-ÐT Phú Thọ cho rằng, chính sách của Nhà nước đối với giáo dục còn nhiều vấn đề không rõ ràng, trong đó có chủ trương xã hội hoá, ví dụ việc chuyển đổi trường công lập ra ngoài công lập như thế nào, phải có quy định cụ thể.

Với hành lang pháp lý như hiện nay, ngành Giáo dục không có cơ sở để làm, nghĩa là tiếp tục bao cấp trong khi nguồn lực bên ngoài lại dồi dào. Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội kiến nghị sửa đổi Nghị định 86 của Chính phủ về mức thu học phí, đồng thời, tạo hành lang pháp lý chuyển đổi trường công lập ra ngoài công lập.

Cũng liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia, đại diện ngành Giáo dục TP. Cần Thơ cho biết, đối với chủ trương phân luồng, TP. Cần Thơ chỉ tuyển 75% học sinh lớp 9 vào lớp 10, nhưng 25% học sinh lớp còn lại vào trường nào cũng không đơn giản. “Nếu để các em đi vào lao động sản xuất ngay thì tuổi các em còn nhỏ, còn nếu học trung cấp cũng khó xin việc”- đại diện TP. Cần Thơ phát biểu.

Về việc tinh giản biên chế, lãnh đạo TP. Cần Thơ đề nghị có hướng dẫn cụ thể, thống nhất và thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, không để mỗi nơi làm một kiểu. Theo đại diện Sở GD-ÐT An Giang, một trong những vấn đề nóng của tỉnh này là thiếu giáo viên mầm non, trong khi Trung ương quy định không ký hợp đồng lao động. “Không hợp đồng thì lấy ai dạy, chúng tôi nêu vấn đề này lên nhưng không ai trả lời”- lãnh đạo ngành Giáo dục Kiên Giang không giấu được sự bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, hệ thống trường sư phạm hiện nay có vấn đề, nhiều trường sư phạm “tồn tại một cách lưng chừng” làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng đào tạo giáo viên.

“Chỉ có trường tốt mới tạo ra thầy giỏi. Chúng tôi đã tham khảo nhiều nước ở Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và không thấy có nước nào đào tạo giáo viên giống nước ta”- ông Minh thẳng thắn. Về đạo đức, tư cách của giáo viên cũng như góc nhìn của xã hội đối với nghề dạy học, ông Minh nhìn nhận, nếu người thầy xứng đáng được tôn vinh thì xã hội sẽ tôn vinh, không nên bắt xã hội phải tôn vinh mình, nhất là khi mình làm chưa tốt vai trò, chức năng nghề nghiệp.

Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia, đại diện Trường đại học Kinh tế quốc dân đề nghị điều chỉnh ngay cách ra đề, không để xảy ra chuyện năm đề dễ năm đề quá khó. Về khâu tổ chức, lãnh đạo trường này đề nghị không nên xếp thí sinh tự do (công an nghĩa vụ) ngồi riêng một hội đồng thi, không có bất kỳ ưu tiên nào ở đây, tất cả thí sinh phải dự thi một cách công bằng.

Theo lãnh đạo Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nghị định 108 của Chính phủ về tinh giản biên chế không phù hợp, khó áp dụng với ngành Giáo dục, đề nghị ngành xem lại vấn đề này. Một trong những quy định không phù hợp là giáo viên phải hai năm không hoàn thành nhiệm vụ mới thuộc diện tinh giản biên chế.

Vậy nếu những người này rời biên chế, cơ sở giáo dục ngoài công lập có thuê những người “không hoàn thành nhiệm vụ không” - đại diện Uỷ ban nêu ý kiến.

Cơ ngơi mới Trường tiểu học Tân Phong- một công trình được xã hội hoá.

MẠNH DẠN SA THẢI CÁN BỘ, GIÁO VIÊN VI PHẠM ÐẠO ÐỨC

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam đề nghị toàn ngành nhìn nhận khách quan về kết quả thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Ðảng đối với giáo dục. “Cái gì làm được, cái gì chưa làm được cần được nhìn nhận công bằng, khách quan”- Phó Thủ tướng lưu ý.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, khác với công trình xây dựng, đổi mới giáo dục là một quá trình, do đó cần có lộ trình, không thể “làm cái rụp” mà xong. Giáo dục Việt Nam phải hội nhập với thế giới, đó là xu thế không thể đảo ngược- Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhấn mạnh về giáo dục thời hội nhập.

Giáo dục không chỉ là chuyện thầy cô mà còn là của toàn xã hội. Do đó, giáo dục phải cởi mở và minh bạch để huy động sức mạnh trí tuệ của cả xã hội - Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam lưu ý. Liên quan đến biên chế, Phó Thủ tướng lưu ý, nghị quyết của Trung ương 6 không hề và không có dòng nào yêu cầu cắt 10% giáo viên trong biên chế, cần hiểu cho đúng vấn đề này.

Có một vấn đề khá tế nhị nhưng đã được Phó Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, đó là nhà vệ sinh. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo nhà trường không được giấu sự hạn chế về công trình này, phải nói rõ sự thật để kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội chăm lo cho giáo dục.

“Lấy đâu ra bốn mươi ngàn tỷ mà xây nhà vệ sinh trong trường học trên cả nước”- Phó Thủ tướng nói. Ðối với vấn đề môi trường sư phạm, Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp hạn chế can thiệp hành chính vào môi trường giáo dục, đồng thời cũng sa thải bất kỳ ai trong ngành Giáo dục nếu vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

VIỆT ÐÔNG

Liên quan những vi phạm nghiêm trọng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, khá nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc, đề nghị xử lý nghiêm minh. Nhiều lãnh đạo ngành Giáo dục cho rằng cần duy trì kỳ thi THPT nhưng phải có giải pháp ngăn chặn hành vi tiêu cực; có ý kiến đề nghị, để hạn chế tiêu cực, nên chuyển bài thi trắc nghiệm về chấm ở một số trung tâm, không để chấm thi tại địa phương như 3 năm qua.
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh