Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giao tài sản phải thi hành án cho người mua trúng đấu giá:
Còn chậm trễ, vì sao ?
Thứ hai: 06:30 ngày 04/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong thời gian vừa qua, công tác giao tài sản phải thi hành án cho người mua trúng đấu giá còn chậm trễ, gây không ít bức xúc cho người dân.

DSC06886.JPG

Ông Phạm Hùng Thái trong buổi làm việc tại Chi cục THA huyện Tân Châu.

Trong hai ngày 30 và 31.5, Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát vấn đề này trên địa bàn các huyện Trảng Bàng, Châu Thành, Tân Châu và TP. Tây Ninh. Qua đó, cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm giao tài sản cho người mua.

Từ khách quan

Theo báo cáo của Chi cục Thi hành án dân sự (THA) TP. Tây Ninh, từ đầu năm 2018 đến cuối tháng 4, đã kê biên tài sản 94 việc với số tiền hơn 228 tỷ đồng. Trong đó, bán đấu giá thành và giao xong tài sản 14 việc; bán nhiều lần nhưng chưa bán được 14 việc; bán đấu giá thành, nhưng chưa giao tài sản 4 việc; bán đấu giá thành, nhưng chậm giao tài sản 3 việc và có một việc bị khởi kiện ra Toà án nhân dân (TAND) TP. Tây Ninh.

Trong vụ bị kiện ra toà, theo trình bày của lãnh đạo THA TP. Tây Ninh, không phải lỗi của THA mà do nguyên nhân khách quan.

Cụ thể, sau khi bản án có hiệu lực, THA TP. Tây Ninh thực hiện đúng quy trình, tài sản THA đã được tổ chức bán đấu giá thành công với số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa kịp giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, cuối năm 2016, đương sự đề nghị giám đốc thẩm. TAND TP. Tây Ninh quyết định huỷ kết quả bản án phúc thẩm để xét xử lại.

Người mua trúng đấu giá (người mua) chờ một thời gian khá lâu mà không nhận được tài sản nên nộp đơn khởi kiện. Sự việc trở nên rắc rối, sau khi hoà giải, người mua đồng ý nhận lại tiền đã mua tài sản trúng đấu giá, nhưng không phải bằng số tiền của thời điểm đã mua mà đòi bằng với giá thị trường.

Hiện nay, THA TP. Tây Ninh đang chờ họp lấy ý kiến, tìm hướng giải quyết. Theo nhận định ban đầu của lãnh đạo THA TP. Tây Ninh: “Việc này THA TP. Tây Ninh thực thi nhiệm vụ đúng quy trình. Nếu có sai là do Toà xử sai và Toà phải có trách nhiệm bồi thường cho đương sự”.

Tương tự như thế, ở phường 3 cũng có vụ việc, sau khi tổ chức bán đấu giá thành công tài sản THA với số tiền gần 1 tỷ đồng, chưa kịp giao tài sản cho người mua trúng đấu giá thì kết quả bản án bị huỷ. TAND tỉnh đang đề nghị TAND tối cao xem xét lại bản án. Chính vì thế, đến nay, người mua trúng đấu giá vẫn phải tiếp tục chờ kết quả xét xử lại của TAND tối cao.

Ở phường Ninh Sơn đang tồn tại một sự việc đến nay chưa giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Lý do, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Tây Ninh chưa đồng thuận giao tài sản bán đấu giá, vì giữa tài sản kê biên và tài sản bán đấu giá không tương xứng với số tiền phải THA. Cụ thể, giá trị tài sản bán đấu giá hơn 35 triệu đồng, nhưng nghĩa vụ phải THA chỉ hơn 19 triệu đồng.

Mặt khác, người mua được tài sản uỷ quyền cho người khác tham gia giải quyết việc THA, nhưng giấy uỷ quyền không hợp lệ. Chi cục THA TP. Tây Ninh đã nhiều lần mời người mua trúng đấu giá tài sản đến giải quyết. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay Chi cục không liên lạc được với người mua trúng đấu giá tài sản.

Hiện nay, Chi cục THA TP. Tây Ninh tiếp tục thông báo cho người mua trúng đấu giá tài sản để giải quyết việc THA, nếu không được thì tổ chức họp liên ngành để thống nhất hướng giải quyết tiếp theo.

Ngoài ra, còn một số trường hợp như ở xã Tân Bình, hay phường Hiệp Ninh, đương sự chống đối không chịu THA và một trường hợp ở phường Ninh Sơn đương sự không tự nguyện giao tài sản. THA TP. Tây Ninh đang đề nghị Công an TP. Tây Ninh hỗ trợ xây dựng kế hoạch bảo vệ cưỡng chế. Sau khi Công an có kế hoạch sẽ thực hiện cưỡng chế giao tài sản.

Ở huyện Châu Thành, tính đến nay cũng đang tồn tại 4 trường hợp chưa giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Trong đó có một trường hợp ở xã Thành Long kéo dài từ năm 2014 đến nay. Nguyên nhân khi chấp hành viên đến kê biên tài sản, đương sự cố tình né tránh, đồng thời đến gặp lãnh đạo UBND huyện yêu cầu ngưng cưỡng chế, nếu không, đương sự này sẽ phản đối bằng cách tự thiêu.

Trước tình hình đó, lãnh đạo huyện yêu cầu tạm ngưng THA trong 2 tháng để đương sự tự THA. Sau khi hết thời hạn tạm ngưng, đương sự đã có đủ số tiền cần thiết để THA nhưng vẫn không tự nguyện THA. Trong khi đó, người được THA phải chờ đợi quá lâu mà chưa nhận được tài sản, nên nộp đơn khiếu nại.

Hiện nay, Ban Chỉ đạo THA huyện quyết định cho đương sự này thêm thời gian 2 tháng nữa để THA, nếu không chấp hành, sẽ tổ chức cưỡng chế THA theo quy định pháp luật.

Đến lỗi của chấp hành viên

Đơn cử một trường hợp ở xã Phước Vinh, huyện Châu Thành. Đương sự phải THA với số tiền gần 9 tỷ đồng, nhưng trong quá trình kê biên tài sản, chấp hành viên chỉ kê biên diện tích đất mà không kê biên tài sản trên đất gồm một căn nhà gỗ trị giá khoảng 200 triệu đồng, một hồ chứa nước xử lý bột mì và sân phơi mì lát gạch tàu.

Sau khi tổ chức bán đấu giá thành công, khảo sát lại mới phát hiện trên đất này còn những công trình kiến trúc nêu trên. Vì vậy, Thi hành án không thể giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Ban Chỉ đạo THA huyện tổ chức họp liên ngành để tìm hướng giải quyết, đồng thời, THA huyện khởi kiện chấp hành viên này vì thiếu trách nhiệm trong công tác. Hiện THA huyện đang chờ kết quả xử lý của Toà án.

Một trường hợp khác ở xã Ninh Điền, đến nay, chưa giao tài sản phải thi hành án cho người mua trúng đấu giá được cũng vì sự thiếu trách nhiệm của chấp hành viên nêu trên. Lẽ ra phải 3 lần tống đạt quyết định cho đương sự, chấp hành viên này chỉ tống đạt 2 lần và tống đạt quyết định thiếu sự có mặt của vợ hoặc chồng đương sự.

Từ đó, dẫn đến khó khăn trong việc THA. Đã vậy, chấp hành viên này chuyển công tác sang đơn vị khác. THA huyện thống nhất sắp tới sẽ cưỡng chế để giao tài sản THA cho người mua trúng đấu giá. Đối với chấp hành viên sai phạm nghiệp vụ sẽ đề nghị xử lý đích đáng.

Ở huyện Tân Châu cũng có trường hợp do chấp hành viên thiếu trách nhiệm dẫn đến chậm giao tài sản phải THA cho người mua trúng đấu giá. Một người dân ngụ thị trấn Tân Châu mua trúng đấu giá tài sản là một thửa đất có diện tích 10 ngàn mét vuông, nhưng THA huyện không thể giao tài sản cho người mua trúng đấu giá được, vì chấp hành viên không đo đạc thực tế đối với thửa đất nêu trên, mà chỉ căn cứ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bởi thế, không xác định được vị trí cụ thể trên thực địa để giao phần đất này cho cho người mua trúng đấu giá. Chi cục THA huyện đã báo cáo Ban Chỉ đạo THA huyện tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ phối hợp Chi cục THA huyện kiểm tra, đo đạc trên thực địa đối với diện tích đất 10 ngàn mét vuông ở vị trí cụ thể, có bị bao chiếm không.

Nếu có, thu hồi giao cho người mua trúng đấu giá theo quy định pháp luật. Nếu không có, giao cho người mua trúng đấu giá phải bồi thường theo quy định. Chi cục THA huyện báo cáo Cục THA tỉnh, Cục THA tỉnh báo cáo Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) xin ý kiến giải quyết vấn đề này.

Đồng thời, Chi cục THA huyện tiếp tục có công văn đề nghị UBND huyện xem xét, có quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất này. Khi có đủ các căn cứ, Chi cục THA huyện sẽ tổ chức thương lượng bồi thường cho người mua trúng đấu giá. Nếu không thương lượng được, người mua trúng đấu giá có quyền khởi kiện đến TAND có thẩm quyền yêu cầu bồi thường theo quy định.

Và nhiều nguyên nhân khác

Trong quá trình THA còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến việc chậm giao tài sản. Một người dân ở xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu vừa mua trúng đấu giá tài sản với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng; và vừa là người được thi hành án với số tiền gần 1 tỷ đồng.

Đến nay, người dân này đã nhận số tiền THA, nhưng chưa nhận được tài sản mua trúng đấu giá. Vì phần đất này đang tranh chấp tài sản và tranh chấp di sản với bốn người khác. Hiện tại, Chi cục THA huyện Tân Châu đang chờ kết quả giải quyết của TAND huyện đối với các tranh chấp nêu trên mới có căn cứ giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân tài sản đã kê biên phát mãi, nhưng đối với những tài sản có giá trị lớn, không có người tham gia đấu giá, vì vậy, phải giảm giá nhiều lần. Hoặc đương sự né tránh, cố tình không nhận thông báo của cơ quan THA, nhằm kéo dài việc THA.

Ngoài ra, có nhiều vụ vỡ nợ, một người phải THA cho nhiều người với giá trị THA rất lớn. Một vài đương sự cố ý tẩu tán tài sản, hoặc có tài sản nhưng đã thế chấp vay ngân hàng nên rất khó khăn trong việc kê biên phát mãi tài sản để thu hồi tiền trả cho người được THA, hoặc khi bán được tài sản không đủ thanh toán cho người được THA v.v...

Thi hành án một vụ trồng cây trên đất nông nghiệp bao chiếm trái phép
trên địa bàn huyện Tân Châu.

Thi hành án cần lấy lại niềm tin

Phát biểu tại buổi làm việc với các đơn vị được giám sát, ông Phạm Hùng Thái- Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh ghi nhận những nỗ lực và chia sẻ những khó khăn của các Chi cục THA.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Pháp chế tỉnh cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục của các đơn vị THA. Như cần xử lý những chấp hành viên đã thiếu trách nhiệm để gây ra hậu quả; cần thiết, phải xử lý hình sự và buộc những chấp hành viên này bồi thường thiệt hại Nhà nước.

“Phải củng cố niềm tin, gầy dựng lại lòng tin của quần chúng nhân dân đối với cơ quan THA. Theo ông Thái, các đơn vị THA phải tập trung nghiên cứu, lập lại quy trình THA, kiện toàn các quy chế phối hợp, công tác phối kết hợp với các cơ quan khác như Công an, Ngân hàng, Văn phòng Đăng ký đất đai, UBND các huyện, thành phố, các xã, thị trấn. Đồng thời, các Chi cục THA rà soát lại những cơ quan, đơn vị nào chưa thực hiện tốt vai trò để báo cáo Ban Chỉ đạo THA tỉnh, huyện, thành phố, cơ quan THA cấp trên có hướng tháo gỡ; nếu cần, sẽ kiến nghị lên Quốc hội xem xét, bổ sung, điều chỉnh Luật THA để tránh những trường hợp chồng chéo như thực tế hiện nay.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh